Nhìn hình trên facebook của H., một cô đồng nghiệp đang du lịch cùng bạn ở nước ngoài, đám nhân viên văn phòng rỗi hơi lại chụm đầu bàn tán.
Thực ra cũng chả có gì mới, mỗi người một câu mà tôi thuộc đến nằm lòng, đại loại như: “Sướng nhỉ, đàn bà có gia đình mà cứ phơi phới một mình, chả biết chồng con quẳng cho ai lo?”. Có người ác miệng phang một câu: “Lo gì, cứ bỏ chồng con ở nhà kiểu ấy, khắc có đứa nhảy vô lo giùm, gái ế với tình cho không bây giờ thiếu gì”.
Tôi còn lạ gì các bà, các chị xem chồng con là trên hết, mở miệng là thiếu điều đội chồng con lên đầu và chẳng ngại lên án bất cứ bà chị, bà cô nào có chồng mà vẫn vô tư rong chơi như còn son rỗi. Cứ như thể với những phụ nữ này, không có chồng con là họ không sống nổi. Với họ, đàn bà có chồng con rồi mà đi đâu cũng một mình là thứ đàn bà... chẳng ra gì. Bởi thế, mỗi lần cả phòng đi chơi chung, tôi lại được nghe cái giọng giễu cợt, mỉa mai dành cho Y. khi Y. ít khi đưa chồng con theo với lý do: “Chăm chồng con cả đời rồi, lâu lâu cho phép mình thư thả, không vướng bận tí cũng là cách sạc năng lượng để tiếp tục chăm sóc cha con nó chứ tội lỗi gì mà áy náy”.
|
Ảnh minh họa. |
Là phụ nữ, nhưng tôi lại đồng tình với cách nghĩ của Y. dù không phải ai cũng nghĩ như hai đứa tôi. Vì vậy, phòng tôi ít khi đi chơi đông đủ, tất nhiên đôi khi còn phụ thuộc vào sự rảnh rang của... chồng, con các chị. Có chị đi đâu cũng phải đưa chồng con đi cùng vì để ở nhà không an tâm. Chẳng phải để “sổng” ông chồng ra là sợ mất, hay sơ sểnh tí không có người dòm ngó là con hư mà là chuyện ăn ngủ, sinh hoạt của “cha con nó”, sợ không có mình ở nhà, mọi thứ lại rối như canh hẹ.
Có chị, vận động mãi mới được đi một mình nhưng chốc chốc lại gọi về nhà kiểm tra xem chồng về chưa, đứa nhỏ ăn cơm chưa, đứa lớn học bài chưa, rồi lại gọi video call cho chồng thấy mình đang đi với ai, làm gì, ở đâu khiến những người đi chung đều cám cảnh. Tưởng chị lâu lâu được nghỉ ngơi, thư giãn cùng bạn bè, hóa ra việc đi chơi một mình còn khiến chị căng thẳng hơn.
Lại có chị cũng được chồng cấp “quota” cho đi chơi với bạn nhưng kèm điều kiện phải dắt con theo. Trong khi đám bạn tung tăng váy áo chụp ảnh selfie hoặc vui chơi thỏa thích, chị lại tiếp tục chức phận Ôsin trong suốt chuyến đi vì phải chăm sóc lũ con cùng lỉnh kỉnh áo quần, bánh, sữa, lúc hét đứa lớn tắm biển hoài không chịu lên, lúc quát thằng nhỏ sao ăn chậm... Bỗng thấy thương cái tính đa mang, thích mua dây buộc mình mà không ít chị cứ đeo mang, sợi dây vô hình trói buộc các chị trước những điều lẽ ra rất đỗi bình thường chứ không phải thứ ân huệ mà các chị phải đánh đổi này khác để có được.
Đàn bà đi chơi có gì ghê gớm? Ngoài chuyện ăn uống thoải mái, các chị còn được nói cười thả ga, xông xênh váy áo điệu đà sau khi đã thực hiện xong những “nghĩa vụ”, cho dù “cha con nó” đang ở nhà hay phải “bê” theo. Đàn bà đi chơi, chẳng phải ham hố gì đâu, mà đây là dịp để họ “trút bầu tâm sự”, những nỗi niềm phụ nữ vốn không được chia sẻ với ông chồng ở nhà.
Không như các ông thích là có thể gặp gỡ “chiến hữu” bất kể lúc nào, chẳng cần lý do, đàn bà đi chơi đôi khi phải thu xếp, thậm chí đánh đổi kèm những điều kiện, thỏa thuận (ngầm) nào đấy. Nhìn họ tung tăng, phơi phới trong một khoảnh khắc rong chơi cùng bè bạn, người khác dễ dàng phê phán này nọ chứ ít khi hiểu được những nỗi niềm họ cất giấu tự thẳm sâu, cùng những tâm trạng rất ư “phụ nữ”.
Đàn bà đi chơi cùng bè bạn để rồi trở lại với những bổn phận, thói quen cùng nếp ngày cũ trong một tâm trạng mới thư thả hơn, nhẹ nhõm hơn sau những nỗi lòng được trút cạn, những tất bật, âu lo, khác gì một khoảng dừng để các chị nghỉ ngơi, để nhìn lại mình khi chỉ còn ta với ta. Âu cũng xứng đáng mà, có gì quá đáng đâu!
Theo Đỗ Thu Vân/Phunuonline