Đón Tết Đoan Ngọ được xem là nét đẹp văn hóa lâu đời của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Vào ngày này, người dân quan niệm, buổi sáng sớm ăn bánh gio, chè, trái cây chua, rượu nếp thì bệnh tật sẽ tiêu tan, diệt trừ sâu bọ, mùa mang bội thu, cuộc sống ấm no.
Chính vì vậy, trước mỗi dịp Tết Đoan Ngọ (Mùng 5 tháng 5 Âm lịch), thị trường nhộn nhịp với rất nhiều mặt hàng từ bánh trái, đồ cúng, xôi chè... để phục vụ nhu cầu của người dân.
Các khu chợ Hà Nội đông đúc, mức giá tăng mạnh so với ngày thường
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong những ngày gần đây, tại các chợ dân sinh ở Hà Nội như chợ Long Biên, chợ Hôm, chợ Nghĩa Tân, chợ Hàng Bè,... người dân đi mua sắm tấp nập. Thị trường hàng hóa phục vụ ngày Tết Đoan Ngọ rất sôi động với đủ loại sản phẩm. Giá các mặt hàng tăng đáng kể tại nhiều khu chợ ở quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Đống Đa,…
Những loại quả phục vụ riêng Tết Đoan Ngọ như vải, mận, cóc, dứa, chôm chôm, đào,… hay các thực phẩm khác là gạo nếp, rượu, bánh gio,… được bày bán khắp chợ. Từ cửa hàng cho tới người bán rong đều cung cấp những mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân. Nhìn chung, mức gia đều tăng mạnh so với ngày thường.
Nếu như giá vải thiều loại ngon những ngày trước là 60.000 đồng/kg, thì nay là 80.000 đến 100.000 đồng/kg, mận hậu cũng tăng lên 90.000 đồng/kg, gần gấp đôi so với trước. Các loại quả khác như măng cụt, xoài cát giá 60.000 đồng/kg, cam ngọt lên giá 40.000 đồng/kg. Theo chia sẻ từ một vài tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân, do năm nay vải thiều mất mùa nên giá mới cao hơn năm trước.
Giá rượu nếp cẩm 0,5kg là 55.000 đồng, rượu nếp cái 0,5kg là 45.000 đồng, đối với rượu nếp đóng sẵn trong hộp nhỏ có giá 20.000 - 30.000 đồng/hộp. Bánh nếp lá xanh truyền thống 170.000 đồng/10 chiếc, bánh gio có giá 10.000 đồng/chiếc,...
Bên cạnh đó, giá hoa tươi cũng có phần tăng nhẹ so với năm trước. Cụ thể giá hoa loa kèn 35.000 - 50.000 đồng/chục, sen hồ Tây giá 120.000 đồng/bó, hoa cúc 40.000 - 60.000 đồng/chục,...
Song song với việc chuẩn bị mâm cúng tươm tất, nhiều người dân cũng tìm mua lá xông, hay còn gọi là "lá mùng 5". Vì vậy, nhiều tiểu thương cũng đặt mua hàng loạt loại lá, cây mang vị thuốc nam để về cột thành từng bó nhỏ và bán, trong đó có: lá bưởi, tía tô, đinh lăng, hà thủ ô, ngải cứu, khuynh diệp... để bán trong dịp này.
Với những người bận rộn không có thời gian để chuẩn bị mâm cúng thì tại nhiều chợ dân sinh cũng có những dịch vụ làm mâm cúng sẵn, mỗi mâm cúng có giá 200.000 - 1 triệu đồng (tùy vào nhu cầu khách hàng).
Một số tiểu thương ở các khu chợ tại quận Tây Hồ cho biết, họ đã tính toán nhập hàng hóa, sẵn sàng phục vụ từ nhiều ngày trước. Họ cho biết, giá cả sẽ tăng hơn so với ngày thường nhưng vẫn đảm bảo bán hết, không sợ ế hàng. Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, nhiều siêu thị cũng nhanh chóng tăng nhập hàng để phục vụ người dân đón Tết Đoan Ngọ. Đặc biệt, nhiều nơi còn “tung ưu đãi” cho thực phẩm thường được mua trong dịp đặc biệt này.
"Chợ online" sẵn sàng phục vụ, đủ mọi mặt hàng với nhiều mức giá
Bên cạnh việc mua nguyên liệu về tự làm, những gia đình bận rộn công việc thường chọn cách đặt mua đồ đã được chế biến sẵn, chỉ cần mang về bày biện và cúng.
Trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… dịch vụ mâm cúng cho ngày “giết sâu bọ” được chào hàng khá sôi động, với mức giá thấp nhất 250.000 đồng/set, bao gồm các loại hoa, quả, xôi, rượu nếp cái, rượu nếp cẩm. Thông thường, khách hàng sẽ chọn mức giá phù hợp với nhu cầu, khoảng 350.000 - 1 triệu đồng cho một set đầy đủ, gồm có: Rượu nếu cẩm, nếp cái, bánh gio, mận, vải, bánh nếp lá xanh – chả cốm, hoa sen quan âm cùng nhài tươi.
Theo chia sẻ từ những chủ quán nhận đặt mâm cúng trên mạng thì lượng khách nhận giao hàng trong những ngày cận kề tăng gấp đôi so với trước. Nhìn chung, giá cả nhiều loại mặt hàng đều tăng do ảnh hưởng của giá nhiên liệu đầu vào và cước vận chuyển.
Lượng bán nhiều trong dịp Tết Đoan Ngọ sẽ thúc đẩy doanh số các mặt hàng lên. Giá cả đắt hơn ngày thường, nhiều gia đình đã lựa chọn mua hoặc đặt hàng sớm, tránh tình trạng cháy hàng, không có đồ cúng.
THẢO ANH