Loại ung thư tấn công phụ nữ nhiều nhất

Google News

Người dân nên tìm hiểu yếu tố nguy cơ liên quan các bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Chúng giúp bạn phòng ngừa, phát hiện sớm khi tổn thương còn nhỏ, chưa lan rộng.

Theo ước tính của Globocan (dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế) năm 2020, Việt Nam có 182.563 trường hợp mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. 5 loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới là ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư gan.

Việc trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết sẽ giúp bạn phòng ngừa cũng như phát hiện sớm ung thư này, quá trình điều trị thuận lợi hơn khi tổn thương còn nhỏ, chưa lan rộng.

Ung thư vú

Ung thư vú là loại phổ biến nhất ở phụ nữ tại Mỹ. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi. Do một số yếu tố nhất định mà nhiều phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người khác. Tuy nhiên, mọi phụ nữ đều cần biết những yếu tố nguy cơ của ung thư vú và những việc cần làm để giảm thiểu chúng.

Khuyến nghị nên làm:

Phát hiện sớm ung thư vú khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn lan rộng sẽ giúp việc điều trị dễ dàng hơn, từ đó giảm tỷ lệ tử vong do bệnh. Khám sàng lọc thường xuyên là phương pháp hữu hiệu nhất để phát hiện sớm ung thư vú.

Hiệp hội ung thư Mỹ khuyến cáo đối với nhóm phụ nữ có nguy cơ trung bình:

- Phụ nữ trong độ tuổi từ 40 đến 44 có nhu cầu có thể sàng lọc hàng năm bằng chụp phim X-quang tuyến vú.

- Phụ nữ trong độ tuổi từ 45 đến 54 cần được chụp X-quang tuyến vú sàng lọc hàng năm.

- Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có thể tiếp tục chụp X-quang tuyến vú hàng năm hoặc 2 năm một lần.

- Việc sàng lọc nên được tiếp tục khi người phụ nữ vẫn ở trong tình trạng sức khỏe chung tốt và tuổi thọ dự kiến sống thêm được ít nhất 10 năm nữa.

- Phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú (do tiền sử gia đình có người bị ung thư vú, đột biến gene hoặc các yếu tố nguy cơ khác) cần được sàng lọc bằng chụp cộng hưởng từ tuyến vú kết hợp với chụp X-quang tuyến vú. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về những yếu tố nguy cơ có thể có cũng như kế hoạch sàng lọc tốt nhất.

Loai ung thu tan cong phu nu nhieu nhat

Phát hiện sớm ung thư vú khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn lan rộng sẽ giúp việc điều trị dễ dàng hơn. Ảnh: Temperaturka.

Ung thư phổi

Nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi là việc bị phơi nhiễm với các hóa chất và bụi hạt trong không khí. Hút thuốc đang là nguyên nhân gây bệnh chính, tuy nhiên không phải ai sử dụng cũng mắc ung thư phổi. Một số người có thể đã từng hút thuốc, số khác lại chưa hút thuốc bao giờ.

Khuyến nghị nên làm:

Không phải loại ung thư phổi nào cũng có thể phòng ngừa. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thông qua việc bỏ thuốc lá. Nếu bạn không hút thuốc, hãy tránh xa khói thuốc từ những người khác.

Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo thực hiện sàng lọc thường xuyên trên những người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi. Nếu đang hoặc đã từng hút thuốc, ở trong độ tuổi từ 55 đến 74 tuổi, thể trạng chung còn tốt, bạn có thể chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp hàng năm.

Ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng khởi phát từ đại tràng hoặc trực tràng. Một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng bao gồm thừa cân hoặc béo phì, lối sống lười vận động, thực đơn giàu thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, hút thuốc, sử dụng lượng lớn đồ uống có cồn, tuổi cao và tiền sử bản thân hoặc gia đình có ung thư/polyp đại trực tràng.

Khuyến nghị nên làm:

Sàng lọc ung thư đại trực tràng thường xuyên là một trong những vũ khí hiệu quả nhất chống lại căn bệnh này. Hầu hết ung thư đại trực tràng khởi phát là polyp - tổ chức phát triển ở trong lòng đại tràng và trực tràng. Việc sàng lọc giúp phát hiện ung thư đại trực tràng khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn lan rộng. Việc điều trị khi đó sẽ dễ dàng hơn. Một số phương pháp sàng lọc có thể phòng ung thư đại trực tràng bằng việc loại bỏ các polyp trước khi ung thư hóa.

Loai ung thu tan cong phu nu nhieu nhat-Hinh-2

Ung thư đại trực tràng khởi phát từ đại tràng hoặc trực tràng. Ảnh: Topdaynews.

Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo đối với những người có nguy cơ trung bình mắc ung thư đại trực tràng:

- Mọi người nên được sàng lọc định kỳ bắt đầu từ 45 tuổi.

- Những người có thể trạng chung tốt và có tuổi thọ dự kiến sống thêm được ít nhất 10 năm nữa nên được sàng lọc định kỳ ung thư đại trực tràng cho tới năm 75 tuổi.

- Xét nghiệm phân

+ Xét nghiệm hóa mô miễn dịch trong phân độ nhạy cao (FIT), thực hiện hàng năm.

+ Xét nghiệm độ nhạy cao tìm máu ẩn trong phân (gFOBT) hàng năm.

+ Xét nghiệm ADN đa mục tiêu (MT-sDNA) 3 năm một lần.

+ Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh đại tràng và trực tràng.

+ Soi đại tràng 10 năm 1 lần.

+ Chụp cắt lớp vi tính dựng hình khung đại trực tràng 5 năm 1 lần.

+ Soi đại tràng sigma 5 năm 1 lần.

Nếu bạn chọn sàng lọc bằng các xét nghiệm khác ngoài soi đại tràng, kết quả bất thường sẽ cần soi đại tràng kiểm tra.

Những người có yếu tố nguy cơ cao đối với ung thư đại trực tràng (có tiền sử bản thân hoặc gia đình; có các yếu tố nguy cơ khác) cần được sàng lọc trước năm 45 tuổi, sàng lọc thường xuyên hơn hoặc được sàng lọc bằng các xét nghiệm đặc hiệu hơn. Hãy trao đổi với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng của bạn để xác định thời điểm bạn nên bắt đầu làm xét nghiệm.

Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày giai đoạn sớm được định nghĩa là mức độ xâm lấn chưa vượt qua lớp hạ niêm mạc. Giai đoạn này có tiên lượng tốt hơn nhiều so với ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển (90% sống sót sau 5 năm).

Những trường hợp nguy cơ mắc ung thư dạ dày:

- Hút thuốc lá: Một trong những thói quen mà đa số người mắc ung thư dạ dày vẫn duy trì sử dụng.

- Tuổi trên 40: Trong số những người mắc ung thư dạ dày, 96% ở độ tuổi từ 40 trở lên. Nam giới có tỷ lệ cao gấp đôi so với phụ nữ mắc ung thư dạ dày.

- Thói quen ăn uống mặn, đồ nướng, chiên: Những người thường ăn thực phẩm được hun khói, thức ăn ngâm tẩm, muối, món ăn chứa lượng muối cao có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn những trường hợp có thói quen ăn uống nhạt và thanh đạm.

Loai ung thu tan cong phu nu nhieu nhat-Hinh-3

Trong số những người mắc ung thư dạ dày, 96% ở độ tuổi từ 40 trở lên. Ảnh: Informatori.

- Những người mắc bệnh liên quan tiêu hóa: Ung thư thường gặp ở người đã có bệnh dạ dày từ trước như tiền sử đã từng bị phẫu thuật cơ quan này, đau, viêm loét lâu năm, nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori).

- Di truyền: Nếu trong gia đình từng có thành viên có tiền sử bị bệnh, nguy cơ tự bị mắc ung thư liên quan sẽ có tỷ lệ cao hơn.

- Bệnh nhân hoặc tiền sử gia đình có polyp tuyến có tính chất gia đình(FAP); mắc hội chứng Lynch; hội chứng Peutz-Jeghers; hội chứng Juvenile polyposis cũng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.

- Những người tăng sản hoặc polyp tuyến dạ dày, thiếu máu nghi ngờ ác tính, dị sản ruột tại dạ dày.

Khuyến nghị nên làm:

- Hãy trao đổi với bác sĩ về biểu hiện và nguy cơ về bệnh của bạn từ những dấu hiệu gợi ý trên.

Bác sĩ sẽ hỏi các thông tin cụ thể về tuổi, tình trạng sức khỏe, bệnh sử cá nhân và gia đình nếu có, các triệu chứng biểu hiện bệnh nghi ngờ gặp phải nhằm đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Sau đó, chuyên gia sẽ tiến hành khám lâm sàng phát hiện các dấu hiệu của bệnh.

- Nội soi dạ dày: Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi để đưa vào thực quản xuống đến dạ dày để quan sát bên trong. Ung thư dạ dày là loại bệnh lý tiến triển khá nhanh, do đó trong sàng lọc, vai trò của nội soi dạ dày chủ yếu tập trung vào phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT).

- Sinh thiết: Phương pháp này có thể được tiến hành ngay khi nội soi ở nơi có tổn thương tại niêm mạc dạ dày, sau đó tiến hành giải phẫu bệnh. Sinh thiết là thủ tục cần để chẩn đoán tế bào khối u có phải là ung thư hay không.

Bài viết do Ths. BS Nguyễn Thị Phương Thảo, khoa Hóa trị, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cung cấp thông tin.

Theo Zing