Ai cũng muốn có một thân hình chắc khỏe, cứng rắn nhưng không có nghĩa là tất cả các bộ phận trên cơ thể của chúng ta càng "cứng" thì càng tốt. Ví dụ, nếu mạch máu, gan, khớp, vùng vai cổ bị xơ cứng thì đây chính là dấu hiệu của bệnh tật, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trong cơ thể con người, có hai bộ phận càng mềm mại thì càng giúp tuổi thọ càng kéo dài, đó là mạch máu và khớp.
Mạch máu
Các mạch máu giống như đầu mối giao thông, là đường dẫn lưu thông máu. Khi còn trẻ, thành trong của mạch máu trơn, mềm và có tính đàn hồi, khi tuổi càng cao thì mạch máu sẽ dần bị lão hóa và cứng lại.
Xơ cứng động mạch thường xảy ra ở phụ nữ trên 55 tuổi và nam giới trên 45 tuổi. Xơ cứng động mạch có thể gây ra nhồi máu cơ tim và bệnh mạch vành, cũng như đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Tuổi tác, thói quen hút thuốc, uống rượu nhiều, việc kiểm soát lipid máu và đường huyết không tốt, bệnh béo phì có thể đẩy nhanh tốc độ xơ cứng động mạch.
Sau khi mạch máu bị xơ cứng sẽ có các triệu chứng rõ ràng như đau đầu không rõ nguyên nhân, chóng mặt, giảm trí nhớ đột ngột, tê bì một bên tay chân, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi toàn thân và ù tai. Đặc biệt, dái tai rất nhạy cảm với tình trạng thiếu máu, thiếu oxy. Khi mạch máu bị xơ cứng, dái tai không nhận đủ máu nuôi dưỡng, từ đó sinh ra nếp gấp do thiếu máu. Nếp gấp này y học gọi là dấu hiệu Frank, có thể là dấu hiệu của bệnh tim.
Các bệnh tim mạch được coi là "sát thủ thứ hai" đe dọa sức khỏe con người, chỉ đứng sau ung thư. Vì vậy, chúng ta nên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hãy điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý và duy trì vận động vừa phải để làm chậm tốc độ lão hóa mạch máu.
Nên chú ý kết hợp ăn thịt và rau, tăng cường ăn rau củ quả, hạn chế ăn thịt, thực hiện chế độ ăn ít muối, đường và chất béo, mỗi bữa chỉ nên ăn trong thời gian từ 7 đến 8 phút. Chăm chỉ vận động và tập các môn như đạp xe, thể dục nhịp điệu, yoga hoặc bơi lội... càng nhiều càng tốt. Hãy bỏ hút thuốc lá và uống rượu bia.
Nếu bị xơ cứng động mạch, cần dùng thuốc hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Người trên 60 tuổi dù không có triệu chứng xơ cứng động mạch cũng nên đến bệnh viện thăm khám định kỳ hàng năm để kiểm soát huyết áp, lipid máu và đường huyết ổn định.
Khớp
Cơ thể con người có 206 chiếc xương, các xương được kết nối với nhau bởi khớp, khớp gồm bao hoạt dịch, bề mặt khớp và sụn khớp. Việc tập thể dục trong thời gian dài có thể làm mòn các khớp, khiến cho bề mặt xương ngày càng dày và cứng.
Chấn thương, tuổi tác, tập thể dục cường độ cao trong thời gian dài, chứng co cứng cơ, tình trạng làm việc quá tải có thể gây mòn khớp. Các khớp có bị cứng do hao mòn hay không liên quan đến hai vấn đề: một là cơ ngoài khớp có khỏe hay không, hai là khớp có bị tăng sản hoặc tổn thương hay không.
Hầu hết các bệnh nhân hyperostosis (chứng dày xương), bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp hoặc gút bị xơ cứng khớp. Ví dụ như với bệnh viêm khớp, sự lưu thông máu ở các khớp kém, dễ bị sưng khớp và khó gập đầu gối, thậm chí chỉ có thể nằm liệt trên giường, từ đó gây ra các vấn đề ở hệ thống hô hấp và mạch máu.
Nhìn chung, chứng loãng xương diễn ra nhanh hơn sau tuổi 40, vì vậy cần bổ sung canxi hợp lý và bảo vệ xương khớp.
Hãy nhiều rau xanh có chứa canxi, sữa, đậu nành, động vật có vỏ ... và tiếp xúc đầy đủ với ánh nắng mặt trời để thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Vào mùa đông, cần thường xuyên giữ ấm. Mang đệm đầu gối khi cần thiết, tránh leo trèo, leo cầu thang để không tăng gánh nặng cho xương khớp.
Trong cuộc sống hàng ngày, cần chăm sóc các khớp và mạch máu, đến bệnh viện thăm khám sức khỏe định kỳ, duy trì vận động vừa sức, không nên đứng, ngồi lâu. Bổ sung cân bằng các chất dinh dưỡng cho cơ thể trong mùa đông, không tẩm bổ một cách mù quáng, chủ động kiểm soát cân nặng.
Theo LAN HƯƠNG/VTC