Mới đây nhất, một người đánh cá địa phương tại tỉnh Stung Treng, đông bắc Campuchia bắt được con cá đuối ó khổng lồ. Bất ngờ trước kích thước khổng lồ của con cá, người này đã báo cho nhóm các nhà khoa học thuộc dự án Wonders of the Mekong, đơn vị đang thực hiện công tác bảo tồn dọc sông Mekong tại Campuchia.
Đây là dự án hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học Mỹ và Campuchia.
|
Hình ảnh con cá đuối ó khổng lồ trước khi được thả về tự nhiên tại tỉnh Stung Treng, Campuchia. Ảnh - AP |
Sau vài giờ kể từ khi nhận được thông báo, các nhà khoa học đã đến nơi và thực sự bất ngờ trước kích cỡ khổng lồ của con cá, đặc biệt khi đây là cá nước ngọt.
Thông báo ngày 20/6 của Wonders of the Mekong cho biết con cá đuối ó có chiều dài tính từ miệng tới đuôi khoảng 4m, cân nặng khoảng 300kg và có thể xếp vào con cá nước ngọt lớn nhất thế giới từng bắt được.
Theo tổ chức này, kỷ lục trước đó là một con cá da trơn nặng 293kg được phát hiện tại Thái Lan năm 2005.
Sau khi kiểm tra, nhóm nghiên cứu đã gắn thiết bị theo dõi vào đuôi con cá trước khi thả về môi trường tự nhiên hôm 14/6. Thiết bị sẽ theo dõi và cung cấp thông tin về con cá trong năm tới.
Qua đó, các nhà khoa học có thể thu thập được dữ liệu về tập tính của loài cá đuối ó tại Campuchia trong bối cảnh chưa có nhiều thông tin khoa học về loài động vật này.
Ngư dân bắt được cá đã được thưởng số tiền 600 USD, tương đương giá cá trên thị trường.
|
Nhóm các nhà nghiên cứu đo kích thước con cá. Ảnh - AP |
Các nhà nghiên cứu cho biết đây là con cá đuối ó khổng lồ thứ 4 được phát hiện tại khu vực trong 2 tháng qua. Tất cả đều là con cái, do đó, các nhà khoa học cho rằng đây có thể là khu vực tập trung đẻ trứng của loài cá này.
Ông Zeb Hogan, Giám đốc Wonders of the Mekong, cho biết việc bắt được con cá với kích thước lớn như vậy đem đến hy vọng về phục hồi môi trường tự nhiên trên sông Mekong trong bối cảnh khu vực này đang gặp nhiều thách thức.
Sông Mekong là nơi sinh sống của một số loài cá nước ngọt khổng lồ nhưng theo các nhà khoa học, dự án xây đập nước trên sông trong những năm gần đây có thể ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống của các loài động vật này.
Theo ông Hogan, các loài cá cỡ lớn thường cần khu vực sinh sống rộng lớn. Việc xây dựng đập nước có thể khiến môi trường sống của cá bị phân mảnh, chưa kể tác động từ việc đánh bắt quá mức có thể khiến những loài cá này lâm vào tình trạng nguy cấp.
Theo ông Hogan, 70% các loài cá nước ngọt khổng lồ trên thế giới và toàn bộ các loài cá loại này tại sông Mekong đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
|
Con cá chuẩn bị được thả về môi trường tự nhiên. Ảnh - AP |
Trước con cá đuối ó này, tháng 5/2005, các ngư dân tại Thái Lan cũng bắt được một con cá da trơn dài 2,7m, nặng 293kg trên sông Mekong đoạn qua Thái Lan.
Kích thước khổng lồ của con cá khiến 5 dân chài phải mất tới một giờ để kéo vào bờ sau đó cần tới 10 nam giới hợp lực di chuyển con cá.
Chủ của chiếc thuyền bắt được con cá, đã được cơ quan quản lý nghề cá của ngôi làng trao tặng số tiền 80.000 baht, khoảng 2.000 USD. 4 ngư dân khác tham gia bắt con cá, mỗi người nhận được 7.000 baht.
Sau đó, cơ quan quản lý của ngôi làng đưa cá tới một trung tâm chuyên nhân giống.
|
Hình ảnh con cá da trơn nặng 293 kg được bắt tại Thái Lan. Ảnh - World Wildlife Fund |
Thông trường, sau đó, con cá sẽ được thả trở lại sông. Tuy nhiên, con cá da trơn đã chết sau quá trình lấy trứng và dân làng đã xẻ thịt cá để bán.
Thời điểm đó, ông Zeb Hogan, Giám đốc Wonders of the Mekong cũng lập tức tới Thái Lan ngay khi nhận được thông tin. Khi ấy, ông Hogan đang tham gia dự án tìm hiểu và nghiên cứu về các loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới để bảo vệ môi trường sống và ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động vật này.
Trong quá trình nghiên cứu, ông Hogan đã dành nhiều tháng thám hiểm nhiều con sông tại 5 châu lục để tìm hiểu về các loài cá nước ngọt khổng lồ.
Ông Hogan bắt đầu quá trình nghiên cứu tại sông Mekong - nơi theo ông là môi trường sinh sống của 7 loài cá khổng lồ - nhiều hơn bất kỳ con sông nào khác, chưa kể tới ít nhất 750 loài sinh vật khác.
Hiện chỉ còn một số ít cá da trơn sinh sống tại Campuchia và khu vực sông Mekong giao giữa Thái Lan, Lào và Myanmar.
Theo Hoàng Anh/ Báo Giao thông