Phần mềm trí tuệ nhân tạo: “Cứu tinh” của người bệnh đột quỵ não?

Google News

Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh lần đầu tiên ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo có tên RAPID cứu sống người bệnh nhồi máu não nguy kịch.

Cơ hội sống cho nhiều ca đột quỵ não quá "giờ vàng"
Cụ thể trong trường hợp ở BV Đa khoa Quảng Ninh là bệnh nhân Đinh Văn Th. (40 tuổi) ở Thanh Hóa, có tiền sử mổ thay van hai lá, có sử dụng thuốc chống đông. Hai giờ trước khi nhập viện, bệnh nhân đột ngột yếu nửa người phải, nói khó, được người thân đưa vào viện cấp cứu.
Khi nhập viện, bệnh nhân đang trong tình trạng lơ mơ, glasgow 12 điểm, thất ngôn, liệt hoàn toàn nửa người phải, cơ lực tay chân phải 0/5, NIHSS: 15 điểm. Qua kết quả chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân Th. bị nhồi máu não cấp do tắc động mạch não giữa đoạn M2 bên trái. Tiên lượng xấu, diễn biến lâm sàng nặng.
Phan mem tri tue nhan tao: “Cuu tinh” cua nguoi benh dot quy nao?
Kíp bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Ảnh: SKĐS. 
Sau hội chẩn liên khoa, ê kíp phẫu thuật quyết định ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID nhằm định lượng chính xác vùng lõi nhồi máu và vùng tổn thương thiếu máu não bộ bệnh nhân đột quỵ. Phần mềm RAPID ghi nhận vùng não cần cứu sống và vùng não đã tổn thương không hồi phục tỷ lệ là 1,9. Dựa vào đánh giá, các bác sĩ quyết định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết kết hợp lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học nhằm mang lại kết quả phục hồi tốt nhất cho người bệnh.
Kíp can thiệp Khoa Chẩn đoán hình ảnh tiến hành lấy huyết khối tái thông mạch não bị nghẽn dưới sự hỗ trợ của hệ thống máy DSA. Theo dõi sau can thiệp tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân phục hồi tốt, đã giao tiếp được, hết thất ngôn, cơ lực tay chân bên phải hồi phục hoàn toàn 5/5, ăn uống, vận động đi lại tốt.
Ứng dụng RAPID hỗ trợ bác sĩ, người bệnh thế nào?
Bác sĩ CKI Ngô Quang Chức - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, là người trực tiếp ứng dụng phần mềm này. Theo bác sĩ Chức, với những ca đột quỵ nhập viện quá "thời gian vàng" sẽ không có chỉ định can thiệp lấy huyết khối. Hoặc cụ thể hơn, ở trường hợp của bệnh nhân Th., diễn biến lâm sàng nhanh, nặng nề, kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch não chỉ xác định được vị trí tắc mạch, không thể đánh giá được nếu can thiệp lấy huyết khối bệnh nhân có khả năng phục hồi hay không.
“Với phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID, chúng tôi sẽ thấy được rõ vùng não đã chết và vùng thiếu máu cần cứu sống để đưa ra quyết định can thiệp chính xác và kịp thời nhất, giúp bệnh nhân thêm cơ hội sống, hạn chế di chứng về sau cho người bệnh”, bác sĩ Chức cho biết.
"Phần mềm này đặc biệt hiệu quả cho nhóm bệnh nhân nhồi máu não đến trễ sau 6 giờ hoặc không xác định được thời điểm đột quỵ và nhóm này hiện chiếm tỷ lệ lớn. Ca đầu tiên thành công là động lực lớn giúp chúng tôi mạnh dạn, tự tin triển khai công nghệ tiên tiến này trong thời gian tới".
Việc sử dụng RAPID sẽ hỗ trợ bác sĩ có quyết định chính xác hơn trong việc chọn lựa có nên hay không nên can thiệp nội mạch cho người bệnh. Bởi nếu vùng nhồi máu quá lớn, can thiệp nội mạch có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết não, biến chứng nguy hiểm này càng đe doạ tính mạng người bệnh.
Bên cạnh đó, với những trường hợp xuất huyết não, phần mềm cũng hỗ trợ đo thể tích khối máu tụ, bác sĩ sẽ đánh giá được chính xác khối máu tụ để có hướng điều trị phù hợp. Với đội ngũ bác sĩ vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, công nghệ đột phá này sẽ được áp dụng cho tất cả các trường hợp nhồi máu não cấp tại bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.
RAPID được phát triển bởi Đại học Stanford - Hoa Kỳ và hiện phổ biến trên toàn thế giới với 1.200 bệnh viện, lắp đặt tại 40 quốc gia. Phần mềm thực sự đã làm thay đổi hiệu quả điều trị đối với các trường hợp đột quỵ não trễ "thời gian vàng", giúp bác sĩ xác định chiến thuật điều trị tối ưu trong từng trường hợp.
Phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID đã được FDA chấp thuận cho sử dụng tại các trung tâm đột quỵ hàng đầu tại Mỹ và ngày càng được ứng dụng phổ biến tại nhiều quốc gia có nền y học phát triển. Việt Nam là quốc gia thứ 3 ở Đông Nam Á sau Thái Lan và Indonesia ứng dụng trí tuệ nhân tạo này. BVĐK tỉnh Quảng Ninh là một trong hai bệnh viện đầu tiên ở miền Bắc tiên phong triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong cấp cứu đột quỵ.
RAPID được cài đặt trực tiếp vào máy tính có tích hợp hệ thống quản lý dữ liệu hình ảnh. Sau khi bệnh nhân chụp CT hoặc MRI, phần mềm RAPID sẽ tính toán xử lý nhanh trong thời gian ngắn (30 giây – 2 phút) và cho ra kết quả. Các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ dựa vào đó để chỉ định can thiệp lấy huyết khối cơ học cho người bệnh, giúp nâng cao cơ hội phục hồi.
Những dấu hiệu phát hiện đột quỵ sớm hơn cả FAST
Đột quỵ là tình trạng nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn, thường gặp do cục máu đông bít tắc lòng mạch hoặc sự cố vỡ mạch máu não. Đây là bệnh lý nguy hiểm, diễn biến nhanh và cần được cấp cứu kịp thời. Do vậy, nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ là hết sức cần thiết.
Phần lớn các trường hợp đột quỵ thường diễn ra sau khi xuất hiện một cơn đột quỵ nhỏ với các triệu chứng như:
- Xây xẩm mặt mày
- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc ngã không rõ nguyên nhân
- Tê yếu tay chân một hoặc cả hai bên cơ thể.
Khác với đột quỵ, đột quỵ nhỏ xảy ra khi nguồn cung máu lên não bị chặn tạm thời nhưng đều chung một nguyên nhân chủ yếu đó là do sự xuất hiện của cục máu đông. Lúc này, não không nhận đủ oxy và các chất dinh dưỡng nên bị suy yếu và gây ra các triệu chứng kể trên.
Tuy nhiên, với đột quỵ cơn nhỏ, các dấu hiệu trên chỉ xuất hiện trong vài phút rồi biến mất sau khi cục máu đông bị phá hủy, lưu thông máu khôi phục trở lại và não vẫn nhận được oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết. 
Hầu hết người đã từng gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua thì có nguy cơ đột quỵ nặng trong khoảng một vài ngày, 1 tuần hoặc 1 vài tháng sau đó. Bởi khi cục máu đông đã xuất hiện gây bít tắc lòng mạch tức là trong cơ thể đã có những điều kiện thuận lợi để hình thành cục máu đông như độ nhớt máu tăng, thành mạch hẹp, tăng huyết áp, mảng xơ vữa,...
Do đó, mặc dù đã bị phá hủy nhưng sau một thời gian, các cục máu đông này vẫn có thể xuất hiện trở lại, thậm chí với kích thước lớn hơn nếu không áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời.
PV