Tôi quát thẳng vào mặt: “Anh coi tôi là gái hay sao mà đưa ra điều kiện trao đổi như thế. Anh còn xứng làm cha của hai đứa con không”.
Tôi và chồng hoàn tất thủ tục ly hôn gần nửa năm. Theo phân xử của toà, tôi được quyền nuôi hai đứa con, chồng chịu trách nhiệm chu cấp hàng tháng hai triệu đồng. Ngôi nhà đang ở không phải phân chia vì đó là tài sản riêng của tôi trước khi kết hôn do ba mẹ cho.
Thực sự, số tiền chu cấp từ chồng không thấm vào đâu với việc nuôi hai đứa con ăn học nhưng tôi không muốn đôi co nhiều. Chồng tìm đủ mọi cách để được giảm trừ tiền trợ cấp cho con từ năm triệu xuống còn hai triệu.
Tôi nghĩ, không có tiền của anh, tôi vẫn chăm lo cho con đầy đủ được. Vì bao nhiêu năm chung sống, anh không phụ giúp gì mà còn phá tán tiền của. Kinh tế gia đình đều do một tay tôi chèo chống qua ngày. Anh ăn rồi chỉ biết đi nhậu, xem đá gà, cờ bạc đủ thứ.
Mỗi lần đánh bài thua, anh gọi điện bảo tôi mang tiền đến. Tôi không đi, về nhà, anh đóng cửa rồi lao vào đấm đá túi bụi. Sống trong cảnh bạo hành như thế nhưng tôi không dám ly hôn vì nhiều lý do.
Tôi cứ nghĩ, mình chịu đựng để giữ cho con một gia đình trọn vẹn, có mẹ có cha vẫn hơn ly tán. Đến khi đứa con gái học lớp 9 bảo: “Mẹ bỏ ba đi, sống hoài vậy chịu sao nổi”, tôi mới có động lực ly hôn. Rõ ràng hai đứa con cũng chẳng cảm thấy hạnh phúc gì khi sống trong gia đình mà ba mẹ không còn tình cảm.
Tôi đệ đơn ra toà, chồng điên cuồng chửi bới: “Mày dám bỏ tao à, mày đi theo thằng nào, tao băm chết cả hai”. Nhưng rồi, tôi vẫn kiên quyết từ bỏ dù chồng chuyển từ doạ dẫm sang van xin năn nỉ.
Toà xử xong, chồng dọn đồ về nhà ba mẹ. Cuộc sống của ba mẹ con trở nên thoải mái hơn chẳng phải co rúm người lại giữa mâm cơm khi chồng nổi cơn tam bành. Tôi cũng thôi gặp ác mộng khi nửa đêm bị chồng dựng dậy đòi hỏi chuyện chăn gối.
Mấy tháng đầu ly hôn, chồng ghé nhà gửi tiền trợ cấp cho con đầy đủ. Tôi không muốn gặp mặt nên bảo anh chuyển vào tài khoản tôi cho tiện. Nhưng anh ta không chịu, muốn đưa trực tiếp cho con để tôi khỏi lấy tiền đó đi bao trai.
Bẵng đi hai tháng nay, chồng không đưa tiền nữa. Tôi cũng định không đòi, vì chừng ấy tiền không đáng là bao. Tuy nhiên, người thân khuyên cần phải rõ ràng, trợ cấp cho con đã ít lại không thực hiện thì thiệt thòi cho tôi quá. Dù ít dù nhiều, méo mó có hơn không, hai triệu phụ tiền học hàng tháng cũng đỡ được phần nào.
Tôi bấm bụng gọi điện cho chồng hỏi sao không thấy đưa tiền trợ cấp. Chồng hỏi chiều tôi có nhà không để anh ghé gửi tiền. Chiều đó, hai đứa con sang nhà bà ngoại chơi thì anh ta đến. Anh khoe với tôi giờ làm chủ thầu, thu nhập một tháng vài chục triệu.
Nếu tôi muốn, anh sẽ tăng trợ cấp cho con nhưng phải chấp nhận điều kiện anh đưa ra. Tôi tỏ ra bình thường nhưng trong bụng biết chắc anh đang “nổ” vì tôi hiểu quá rõ tính cách của anh. Không biết anh định giở trò gì nên hỏi thêm, anh định tăng bao nhiêu kèm theo yêu cầu gì.
Anh tưởng tôi xuôi lòng, mới đổi ghế ngồi sát bên thì thầm vào tai, tay vuốt ve tóc tôi bảo: “Anh sẽ cho hai đứa con mỗi tháng 5 triệu và sẽ đưa cho em. Chỉ có điều khi gặp nhau thì em chiều anh tí nhé. Em không còn nhớ chúng ta từng mặn nồng chuyện chăn gối ra sao à”.
Anh ta vừa nói, bàn tay vừa di chuyển khiến tôi giật nảy mình, xô chồng cũ ra ngay lập tức. Tôi quát thẳng vào mặt: “Anh coi tôi là gái hay sao mà đưa ra điều kiện trao đổi như thế. Anh còn xứng làm cha của hai đứa con không”.
Không đạt được mục đích, anh ta tức giận nói: “Cô đã thanh cao như thế thì thôi, tự mà nuôi con, đừng mong nhận một đồng của thằng này”. Anh ta về rồi, tôi vẫn chưa hết ấm ức. Không hiểu tại sao tôi có thể chung sống với một kẻ vô liêm sỉ như thế suốt một thời gian dài. Từ nay, tôi sẽ cấm cửa chồng cũ, không có hai triệu của anh ta, tôi vẫn nuôi được con.
Theo Dân Việt