Quá trình mang thai thường mang tới cho phụ nữ những thay đổi lớn lao về cả thể chất lẫn tinh thần.
Theo một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Y học Thể chất và Phục hồi chức năng của Mỹ, mang thai có thể làm biến đổi cấu trúc bàn chân của các bà mẹ tương lai. Bàn chân một phụ nữ mang thai lần đầu tiên có thể dài thêm đến 1cm.
|
Hình minh họa. |
Tiến sĩ Neil Segal, một chuyên gia chỉnh hình từ Đại học Iowa, Mỹ đã có ý tưởng nghiên cứu về đề tài này sau khi nhận được nhiều than phiền của bệnh nhân rằng họ phải thay đổi cỡ giày sau khi sinh đẻ. Ông đã cho đo chiều dài chân của50 phụ nữ khi họ bắt đầu mang thai và khi sinh con được 5 tháng. Kết quả nghiên cứu đã chứng minh có đến 60%-70% có bàn chân dài hơn, rộng hơn và không có dấu hiệu trở về với kích thước ban đầu.
Các phép đo cho thấy cấu trúc xương bàn chân đã mất đi độ cong và độ rắn chắc trong suốt quá trình mang thai.
Tiến sĩ Segal giải thích, trong quá trình mang thai, các dây chằng ở bàn chân trở nên mềm hơn dưới tác động của hai hormon estrogen và relaxin. Bàn chân của thai phụ sẽ trở nên mềm dẻo để thích ứng khi trọng lực đang chuyển dần về phía trước bụng. Kết quả là bàn chân bẹt hơn và dài thêm từ 2 đến 10mm.
Các bác sĩ cho rằng những thay đổi về kích thước này là thay đổi vĩnh viễn. Một số cơ, xương khác trên cơ thể cũng biến dạng do mang thai như cổ tay, xương sống... nhưng có thể quay trở lại trạng thái ban đầu sau khi sinh con khoảng 3 tháng. Còn bàn chân cho tới tháng thứ 5 sau sinh vẫn không có dấu hiệu phục hồi.
Hiện tượng bàn chân biến dạng này chỉ diễn ra trong quá trình mang thai lần đầu tiên, bởi các phép đo trên những phụ nữ sinh con lần thứ 2, thứ 3 không ghi nhận được nhiều biến dạng.
Tiến sĩ Segal cho biết ông sẽ vẫn tiếp tục kế hoạch nghiên cứu của mình. Theo ông, những biến dạng này có thể giải thích lý do vì sao phụ nữ thường phải chịu đựng các chứng bệnh về viêm khớp bàn chân, khớp đầu gối, hông và đau lưng sau khi sinh con.
Hương Giang