Đo huyết áp trước khi tiêm vắc xin
Một số người phản ánh dù không bị huyết áp cao nhưng khi đi tiêm vắc xin, đo huyết áp lại tăng cao, họ không tiêm được phải ra về.
Khám sàng lọc trước tiêm vắc xin có cần thiết đo huyết áp không? Việc đo huyết áp làm chậm tốc độ tiêm vắc xin?
BS Trương Hữu Khanh – BV Nhi đồng 1, TP.HCM, cho rằng việc đo huyết áp trước khi tiêm vắc xin thực ra không có giá trị nhiều. Theo BS Khanh khi tiêm vắc xin vào nó không làm tăng huyết áp của người tiêm lên.
Điều quan trọng nhất đó là người nào có tiền sử tăng huyết áp thì sau tiêm khuyến cáo người bệnh nên tự đo huyết áp tại nhà 4 – 6h một lần để theo dõi huyết áp. BS Khanh cho rằng thủ tục đo huyết áp cũng khiến nhiều người không thể tiêm vắc xin. Điều này cũng ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch Covid-19, những người tăng huyết áp luôn được ưu tiêm tiêm bởi vì họ là nhóm nguy cơ nặng nếu mắc thêm Covid-19.
Trong khi đó, Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng (Advisory Committee on Immunization Practices, ACIP) bao gồm các chuyên gia y tế và sức khỏe cộng đồng, đưa ra các khuyến cáo về sử dụng vắc xin. Dựa trên cơ sở này, CDC Hoa Kỳ đã đưa ra các hướng dẫn về thực hành tiêm chủng vắc xin cho người dân Hòa Kỳ.
ACIP không khuyến cáo đo sinh hiệu thường quy trước khi tiêm vắc xin. Thêm vào những bước này có thể tạo ra rào cản cho việc chủng ngừa. Vì vậy, tại Hoa Kỳ tiêm vắc xin mà không cần đo huyết áp trước và sau tiêm.
Và tăng huyết áp không nằm trong danh sách chống chỉ định của tiêm vắc xin Covid-19.
Tuy nhiên, một số ít người có thể bị tăng huyết áp thoáng qua do họ quá lo lắng căng thẳng, tăng huyết áp áo choàng trắng, sợ kim tiêm hoặc đau vết tiêm.
Không thể bỏ
Một bác sĩ tham gia tiêm vắc xin Covid-19 tại TP.HCM cũng chia sẻ thực tế thì các dữ liệu của Mỹ không cần đo huyết áp, thậm chí ở nước ngoài họ tiêm trên xe lưu động cho bất cứ ai muốn tiêm chỉ cần khai báo y tế, sàng lọc tiền sử bệnh và không đo huyết áp.
Tuy nhiên, ở Việt Nam vắc xin Covid-19 còn mới, áp lực của 1 bác sĩ tại điểm tiêm cũng rất lớn. Nếu huyết áp của người tiêm cao, sau tiêm nếu có bất trắc xảy ra thì trách nhiệm, dư luận và thực tế tiêm để phòng bệnh cứu người lại thành hậu quả sẽ rất đáng tiếc.
Theo TS Phạm Quang Thái – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, ông nhận được nhiều ý kiến về việc đo huyết áp khi tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng ở Mỹ hay một số nước họ không đo huyết áp trước khi tiêm. Việc đo huyết áp làm chậm tốc độ tiêm chủng vắc xin. Thủ tục này không mất nhiều thời gian có thể làm song song với khai thác tiền sử.
Ví dụ, 1 người khai thác tiền sử, 1 người đo huyết áp và khai thác chỉ mất 2 phút là sàng lọc xong.
BS Thái cho rằng ở các nước không đo huyết áp trước khi tiêm có số ca tử vong sau tiêm chủng cao hơn. Ví dụ có quốc gia tiêm 3 triệu liều thì số ca tử vong sau tiêm vắc xin lên tới 19 người.
Việc đo huyết áp cũng “làm chắc chắn” quá trình sàng lọc hơn. Bởi vì thực tế tại điểm tiêm có bệnh nhân huyết áp lên tới 180 – 200 mmhg nhưng không có dấu hiệu gì của tăng huyết áp. Vì vậy, trường hợp này cần hướng dẫn hạ áp thay vì không biết vẫn tiêm.
TS Thái cho biết, theo hướng dẫn mới nhất ngày 10/8 của Bộ Y tế, đối với việc đo huyết áp trước khi tiêm chủng. Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế) thuộc các đối tượng thận trọng khi tiêm chủng. Các đối tượng này có thể tiêm ở các cơ sở y tế, các bệnh viện, không tiêm ở cộng đồng.
Theo TS Thái, khi bác sĩ chịu trách nhiệm đóng dấu 'đủ điều kiện tiêm vắc xin' cho ai đó, họ chịu áp lực rất lớn, nên không thể bỏ việc đo huyết áp trước khi tiêm.
Theo K.Chi / Infonet