Hỏi: Tôi nghe nói mới có chính sách quy định một số loại bệnh, người bệnh có thể lên thẳng tuyến trên điều trị mà không cần xin giấy chuyển tuyến, đó là những bệnh nào?
Nguyễn Anh Phương (Hà Nội)
|
Mắc bệnh gì không cần chuyển tuyến vẫn hưởng BHYT 100%? - Ảnh minh hoạ |
Trả lời: Theo quy định hiện hành, người tham gia BHYT khi khám, chữa bệnh nếu cần chuyển lên tuyến trên điều trị đều phải xin giấy chuyển viện. Thông thường, việc này chỉ được cho phép khi bệnh lý đó vượt quá khả năng điều trị của cơ sở y tế tuyến dưới.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều bệnh hiếm, bệnh khó bệnh viện tuyến dưới không chữa được nhưng người bệnh vẫn phải chuyển tuyến tuần tự, mất nhiều thời gian đi lại và khó khăn với người bệnh.
Tại Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đã quy định một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu mà không cần xin giấy chuyển viện.
Theo quy định về bệnh hiểm nghèo do Bộ Y tế ban hành, hiện có 42 bệnh trong danh sách này. Trong đó, có một số bệnh như: Ung thư, lupus ban đỏ, ghép tạng, bỏng nặng, chấn thương sọ não nặng, bệnh xơ cứng rải rác, phẫu thuật thay van tim, bệnh xơ cứng rải rác, suy gan, đột quỵ, hôn mê, bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ, suy thận, thương tật toàn bộ và vĩnh viễn...
Tuy nhiên, theo Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), danh sách bệnh hiểm nghèo đã ban hành nhiều năm, cần được điều chỉnh, cập nhật phù hợp với mô hình bệnh tật và các tiến bộ trong điều trị.
Bộ Y tế đang dự thảo thông tư ban hành danh sách bệnh hiểm nghèo, là các bệnh không phải xin giấy chuyển tuyến điều trị, phù hợp với quy định tại luật Bảo hiểm y tế sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.
Về quy định vượt tuyến điều trị dự kiến được áp dụng từ năm 2025, theo Vụ Bảo hiểm y tế, với một số bệnh hiếm, các bệnh cần phải sử dụng kỹ thuật cao mà tại bệnh viện cấp cơ bản như tuyến huyện, tỉnh chưa điều trị được, chưa được phê duyệt danh mục kỹ thuật thì người dân có thể đến thẳng cơ sở cấp chuyên sâu, ví dụ như lên bệnh viện tuyến cuối, đầu ngành để được chẩn đoán, điều trị. Khi đó vẫn được coi là đúng cấp chuyên môn kỹ thuật, được hưởng BHYT 100%.
Bà Trần Thị Trang (Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế)