Đám cưới vốn là điều ngọt ngào, hạnh phúc nhất mà mỗi cô gái khi yêu đều mong đợi. Tuy nhiên, cưới xin chú rể lại giao kèo từng "hạng mục" với nhà gái như câu chuyện dưới đây thì hẳn cô dâu nào cũng đều choáng váng.
Câu chuyện được chia sẻ trên cộng đồng mạng như sau: "Yêu được hơn 1 năm thì em với H. 'vượt rào'. Em là đứa có tư tưởng thoáng. Nghĩ hai đứa đều đã đủ trưởng thành, yêu thật lòng thì chuyện quan hệ trước cưới cũng là thuận theo tình cảm của đôi bên.
Sau đó vài tháng em dính bầu nhưng thái độ đón nhận cái thai của H. không như em mong đợi. Thấy em nói có thai, mặt H. sầm lại bảo: 'Anh đã dặn em phải uống thuốc ngay cơ mà. Có phải em cố tình thả để thúc cưới không?'.
Phản ứng của H. làm em rất buồn nhưng vì sự đã rồi nên em chỉ còn cách cố gắng thuyết phục anh cưới. Cộng thêm bố mẹ em biết chuyện, ông bà gọi H. tới nhà nói chuyện, cuối cùng H. cũng đồng ý kết hôn".
Bài chia sẻ của cô gái
Cô gái này kể, phản ứng của bạn trai làm cô hụt hẫng vô cùng bởi trước đó anh đã hứa hẹn với cô đủ điều. Vậy mà khi xảy ra chuyện ngoài ý muốn của mình anh lại hành xử hoàn toàn ngược lại. Tuy nhiên vì yêu, cô vẫn tự trấn an bản thân rằng có thể vì chưa sẵn sàng với việc làm bố nên anh căng thẳng. Chỉ cần 2 người thành 1 gia đình thì mọi thứ sẽ ổn. Tuy nhiên thực tế không đơn giản như cô nghĩ.
"Mặc dù đồng ý kết hôn nhưng H. luôn tỏ ra miễn cưỡng. Tệ hơn, anh ấy còn lấy cái thai làm sức ép với bên nhà em. Chuẩn bị cho việc cưới xin, anh giao kèo từng "hạng mục". Ngày ăn hỏi, gia đình anh chỉ dẫn duy nhất 3 tráp lễ, không hề có khoản lễ đen như hôm 2 nhà gặp mặt đã bàn bạc thống nhất. Trong khi nhà em cũng không thách cưới gì nhiều chỉ bảo nhà anh tùy tâm gọi là cho đủ lễ nghĩa. Em tủi thân nói anh không biết nghĩ tới sỹ diện của gia đình em, anh lại chẹp miệng bảo nói em vẽ chuyện, chửa rồi còn cành cao cành thấp gì nữa mà đòi hỏi.
Rồi chuyện sắm sửa cho phòng cưới anh cũng bảo em phải góp chung tiền. H. lấy lý do rằng vì chưa sẵn sàng kết hôn nên chưa chuẩn bị đủ tài chính. Em muốn cưới nên phải chủ động chi tiền. Ảnh cưới, chăn ga gối đệm cũng là tiền em bỏ ra. Anh ấy chỉ mua đúng 1 cái giường nằm. Dù buồn nhưng em nghĩ thôi thì đâu cũng là vợ chồng, tiền ai bỏ ra cũng vậy.
Vậy nhưng sát ngày cưới, em với H. ngồi bàn chuyện thuê xe cưới, em còn chưa nói được câu nào, H. đã thẳng thừng bảo: 'Chuyện thuê xe cô dâu nhà em phải tự lo chứ nhà anh không bỏ tiền đâu'.
Thái độ của H. làm em ức quá nên nói rằng đám cưới là của chung 2 đứa, anh không thể ăn nói kiểu bất cần như vậy. Không ngờ H. to tiếng luôn rằng: 'Thì đúng là anh bất cần. Nói thẳng ra giờ em chửa ễnh ra rồi, anh cưới cho là còn may, đừng đòi hỏi nhà anh phải xe đưa xe đón. Phải người khác, họ cho em tự xách quần áo tới nhà chồng, không cưới hỏi gì cũng phải chịu'.
Ảnh minh họa
Tới đây thì em nghĩ mình không cần gì phải nhẫn nhịn, níu kéo H. nữa nên dõng dạc đáp lời: 'Nếu vì có bầu mà tôi phải làm mọi việc theo ý anh thì anh nhầm rồi bởi tôi không có nhu cầu mua chồng cũng không có ý định mua bố cho con tôi. Tôi có thể tin và yêu sai người nhưng sẽ không lấy nhầm chồng đâu. Con tôi tự đẻ tự nuôi, chúng ta giải tán'.
Em tuyên bố hủy hôn bảo với bố mẹ gửi trả lại sính lễ ăn hỏi".
Đúng là nếu bị rơi vào hoàn cảnh trên, chắc chắn cô gái nào cũng đều sẽ thấy thất vọng. Bởi chưa cần biết cuộc sống về sau có giàu sang phú quý hay vất vả bần hèn, điều mà phụ nữ cần nhất khi kết hôn chính là được nửa kia tôn trọng. Tiếc rằng chàng trai trên lại cư xử ngược lại, khiến cô dâu thất vọng buông tay là điều dễ hiểu.
Đồng thời, qua chuyện của cô, các bạn trẻ nên rút ra bài học cho chính mình, khi yêu không chỉ dùng trái tim mà phải yêu bằng cả lý trí, đừng để bản thân rơi vào tình cảnh đáng tiếc như vậy.
Theo Pháp luật và Bạn đọc