Hà Nội chống COVID-19 như thế nào trong gần một năm qua?

Google News

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đối mặt với 2 làn sóng dịch COVID-19, gây ra bởi các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2: Alpha và Delta, đặt ra thách thức lớn cho ngành y tế Thủ đô.

2 làn sóng COVID-19 đặt ra nhiều thách thức
Tính từ đầu năm đến hết ngày 21/10, Hà Nội đã ghi nhận 4.160 ca COVID-19 (không tính các ca nhập cảnh) với 2 làn sóng COVID-19 thứ 3 và thứ 4. Trong đó, có đến 4.125 ca mắc được ghi nhận trong làn sóng COVID-19 thứ 4, cũng là đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước đến nay (từ 29/4). Trong đó, có 40 bệnh nhân đã tử vong.
Ha Noi chong COVID-19 nhu the nao trong gan mot nam qua?
2 làn sóng COVID-19 đặt ra nhiều thách thức với Thủ đô trong 9 tháng đầu năm 2021 (Ảnh minh họa: Đỗ Linh). 
Xuất hiện nhiều điểm nóng về dịch như: ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Việt Đức, chùm ca bệnh liên quan đến công ty thực phẩm Thanh Nga, ổ dịch tại phường Văn Chương, Văn Miếu…
Tính đến ngày 17/10, trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận 676 điểm phong tỏa tại 30 quận, huyện, thị xã và hiện chỉ còn lại 5 điểm phong tỏa tại 4 quận, huyện.
Trong năm qua, Hà Nội cũng phải đối mặt với các biến thể virus nguy hiểm như biến thể Alpha và biến thể Delta với chu kì lây nhiễm ngắn, tốc độ lây lan nhanh.
Ngoài ra, sự bùng phát ổ dịch lớn ở các tỉnh, thành khác như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, TPHCM… cũng là thách thức khi đây là những nơi có sự giao thương, đi lại với mật độ cao với Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh xâm nhập vào Hà Nội. Cụ thể, chỉ riêng người về từ TPHCM đã ghi nhận tới 84 ca mắc và từ đó ghi nhận thêm 120 F0 liên quan đến 84 ca này.
Đối mặt với những thách thức lớn của COVID-19, Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để kiểm soát dịch, đưa Thủ đô hướng đến trạng thái bình thường mới:
Thần tốc xét nghiệm để khoanh vùng, cắt đứt chuỗi lây
Xét nghiệm là một trong 2 mũi giáp công chính để kiểm soát dịch tại Hà Nội. Thành phố đã thực hiện 6 đợt chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm diện rộng quy mô lớn trên toàn thành phố, tập trung vào các nhóm đối tượng nguy cơ cao, người sinh sống tại các khu vực nguy cơ cao, người sinh sống trong các khu vực phong tỏa, cụ thể:
- Đợt một từ 9 - 15/8: Lấy 325.307 mẫu xét nghiệm, phát hiện 29 mẫu dương tính.
- Đợt 2 từ 16 - 22/8: Lấy 803.117 mẫu xét nghiệm, phát hiện 54 mẫu dương tính.
- Đợt 3 từ 27 - 30/8: Lấy 61.504 mẫu xét nghiệm, phát hiện 5 mẫu dương tính.
- Đợt 4 từ 31/8 - 3/9: Lấy 120.639 mẫu xét nghiệm, phát hiện một mẫu dương tính.
- Đợt 5 từ 4 - 8/9: Lấy 857.817 mẫu xét nghiệm, phát hiện 20 mẫu dương tính.
- Đợt 6 từ 9 - 15/9: Lấy 2.950.887 mẫu xét nghiệm PCR và 937.578 mẫu xét nghiệm nhanh, từ đó phát hiện 23 mẫu dương tính.
Ha Noi chong COVID-19 nhu the nao trong gan mot nam qua?-Hinh-2
Xét nghiệm COVID-19 cho người liên quan đến chuỗi lây Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: Đỗ Quân). 
Tổng cộng cả 6 đợt, ngành y tế Hà Nội đã lấy 6.056.845 mẫu xét nghiệm, phát hiện 132 mẫu dương tính.
Bên cạnh chiến dịch xét nghiệm diện rộng, ngành y tế cũng đã mở các chiến dịch thần tốc xét nghiệm tại các ổ dịch và khu vực nguy cơ cao để sớm khoanh vùng, cắt đứt chuỗi lây.
Đáng chú ý thành phố đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho 44.052 người dân sinh sống tại một số khu vực nguy cơ tại 7 quận huyện gồm: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thạch Thất, Thanh Trì, Đống Đa, Hoàng Mai, Thường Tín. Kết quả ghi nhận 10 trường hợp dương tính.
Gần đây nhất, khi chuỗi lây tại Bệnh viện Việt Đức được phát hiện, ngành y tế Thủ đô đã nhanh chóng xét nghiệm sàng lọc cho các trường hợp liên quan từ 15 - 30/9 gồm: 3.032 người đến khám bệnh, 530 người bệnh điều trị ngoại trú, 855 người bệnh điều trị nội trú ra viện và 2.861 người chăm sóc, đến thăm, nhân viên,… Qua đó, giúp phát hiện 3 trường hợp dương tính.
Khi Hà Nội "mở cửa" trở lại, những người về từ các tỉnh có dịch miền Nam từ 11/10 cũng đã được xét nghiệm sàng lọc. Đến nay, đã phát hiện 32 người về từ các tỉnh có dịch là F0.
Bao phủ vaccine hướng đến trạng thái "bình thường mới"
Cùng với xét nghiệm, tiêm chủng vaccine là thứ vũ khí giúp Hà Nội chủ động tấn công dịch và đặt nền móng cho việc thích ứng với COVID-19.
Toàn thành phố đã triển khai 24 đợt tiêm vaccine COVID-19 với hơn 1.300 điểm tiêm thực hiện tiêm được 7.879.954 mũi tiêm, có ngày tiêm trên 600.000 mũi.
Ha Noi chong COVID-19 nhu the nao trong gan mot nam qua?-Hinh-3
 Tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Hà Nội (Ảnh: Đỗ Linh).
Thực hiện tiêm chủng thần tốc vaccine phòng COVID-19 không chỉ cho người dân thủ đô mà còn cho người nước ngoài sinh sống và làm việc trên địa bàn.
Sau khi đánh giá các hoạt động đã được triển khai từ đầu năm, ngành y tế đặt ra nhiệm vụ những tháng còn lại trong năm 2021. Đó là tập trung thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 các đợt trả mũi 2 và tiêm mũi một cho người từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên người trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai trên 13 tuần, bệnh mạn tính…), tiêm cho người ngoại tỉnh, tiêm cho người Hàn Quốc (theo yêu cầu của Bộ Y tế) và theo tình hình cung ứng vaccine.
Rà soát thống kê số lượng trẻ trên địa bàn cần tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 3-11 tuổi, 12-15 tuổi và 16-17 tuổi. Xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Ngành y tế Hà Nội sẵn sàng xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2022 cho người từ 3 tuổi trở lên; tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4.
Sử dụng nền tảng tiêm chủng COVID-19 để quản lý đối tượng tiêm chủng COVID-19 đảm bảo chính xác và đầy đủ thông tin. Tiếp tục triển khai phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại tất cả các cơ sở tiêm chủng, khuyến cáo người dân sử dụng sổ tiêm chủng điện tử.
Trong Hội nghị "Giao ban công tác y tế dự phòng 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021", diễn ra vào ngày 21/10, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đánh giá cao công sức, sự nỗ lực của các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các đơn vị trong công tác phòng chống đại dịch nguy hiểm COVID-19.
"Dịch COVID-19 đã cơ bản được khống chế, tuy nhiên dự báo tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp do vẫn ghi nhận rải rác một số ca bệnh, ổ dịch tại cộng đồng không rõ nguồn lây; việc gỡ bỏ giãn cách, khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt là nối lại giao thông với các tỉnh thành trong khi một số tỉnh phía Nam vẫn chưa kiểm soát được dịch; tỷ lệ tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19 tại Hà Nội và cả nước còn thấp; ghi nhận ngày càng nhiều biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, độc lực cao, do đó các đơn vị tiếp tục chú trọng vào công tác tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19 để sớm đẩy lùi dịch bệnh một cách hiệu quả nhất", Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.
Theo Minh Nhật/Dân Trí