Muốn ly hôn khi chồng đòi đưa bố mẹ về ở cùng, cô vợ gây sốt mạng

Google News

Chúng tôi sống với nhau rất vui vẻ và tương đối hòa hợp. Tôi luôn muốn có cuộc sống riêng mà không phải sống chung với bố mẹ chồng dù ông bà rất hiền và dễ tính.

Chia sẻ trên một trang thông tin, một người dùng mạng xã hội "gây bão" khi thể hiện quan điểm và mong ước của mình về việc không sống cùng bố mẹ chồng.
Tài khoản này viết:" Chúng tôi sống với nhau rất vui vẻ và tương đối hòa hợp. Tôi luôn muốn có cuộc sống riêng mà không phải sống chung với bố mẹ chồng dù ông bà rất hiền và dễ tính. Giờ chúng tôi sống ở nhà thuê, qua năm dự định mua nhà cho riêng mình. Tôi lo lắng, khi có nhà riêng bố mẹ chồng sẽ đòi về ở cùng dù ông bà có nhà riêng ở Đà Nẵng. Tôi thật sự rất sợ điều này, sợ đến nỗi ám ảnh và stress. Tôi có hỏi chồng rằng nếu bố mẹ đòi về ở với chúng mình thì sao. Anh nói thì để bố mẹ sống cùng."
Nhưng từ đây mâu thuẫn giữa hai anh chị bắt đầu nổi lên. Chị cho rằng sống riêng là tốt nhất vì "xa thơm gần thối". Nhưng chồng chị lại cho đó là sự ích kỷ, nhỏ nhen và thiếu tình cảm gia đình. Chị ấm ức vì không được chồng hiểu và cảm thông. Chị chán đến mức không còn muốn mua nhà, chỉ muốn ở trọ mãi để không phải ở chung với bố mẹ chồng. Thậm chí, chị còn nghĩ đến phương án ly hôn nếu chồng nhất quyết sống chung với bố mẹ chồng.
Muon ly hon khi chong doi dua bo me ve o cung, co vo gay sot mang
Ảnh minh họa. 
"Tôi nhận thấy mình không phải con dâu không biết điều, vẫn nhắc chồng mua quà cho ông bà, cho tiền ông bà hàng tháng. Ông bà vào Sài Gòn khám bệnh tôi vẫn dẫn đi khám. Tiền bạc cho ông bà tôi không bao giờ tiếc hay than vãn gì vì biết bổn phận làm con phải thế. Chỉ là tôi không muốn sống chung với ông bà mà thôi. Tôi buồn vì chồng không thông cảm mà còn nói vợ ích kỷ. Nếu sau này anh chọn đưa bố mẹ về sống chung, tôi nhất định sẽ ly hôn".
Tâm sự của chị trên một diễn đàn ngay lập tức gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Ngay sau đó "làn sóng" phê phán chị dâng cao: "Thật là vô phúc khi có người con dâu như chị", "Phải đấy, chị ly hôn đi giải thoát cho chồng chị!", "Anh chồng chắc hối hận cả đời khi gặp người vợ không yêu thương bố mẹ như chị"... Là một trong nhiều ý kiến chê trách.
Tuy vậy, vẫn có những góc nhìn khác biệt. Một acount chia sẻ:"Tôi toàn thấy các anh vào nói nhà chồng vô phúc. Sao các anh không nghĩ cô vợ không muốn ở cùng là đúng. Xa thơm gần thối, ở gần chắc chắn sẽ xảy ra nhiều vấn đề!".
Một acount đặt lại câu hỏi: "Vậy nếu cô vợ muốn đưa bố mẹ vợ đến ở thì anh chồng sẽ phản ứng thế nào. Tại sao lúc nào cũng là con dâu phải phụng dưỡng nhà chồng, trong khi đó cô vợ vẫn hoàn thành nghĩa vụ khi không ở chung?!".
Và cũng không ít người thể hiện góc nhìn đã thay đổi, cởi mở hơn trong việc có nhất thiết phải sống chung với bố mẹ chồng khi một trong hai người, vợ hoặc chồng, không muốn.
"Tôi là nam giới, đã 60 tuổi, gia đình đầy đủ. Khi còn trẻ tôi cũng có ý nghĩ như của bạn ấy và nhiều bạn đang lên án bạn ở đây. Tuy nhiên khi đã " trải đời" tôi thấy ý kiến của tác giả bài này không muốn sống chung cùng bố, mẹ chồng là đúng đắn và trung thực. Tôi ủng hộ ý kiến này. Có thể ở gần nhưng nên ở riêng biệt vì như các cụ xưa đã dạy: "Sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ". Đặc biệt với người vợ, khẳng định 100% chẳng cô nào thích làm dâu cả, việc này rất tự nhiên vì "Ngôi nhà là thế giới của đàn bà", còn "Thế giới là ngôi nhà của đàn ông". Người chồng luôn không hiểu và thông cảm cho vợ về việc thiên nhiên đã thiết kế đàn bà là như vậy. Họ đặc biệt coi trọng ngôi nhà riêng của họ. Còn với đàn ông lại không thấy điều này quan trọng lắm. Nói chung các ông chồng bớt gia trưởng, hãy "thuận thiên" theo ý thích của vợ mà tôn trọng giải quyết cho hài hòa thì gia đình mới hạnh phúc. Áp đặt sự duy ý trí rằng chữ hiếu với cha mẹ... thường chỉ gây bất hạnh cho các thành viên mà thôi. Có sống cùng cũng là gượng ép, chịu đựng.
Ngày nay quan điểm về việc bắt buộc phải sống chung hay không đã có nhiều thay đổi. Khái niệm phụng dưỡng bố mẹ cũng được nhìn nhận lại theo nhiều cách khác nhau, không nhất thiết phải sống chung nếu điều đó làm chính những người trong cuộc không thoải mái.
Theo Phương Nghi /Gia đình & Xã hội