Sau khi kết hôn, hầu hết phụ nữ đều là “tay hòm chìa khóa” của gia đình. Một số người cho rằng, chỉ cần kiểm soát được tiền của chồng thì sẽ kiểm soát được mọi thứ thuộc về anh ta. Tuy nhiên, ngay cả khi hàng tháng chồng giao lương đều đặn thì cũng thật khó để chắc chắn rằng anh ấy không có “quỹ đen”.
Do đó, người phụ nữ thông minh không phải là người biết “lục ví” để kiểm soát túi tiền của chồng mà là người có những khả năng dưới đây để “thu phục” trái tim anh ấy.
Năng lực quản lý tiền bạc
Đêm qua, Lệ Hà gọi điện cho tôi, nói cô ấy không thể kiềm chế được việc mua sắm của mình. Lương không chỉ tháng nào hết tháng đó mà còn phải vay tiền qua thẻ tín dụng mới đủ tiêu xài.
Thực tế cho thấy, rất nhiều đồ đạc thuộc dạng “có cũng được, không có cũng chẳng sao”, mua về chỉ thêm lãng phí, nhưng không phải người vợ nào cũng khống chế được cơn “thèm” mua sắm của mình.
Bởi vậy, dù đã kết hôn hơn hai năm nhưng gia đình Hà hầu như không có khoản tiền tiết kiệm nào. Tôi hỏi bạn, lẽ nào bạn chưa từng nghĩ, nếu có ngày gặp phải sự cố không may, như bệnh tật hay tai nạn chẳng hạn, thì lấy tiền đâu để dùng?
Hà bảo: “Tao đang trẻ khỏe thế này, cứ ăn chơi đã. Với lại, trước giờ tao cũng chưa từng nghĩ ngợi nhiều, mệt mỏi lắm!”.
Nhiều người đàn ông không sẵn lòng đưa tiền cho phụ nữ quản lý, không phải vì họ keo kiệt, mà vì họ không muốn số tiền mình vất vả kiếm được lại bị cô ấy tiêu xài tùy tiện.
Khi hai người đã đồng ý kết hôn, tức là đồng ý cùng nhau có trách nhiệm vun vén cho gia đình, không còn cuộc sống “tùy hứng” như thời độc thân nữa.
Nếu một người phụ nữ có khả năng quản lý tài chính, cô ấy sẽ biết điều chỉnh mức chi tiêu hợp lý trong gia đình. Khi đó, không cần yêu cầu hay nài nỉ, chồng sẽ yên tâm mà tự nguyện đưa tiền “nhờ” bạn giữ.
Không lật lại chuyện cũ
“Có thể ngừng nhắc lại chuyện cũ không?”, đây là câu mà đa số ông chồng sẽ nói khi cãi nhau với vợ.
Phụ nữ rất dễ mắc phải sai lầm này. Cứ khi nào không vui, họ thường lôi chuyện cũ ra nói. Điều đó chưa bao giờ khiến chồng cảm thấy tôn trọng. Chuyện gì đã qua, chúng ta nên buông bỏ và nhìn về phía trước. Nếu cứ bám vào quá khứ, thật khó để có được hạnh phúc.
Chúng tôi có một nhóm bạn thân thỉnh thoảng tụ tập để vui chơi và chia sẻ kinh nghiệm sau khi về làm dâu. Cô bạn Chu Hồng, một giảng viên tâm lý, thường nói với chúng tôi rằng, “vận mệnh” chẳng phải là điều gì huyền bí cao siêu, nó là sự lặp lại của tâm lý mỗi người. Học cách hạnh phúc thì sẽ lặp lại sự hạnh phúc, học cách tin tưởng sẽ lặp lại sự tin tưởng. Ngược lại, nếu cứ nghĩ về những điều bất hạnh sẽ lặp lại sự bất hạnh, cứ nghĩ về thù hận sẽ lặp lại sự thù hận…
Tôi đã hiểu, bản thân hoàn toàn có thể định hướng tâm lý của mình. Nếu muốn hạnh phúc, tôi có thể tự mình tạo ra những điều hạnh phúc. Cứ lặp lại như thế, ngày qua ngày, vận mệnh sẽ tốt lên.
Đây là lý do tại sao, mối quan hệ giữa hai người càng tốt thì càng dễ gần gũi hơn, và ngược lại, nếu cứ nhắc mãi về những sai lầm trong quá khứ, xung đột sẽ càng gay gắt, mối quan hệ ngày càng xa cách.
Phụ nữ cần học cách bỏ qua chuyện không hay trong quá khứ. Giống như cách lật dở tờ lịch vậy. Điều gì đã qua hãy lật nó sang trang mới, nhất là những chuyện không vui. Không ai thích làm “sống lại” chuyện cũ để khiến không khí gia đình thêm căng thẳng.
Sau khi kết hôn, nếu bạn chỉ nhìn chằm chằm vào khuyết điểm của người kia, nhắc đi nhắc lại nó thì không chỉ đối phương mà ngay cả bản thân bạn cũng sẽ không thấy hạnh phúc.
Phụ nữ thông minh là người biết rút kinh nghiệm từ những bài học đã qua để tránh vấn đề tương tự tái diễn. Chỉ cần có thế, chồng sẽ yêu bạn nhiều hơn.
Năng lực điều hòa các mối quan hệ trong gia đình
Sau khi kết hôn, điều bạn đối mặt không chỉ là “nửa kia”, mà là cả gia đình chồng (vợ). Dù “gia đình nhỏ” của bạn tách ra ở riêng hay ở tận trời Âu đi chăng nữa thì không thể không tiếp xúc với “gia đình lớn”.
|
Ảnh minh họa |
Có người thì khéo léo xử lý các mối quan hệ của bản thân và gia đình hai bên, hòa hợp với mẹ chồng, khiến người đàn ông của mình giảm thiểu rất nhiều áp lực, phiền muộn từ phía gia đình.
Có người lại không hiểu tầm quan trọng của điều này nên không biết cách “nuôi lớn” mối quan hệ tốt đẹp với “gia đình lớn”. Điều này chỉ càng gây thêm gắc rối cho chồng mình. Dần dà, mâu thuẫn sẽ từ “gia đình lớn” chuyển về “gia đình nhỏ”, vợ chồng lục đục, thậm chí, người đàn ông sẽ cảm thấy mình đã chọn nhầm người.
Những người phụ nữ có thể xử lý tốt các mối quan hệ trong gia đình không phải vì họ có một đám cưới đẹp, có mẹ chồng tốt, mà là vì họ thấu hiểu lòng người, họ có những cách cư xử khéo léo để giải quyết mọi rắc rối.
Theo Vũ Hoài/Phunuonline