Muốn thầy đến nhà cúng phải kèm theo đồ lễ
Tháng 7 âm lịch hàng năm còn được dân gian gọi là tháng cô hồn, sở dĩ vậy là vì những ngày này những người chết không nơi nương tựa, thờ tự sẽ về nhân gian để nhận đồ cúng lễ trên nhân gian. Do vậy, việc cúng Rằm tháng 7 đối với nhiều người là rất quan trọng, nó không chỉ mang ý nghĩa báo hiếu tổ tiên, mà còn phải làm sao âm khí hay các cô hồn không vào gia đình quấy nhiễu. Chính vì lý do đó, không ít gia đình cẩn thận, mời thầy đến tận gia đình để cúng lễ trong dịp này.
Theo họ, việc các thầy có kiến thức, cúng lễ bài bản sẽ giúp gia đình yên tâm hơn là việc cúng chay, khấn nôm như những ngày rằm, mùng một khác. Tìm hiểu cho thấy, có rất nhiều dịch vụ cúng lễ tại nhà được đăng tải trên các trang mạng xã hội hoặc mạng internet.
Việc các gia đình mời thầy pháp tới gia đình cúng là rất tốt, vì ngoài có kiến thức, các nghi thức làm rất bài bản, gia chủ sẽ cảm thấy an tâm hơn. Ảnh minh họa.
Trong vai một người cần mời thầy cúng về làm lễ trong dịp Rằm tháng 7, chúng tôi liên hệ tới một thầy cúng có tiếng ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), sau khi trao đổi người này cho biết, hiện đã kín lịch hầu hết các ngày, chỉ còn ngày 13 tháng 7 (ÂL), vào khung buổi chiều là trống 2 tiếng.
Khi hỏi giá cúng tại nhà, người này cho biết, giá cả vẫn như ngày bình thường đó là 1.000.000 đồng/1 tiếng. Tuy nhiên, trong dịp Rằm tháng 7 có thêm cúng chúng sinh, vì thế ngoài phí cúng đơn thuần, gia chủ phải đặt đồ, lễ cúng (mâm ngũ quả, hoa tươi, quần áo chúng sinh, vàng mã) thì thầy mới nhận. Đồng thời cam kết, cúng lễ bài bản, đủ các lễ nghi từ cúng thần linh, gia tiên, chúng sinh…
Khi gia chủ chia sẻ rằng, mọi đồ lễ đã chuẩn bị hết thì người này đã từ chối và cho rằng, nếu chỉ đến cúng không thì thầy quá bận và mệt, vì công việc nhiều không làm xuể.
Do quá nhiều người đặt hàng, nhiều thầy cúng chỉ nhận khi có combo kèm theo đồ lễ, chứ không làm riêng phần cúng. Ảnh minh họa.
Trong khi một thầy cúng trẻ ở phố cổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, việc gia đình tin tưởng mời thầy về gia đình cúng là rất tốt, điều này cũng thể hiện sự chỉnh chu của gia đình với những dịp cúng lễ quan trọng trong năm. Tuy nhiên, với những người làm nghề này, thường họ phát tâm là chính, vấn đề tiền bạc sẽ tùy tâm gia đình chứ không đòi hỏi.
“Bản thân tôi cũng đi cúng, nhưng không phải ngày nào hay lúc nào mình cũng nhận vì cái đó còn phải phụ thuộc vào duyên. Một ngày tôi không bao giờ nhận quá 2 lễ, làm như vậy mới có thời gian nói chuyện, hiểu tâm tư của gia đình. Còn đi làm việc thiện mà như chạy sô thì mất hết ý nghĩa tốt đẹp”, người này chia sẻ.
Hết dịch nhưng cúng online vẫn là xu thế
Dù dịch bệnh COVID-19 không còn hoành hành như trước, tuy nhiên nhiều gia đình vẫn đặt các dịch vụ cúng rằm online tại gia hoặc tại mộ phần. Với cúng tại gia, đa số là do gia đình con cháu không về đầy đủ trong ngày cúng lễ, vì thế mọi người dùng các thiết bị kết nối để tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên những người đã khuất.
Theo ghi nhận, tại một số nghĩa trang tâm linh, việc cúng rằm online ngay tại mộ phần diễn ra thường xuyên hơn, thậm chí với nhiều gia đình việc làm này đã trở thành thường quy, chứ không riêng gì Rằm tháng 7.
Cúng lễ online ngày Rằm tháng 7 thường diễn ra ở mộ phần nhiều hơn là ở tại gia. Ảnh: NVCC.
Bà Nguyễn Ngọc Trâm – Trưởng ban Hậu Cần (Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên) cho biết, so với thời điểm dịch bệnh, các gia đình đặt lễ cúng online không nhiều bằng, nhưng vẫn chiếm tỉ lệ khá nhiều trong dịp Rằm tháng 7.
Theo chia sẻ của bà Trâm, có nhiều hình thức đặt lễ cúng Rằm tháng 7 online, đó là đặt mâm cỗ chay hoặc cỗ mặn, có gia đình đặt lễ tiền vàng hoa quả… Khi thực hiện, có người yêu cầu trực tiếp làm lễ qua thiết bị điện tử và nghe cúng tại mộ phần. Tuy nhiên, có gia đình lại yêu cầu quay video toàn bộ quá trình cúng lễ rồi gửi lại để họ gửi cho toàn bộ con cháu.
“Với những người đặt lễ cúng online, chúng tôi chỉ lấy chi phí phần lễ như tiền vàng, mâm cỗ cúng hay mâm ngũ quả, hoa tươi…Riêng phần cúng online, dù là gia đình yêu cầu được nghe cúng trực tiếp hay quay video chúng tôi đều không lấy tiền”, bà Trâm chia sẻ.
Dù là ghi hình hay cúng online trực tiếp, dịch vụ cúng này cũng được miễn phí cho gia chủ. Ảnh: NVCC.
Cũng theo bà Trâm, đa số những người đặt dịch vụ cúng online là vì lý do bất khả kháng không thể về trực tiếp được, ví dụ như do ốm đau, dịch bệnh hoặc công tác xa nhà, thậm chí là những người đang định cư ở nước ngoài cũng thường xuyên đặt dịch vụ này.
Nhận định về xu thế thuê thầy về cúng tại gia, hay cúng online, Đại đức Thích Trí Thịnh – Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, Phó ban trị sự GHPGVN tỉnh Hòa Bình cho biết, nói về việc hiếu nghĩa với tổ tiên, ông bà hay cha mẹ còn sống, việc về được trực tiếp vẫn là điều nên làm và rất đáng trân trọng. Bởi những cuộc gặp mặt, hay những bữa cơm gia đình, tự tay thắp nén hương cho ông bà sẽ ý nghĩa hơn nhiều so với việc chỉ nhìn từ xa, hay gọi cuộc điện thoại nói chuyện.
“Tuy nhiên, nhìn vào thực tế ví dụ như dịch COVID-19 thì việc cúng online cũng sẽ là chấp nhận được, nó vừa thể hiện được nhu cầu, vừa đảm bảo công tác phòng dịch. Còn khi đã bình thường thì gặp trực tiếp vẫn mang ý nghĩa rất to lớn, không gì đong đếm được”, Đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.
Đại đức Thích Trí Thịnh cho rằng, cúng online có thể là xu thế, nhưng không thể thay thế được việc thể hiện tình cảm, sự tôn kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ khi gặp trực tiếp.
Riêng với việc mời thầy về cúng tại gia, Đại đức Trí Thịnh cho rằng, việc làm này nếu có điều kiện, duy trì được là rất tốt, không chỉ Rằm tháng 7, mà cả các dịp lễ trọng đầu năm, cuối năm, ngày giỗ… Bởi các thầy pháp hay các sư sẽ thực hiện nghi lễ đầy đủ, bài bản hơn, gia đình cũng yên tâm hơn.
“Tôi nghĩ, điều này cũng thể hiện sự tôn kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ nếu đã khuất. Đặc biệt, việc làm này cũng rất phải đạo chứ không phải mê tín hay làm cho có, cho xong chuyện.
Với phật giáo chúng tôi, cũng qua những buổi lễ đó chúng tôi đến các gia đình để giảng đạo, giáo hóa để đem lại sự giác ngộ chân chính đến các gia đình, để phật tử hướng tới cái thiện, cái tốt, gieo nhân duyên cho mọi người, giáo dục sự báo ân, báo hiếu với người thân, cũng như cả chúng sinh. Bởi giáo lý nhà phật đã chỉ rất rõ rằng, ngoài người thân chúng ta còn ơn tổ quốc, ơn đồng bào, những người thầy cô, người giúp đỡ mình....”, Đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.
LÊ PHƯƠNG.