Nuôi con trai, các mẹ phải biết 5 dị tật này ở trẻ

Google News

Các phụ huynh khi phát hiện thấy có những bất thường ở bộ phận sinh dục ngoài của con em mình cần đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa nhi để được thăm khám, tư vấn và chữa trị kịp thời.
 

Theo TS.BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Nam học, Tiết niệu, Bệnh viện E, Hà Nội cho biết có rất nhiều trẻ bị dị tật bẩm sinh bộ phận sinh dục nhưng cha mẹ chưa hiểu rõ hoặc không biết dẫn tới điều trị cho trẻ muộn.
Nguyên nhân của các bệnh lý do tồn tại ống phúc tinh mạc hoàn toàn hay một phần có liên quan tới sự di chuyển và cố định của tinh hoàn từ bào thai đến khi trẻ ra đời. Vào khoảng tháng thứ 3 của thời kỳ bào thai, tinh hoàn bắt đầu di chuyển từ vị trí sau phúc mạc theo đường đi của dây kéo tinh hoàn hướng xuống phía bìu.
Dây kéo tinh hoàn đi qua lỗ bẹn trong làm cho lỗ bẹn rộng ra tạo điều kiện cho tinh hoàn đi qua được lỗ bẹn trong, đồng thời kéo phúc mạc thành một túi cùng chui vào ống bẹn. Đến tháng thứ 7 của thời kỳ bào thai thì dây kéo tinh hoàn phát triển xuống bìu và kéo tinh hoàn thoát qua được ống bẹn đến bìu.
Túi cùng của phúc mạc (gọi là ống phúc tinh mạc) sẽ bịt kín dần từ lỗ bẹn trong tới phía cực trên tinh hoàn, phần còn lại tạo thành màng tinh hoàn. Quá trình tự đóng kín này có thể diễn ra muộn hơn tới sau đẻ 1-2 năm.
Khi ống phúc tinh mạc không đóng kín hoàn hoàn hay chỉ đóng kín một phần và tùy thuộc vào vị trí đóng kín mà có thể gây ra các bệnh sau:
1. Thoát vị bẹn
Theo TS Liên, biểu hiện lâm sàng ở trẻ bằng hình ảnh bẹn hoặc bìu to, tăng kích thước khi trẻ khóc, ho, chạy nhảy. Bệnh có thể xuất hiện ngay sau sinh hoặc sau vài tuần, tháng hoặc vài năm sau sinh.
Khi thoát vị nghẹt trẻ có biểu hiện lâm sàng là quấy khóc, kêu đau. Khối thoát vị không đẩy lên được. Siêu âm bẹn bìu hình ảnh tạng ở trong bao thoát vị giảm hoặc mất tưới máu trên phổ Doppler.
Trường hợp teo tinh hoàn do khối thoát vị chèn ép và bó mạch tinh hoặc trong thể thoát vị bẹn bìu thì tinh hoàn được thông thường với ổ bụng. Để điều trị, phương pháp phổ biến trên thế giới - mổ truyền thống hoặc phương pháp mổ nội soi.
Nuoi con trai, cac me phai biet 5 di tat nay o tre
Ảnh minh họa. 
2. Nang nước thừng tinh – Nang ống Nuck
Trẻ có khối căng, nhẵn, ranh giới rõ với xung quang, hướng chạy xuống bìu, ấn tức, không đau và không giảm kích thước, nằm tách biệt hẳn và xu hướng đẩy tinh hoàn xuống dưới về phía đáy của bìu.
Khi điều trị, bác sĩ Liên cho biết nguyên tắc và điều trị tương tự như thoát vị bẹn - đóng kín ống phúc tinh mạc ở lỗ bẹn sâu, giải phóng và đưa nội dung thoát vị vào ổ bụng. Chỉ định cho trẻ trên18 tháng nếu triệu chứng không biến mất.
3. Tràn dịch màng tinh hoàn
Ngay sau sinh hoặc những tháng đầu sau sinh xuất hiện bìu căng to, bìu to nhỏ có thể theo tư thế, lúc hoạt động tăng thêm kích thước và lúc ngủ có thể bé bớt đi. Trẻ nam thường có biểu hiện thêm da bìu căng mỏng, mất nếp nhăn. Sờ nắn không thấy rõ được tinh hoàn và mào tinh hoàn. Soi ánh sáng trong buồng tối bằng đèn pin qua bìu thấy rõ được ánh sáng xuyên qua được bao xung quang vùng tinh hoàn, mào tinh hoàn đục mờ hơn.
Khi phát hiện trường hợp nếu tràn dịch ít, bác sĩ sẽ theo dõi. Khi tràn dịch màng tinh hoàn tăng dần, kích thước lớn hoặc có thoát vị kèm theo mổ thắt ống phúc tinh mạc kèm mở cửa sổ màng tinh hoàn hoăc chọc hút dịch bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi.
4. Tinh hoàn di động (co rút)
Biểu hiện cha mẹ có thể thấy đó là tinh hoàn lúc nhìn thấy ở bìu hoặc không. Bìu lép, vuốt tinh hoàn xuống bìu, tinh hoàn ở bìu rồi dần co lại vị trí ban đầu.
Những trường hợp này được khuyến cáo nên mổ sớm để tránh cho tinh hoàn co rút lên cao thành ẩn tinh hoàn, tránh nguy cơ hoại tử tinh hoàn do xoắn thừng tinh hoặc teo tinh hoàn.
5. Tinh hoàn không xuống bìu
Ngoài các dị tật trên, TS Liên cho biết trẻ trai còn có hiện tượng tinh hoàn thiếu, có thể do tinh hoàn không xuống bìu, nằm lại trên đường di chuyển xuống bìu hoặc tinh hoàn không ở bìu, đi ra khỏi vị trí di chuyển của tinh hoàn khi xuống bìu.
Trường hợp này, cha mẹ có thể nhìn thấy 1 bên bìu lép, nhỏ và không căng so với bên đối, nếu bệnh nhân có 1 tinh hoàn không xuống bìu. Nếu 2 tinh hoàn không xuống bìu (hoặc 2 tinh hoàn không có) thì bìu co nhỏ, kéo lên cao và không xệ xuống.
Khi tinh hoàn nằm ở ống bẹn, nếu trẻ gầy có thể thấy vùng bẹn gồ lên so với bên đối diện, khối gồ có thể di chuyển vị trí nếu tinh hoàn di động theo tư thế ngồi, đứng hoặc chạy nhảy.
Khi khám bác sĩ cần giữ tay ấm và tạo được hoàn cảnh thân thiện tránh trẻ quấy khóc, phản kháng vì có thể kích thích cơ nâng bìu co kéo tinh hoàn lên cao.
Theo BS Liên khi tinh hoàn không xuống bìu có nguy cơ bị ung thư hóa và tinh hoàn ở trong ổ bụng sẽ có nguy cơ ung thư tinh hoàn ở ống bẹn tới 4 lần. Hoặc nếu không được điều trị - mổ hạ tinh hoàn xuống bìu sớm sẽ làm tổn thất số lượng nguyên tinh bào và teo – xơ hóa tế bào Leydig và Sertoli. Tổn thương mô bệnh học này còn xuất hiện trên tinh hoàn đối bên đã xuống bìu làm ảnh hưởng tới khả năng sinh tinh và biệt hóa tinh trùng có thể dẫn đến chậm con hoặc vô sinh.
Theo K.Chi/Infonet