|
Ảnh minh họa. |
Không mong làm giàu từ sạp bán hàng khô ở chợ huyện có tiếng còn nghèo khó này, nhưng nhờ có nó mà vợ, chồng tôi lo được cho 2 đứa con ăn no, mặc ấm và cắp sách đến trường bằng bạn, bằng bè của chúng.
Nhà tôi cách chợ tới 4, 5 cây số, sáng sớm chồng chạy xe máy đưa tôi ra chợ, rồi quay về lo cho 2 đứa con. Cũng may con trai đầu học lớp 5, con gái lớp 2 cùng trường nên một chuyến xe của bố là anh em nó đã đến lớp học đúng giờ. Xong việc ở nhà, cũng chiếc xe máy cũ kĩ mua lại của cậu em họ cách đây mấy năm đó, chồng tôi lại chịu khó tìm đến tận nguồn hàng để có được giá rẻ cho tôi kiếm chút lời. Lấy hàng tận gốc, lại bán tận người dùng nên cuộc sống của gia đình tôi nói chung là tạm ổn.
Thuận vợ, thuận chồng, con cái lại ngoan ngoãn, học hành tiến bộ, tôi nghĩ thế là quá đủ với một người phụ nữ làm vợ, làm mẹ như tôi. Tôi luôn biết ơn chồng và không nề hà, không ngại vất vả để chu toàn trách nhiệm của mình. Tiền chợ hàng ngày lãi lời bao nhiêu sau khi trừ hết chi phí cho sinh hoạt gia đình tôi giao hết cho chồng, bởi anh mới chính là người cần giữ để lấy hàng thì tôi mới có nguồn để bán.
Guồng quay đang vận hành trơn tru, xuôi chèo mát mái như vậy mà bỗng dưng chồng tôi dừng việc đưa đón tôi ra chợ, dừng luôn nhiệm vụ chở các con tới trường. Thay vào đó chồng mua cho tôi một chiếc xe đạp cũ để tự đi chợ, tự về và mua cho con trai một chiếc xe đạp mi ni để anh, em nó đèo nhau tới lớp.
Mời quý độc giả xem video 8 sự thật về đàn ông thời nay (Nguồn: Cuộc sống yêu thương):
Chồng giải thích bây giờ phải làm ăn lớn, phải tư duy lớn mới mong đổi đời, chứ cứ quẩn quanh việc chợ, việc lo cho con biết đến bao giờ mới mọc mũi, sủi tăm? Rồi cái việc lớn của chồng cũng được anh hồ hởi cởi lòng đó là ra phố huyện làm xe ôm! Anh bảo sẵn xe nhà chỉ đầu tư công sức, một cuốc xe ôm có khi bằng lãi cả ngày của tôi ngồi chợ. Tôi nghe mà sướng cả lỗ tai, lại nghĩ chồng còn khỏe mới qua tuổi 35, chí ít cũng theo nghề hơn chục năm nữa. Mà bắt đầu trời cho ăn lộc, vợ bán hàng khô, chồng chạy xe ôm, dè sẻn chi tiêu chẳng mấy mà có của ăn, của để…
Vậy là thống nhất, vợ, chồng việc ai nấy làm, tiền vốn mua hàng chồng giao lại cho tôi, cần hàng gì thuê người mang đến, tiền lãi chợ hàng ngày chồng cũng không quan tâm, mà mấy tháng đầu anh còn đưa tiền chi vặt cho tôi vì đắt khách, khiến tôi phấn khởi không để đâu cho hết.
Thế nhưng đúng là chẳng ai học được chữ ngờ, chồng đưa tiền về cho tôi được thời gian đầu, sau thì trông mãi cũng chẳng thấy đâu. Đã vậy tình cảm vợ, chồng cũng có phần hời hợt, rồi sự quan tâm lo lắng của bố dành cho các con cũng ngày càng ít đi.
Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi lựa lúc chồng vui vẻ gặng hỏi thì chồng cho biết đang gặp khó khăn vì hiện nay nhiều người làm xe ôm, cạnh tranh giá cả, chồng lại không thắng nổi lớp trai trẻ khỏe mạnh, chiều khách và thạo đường nên thu nhập giảm sút…
Thông cảm với nỗi lo của chồng, tôi động viên anh cứ từ từ rồi tìm cách tháo gỡ, đừng lao tâm, khổ tứ nghĩ suy nhiều mà ảnh hưởng sức khỏe, phần tôi, tôi đã cố gắng đi sớm, về muộn tranh thủ phục vụ khách mua hàng để thêm thu nhập…
Những tưởng lí do chồng đưa ra là chính đáng, những tưởng mọi việc đã an lành khi vợ, chồng chung sức, chung lòng giải quyết. Nào ngờ tối hôm qua chồng đợi các con ngủ yên mới bộc bạch với tôi rằng chồng trót đèo bòng 1 cô gái trẻ làm ở quán cơm bình dân trên phố, nay cô ấy đã mang bầu. Chồng muốn ngăn đôi căn nhà để có trách nhiệm với cô ấy. Chồng cũng khẳng định anh không bỏ vợ, bỏ con chỉ là ngăn nhà để dĩ hòa vi quí với cô bồ vì lỗi là do anh gây ra!
Ô hay! Thế hóa ra tôi phải sống cảnh chung chồng? Hóa ra các con tôi phải nhường cơm, sẻ áo cho con riêng của bố sao?
Theo An Trí/Tiền Phong