Đại diện phòng khám: Bệnh nhân... quá đáng!
Nhằm làm rõ một số nội dung trong đơn thư, phóng viên đã tới Phòng khám đa khoa 684C Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) vào lúc 2h30 phút chiều ngày 15/11, tuy nhiên, nhân viên cho biết chủ phòng khám đi vắng và hẹn hôm khác.
Tới phòng khám, chúng tôi rất ngạc nhiên vì ở đây không có một bóng khách hàng nào. Bài trí trong phòng khám cũng rất đơn sơ, là nhà riêng được tận dụng. Trong phòng, chỉ có một người mặc áo blu nhưng lại xưng là... bảo vệ.
Một nhân viên phòng khám tên là Hoàng Thị Hằng đã tiếp chúng tôi. Chị Hằng bày tỏ sự không bằng lòng với cách xử sự của bệnh nhân Tâm và người nhà bởi: "14 ngày sau, người nhà mới nói bệnh nhân bị đi ngoài ra máu. Đây là hiện tượng bình thường, vậy mà người nhà yêu cầu bồi thường. Khi bệnh nhân vào viện, phòng khám đã trả tiền viện phí ở đây. Nhưng gia đình bệnh nhân cứ đòi tiền gấp đôi, gấp ba". Chị Hằng cho biết thêm: "Ở phòng khám chưa từng gặp bệnh nhân nào như thế này. Bệnh nhân vào đây thường làm xong về luôn và không bị sao cả"...
|
Tờ giấy dặn dò bệnh nhân nhiều lỗi chính tả, lỗi câu, lỗi đánh máy. |
Theo lời chị Hằng, bác sĩ, nhân viên ở đây bỏ hết tâm huyết ra làm, vậy mà bệnh nhân quá đáng. Đáng lẽ khi bị ra máu, bệnh nhân phải đến đây để xử lý, nhưng bệnh nhân lại đến... Bệnh viện Việt Đức. Việc ra máu như phản ánh, ở đây có thể xử lý được chứ không nhất thiết phải đến bệnh viện...
Chị Hằng cũng cho chúng tôi xem tờ "Những điều cần biết sau phẫu thuật" mà phòng khám phát cho bệnh nhân sau khi mổ trĩ. Nội dung trong tờ giấy là lời dặn dò bệnh nhân. Tuy nhiên, đọc tờ giấy này, chúng tôi cảm thấy rất tức mắt, do có một trang A4 mà lỗi đánh máy, lỗi chính tả, lỗi diễn đạt lỗ chỗ như: "Sau phẫu thuật bệnh nhân lên kiềm chế", đọc hụt hơi do cả câu dài không có dấu chấm, dấu phẩy nào...
Phòng khám này từng có sai phạm
Ngay sau khi rời Phòng khám đa khoa 684C Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), chúng tôi đã tới Sở Y tế Hà Nội. Sau khi liên hệ với thanh tra y tế của quận Long Biên, đại diện thanh tra khám chữa bệnh của Sở Y tế Hà Nội cho biết, Phòng khám đa khoa 684C Nguyễn Văn Cừ từng bị phạt tháng trước, năm ngoái cũng từng bị phạt.
|
Biên bản xử phạt hành chính. |
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, do Sở Y tế cũng đã nhận được đơn của gia đình bệnh nhân Tâm nên sẽ chỉ đạo tiến hành làm rõ vụ này. Trên giấy tờ bệnh nhân cung cấp, bác sĩ phòng khám chẩn đoán bệnh nhân bị trĩ độ 4 và cắt trĩ độ 4. Sở sẽ chỉ đạo tiến hành kiểm tra phòng khám để xem phòng khám này được thực hiện những kỹ thuật gì, có được cấp phép mổ trĩ hay không, nếu có sai phạm sẽ xử lý.
Tới ngày 21/11, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Việt Cường cho biết, sau khi kiểm tra, bước đầu đã xác định sai phạm ở Phòng khám đa khoa 684C Nguyễn Văn Cừ. Cụ thể là sai phạm gì thì còn chờ văn bản báo cáo từ Thanh tra y tế quận Long Biên.
Chiều ngày 21/11, biển hiệu phòng khám này đã được hạ xuống.
Phạt tiền, tước giấy phép hoạt động phòng khám tùy tiện mổ trĩ
Ngày 26/11, UBND quận Long Biên đã có báo cáo gửi Sở Y tế Hà Nội về kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm đối với Phòng khám chuyên khoa ngoại Thăng Long (địa chỉ 684C Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội). Theo đó, ngay sau khi nhận được thông tin của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội về đơn thư khiếu nại của bệnh nhân điều trị ở Phòng khám chuyên khoa ngoại Thăng Long, UBND quận Long Biên đã chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành Hành nghề y dược tư nhân quận kiểm tra cơ sở trên.
Kiểm tra thực tế tại phòng khám và lưu hồ sơ khám bệnh, chữa bệnh, Đoàn kiểm tra phát hiện: Phòng khám có thực hiện cung cấp một số dịch vụ y tế vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép. Sau khi nghe cơ sở giải trình và những tài liệu cơ sở cung cấp, UBND quận Long Biên kết luận: Cơ sở vi phạm Điểm b, Khoản 4, Điều 6 Nghị định số 96/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh. Lỗi vi phạm: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động. UBND quận Long Biên đã lập biên bản và xử phạt hành chính cơ sở này số tiền 17,5 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong 9 tháng.
Nhóm PV Y tế - Sức khoẻ