Không phải sai lầm nào cũng có thể sửa chữa, có những vấp ngã khiến người ta phải dùng cả đời để trả giá. Trong mối quan hệ vợ chồng cũng vậy, khi có không biết nâng niu giữ gìn, mất rồi mới hối tiếc thì đã quá muộn. Câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ dưới đây chính là một minh chứng.
Chuyện như sau: "Vợ cũ của tôi vốn là người hiểu chuyện, biết chăm sóc chồng con. 4 năm gắn bó, hai chúng tôi hầu như không bao giờ to tiếng trong khi tôi khá nóng tính. Mỗi lần tôi đỏ mặt lên là vợ lại dịu giọng hoặc lảng đi chỗ khác. Tôi quy định rõ ràng, mọi việc lớn nhỏ trong nhà tôi luôn là người quyết định, vợ chỉ việc nghe theo. Nhiều lúc cô ấy trách tôi gia trưởng, độc đoán song tôi nói thẳng rằng gia đình cần có nguyên tắc, phụ nữ lấy chồng phải theo chồng, đàn ông là trụ cột gia đình, đương nhiên có quyền định đoạt mọi thứ.
|
Bài chia sẻ của người chồng. |
Đầu năm 2018, bố mẹ tôi dưới quê xây nhà, phận làm con đương nhiên tôi không thể không có trách nhiệm chung tay góp sức với họ nên đã rút hết 700 triệu tiết kiệm của hai vợ chồng đưa cho họ. Vợ tôi biết chuyện làm ầm trách móc tôi không tôn trọng vợ, việc lớn như thế mà không bàn, trong khi nhà cửa còn đi thuê. Rồi cô ấy giở giọng rằng một nửa số tiền đó là của cô ấy, tôi không có quyền tự quyết như vậy.
Chúng tôi lời qua tiếng lại to tiếng rồi vợ đùng đùng đòi ly hôn với lý do không thể chịu đựng được sự độc đoán, coi thường vợ của chồng. Thật sự khi ấy tôi thấy vợ quá ngang ngược, hẹp hỏi nên chấp nhận ký giấy. Tôi muốn cho cô ấy thấy rằng, một người vợ không biết điều, không biết nghe lời thì tôi không thiết giữ.
Vì hai đứa chưa có nhà, tài sản chung hầu như không có nên thủ tục ra tòa cũng đơn giản. Chúng tôi ly hôn sau đó chưa đầy 3 tháng, bạn bè người quen nghe tin đều sốc.
Sau khi ly hôn, mỗi tháng tôi đều đặn gửi vợ 2 triệu phụ cấp nuôi con, số tiền lấy của cô ấy đưa bố mẹ xây nhà tôi cũng vay mượn tạm từ bạn bè để đưa trả vợ cho sòng phẳng. Có điều không may cho tôi, ly hôn được khoảng gần 1 năm thì công việc làm ăn lại gặp khó khăn. Mấy dự án làm cùng bạn đều thất bại, tôi gần như mất hết quay về con số không.
Tài chính không có, tôi đành quay về ở nhờ nhà bố mẹ tuy nhiên căn nhà mà tôi dồn tiền để ông bà xây giờ đã sang tên cho em trai, em dâu tôi nên tôi về đó chỉ còn là kẻ ở nhờ, mọi sinh hoạt đều bất tiện, luôn phải nhìn trước, ngó sau xem ý tứ của các em. Lúc ấy tôi mới thật sự hiểu cho suy nghĩ trước đây của vợ, nếu tôi không tự quyết với khoản tiền tiết kiệm kia thì giờ này chắc chắn tôi đã có 1 mái nhà, vẫn còn tổ ấm hạnh phúc, vợ chồng không tới mức đường ai người ấy đi như vậy.
Cũng vì không có tài chính nên tiền phụ cấp nuôi con tôi không gửi đều đặn cho vợ được. Qua bạn bè, vợ cũ biết tình hình hiện tại của tôi đã không nhận tiền phụ cấp nuôi con nữa. Cô ấy nói có thể chăm sóc tốt cho thằng bé. Khác với tôi, sau khi ly hôn, vợ cũ tôi có cuộc sống rất ổn định, hiện cô ấy đã mua 1 căn hộ trả góp gần 2 tỷ cạnh nhà ngoại và ngày một trẻ đẹp hơn.
Vài ngày trước đến nhà vợ cũ đón con đi chơi, tôi vô tình thấy cuốn album ảnh cưới của vợ chồng để ngay ngắn trên mặt bàn khiến tôi khá bất ngờ. Trong lòng tôi bỗng nhen nhóm 1 tia hi vọng nghĩ rằng vợ cũ vẫn còn tình cảm với mình, cô ấy chưa quên nên mới giữ lại cuốn album đó. Cố lấy hết can đảm, tôi định xin em cho mình 1 cơ hội để hàn hắn lại nhưng còn chưa kịp cất lời, dường như thấy ánh mắt chồng cũ nhìn cuốn album ấy, em hiểu ý liền mỉm cười giải thích: 'Con còn nhỏ, nó luôn hỏi về bố nên em đã giữ cuốn album cưới của mình, mở ra cho con xem mỗi ngày để con hiểu rằng nó được sinh ra từ tình yêu của bố mẹ. Tuy hiện tại bố mẹ không còn ở cạnh nhau nhưng cả hai vẫn luôn ở bên, thương yêu con. Sau này con lớn rồi, em mới giải thích cụ thể hơn cho nó hiểu'.
|
Ảnh minh họa. |
Câu nói của vợ cũ làm ngọn lửa vừa nhen nhóm trong lòng tôi lập tức tắt lịm. Nhìn vợ con, lòng tôi đau thắt mà phải cố nuốt nước mắt vào trong. Họ từng là mái ấm, là hạnh phúc của tôi nhưng tôi lai không biết trân trọng. Giờ thành kẻ cơ nhỡ không nhà không cửa, tôi hối hận nhưng cũng chẳng kịp nữa rồi".
Cuộc đời, ai cũng phải đôi lần mắc sai lầm, cũng nhờ có sai lầm người ta mới trưởng thành, bản lĩnh hơn. Tuy nhiên không phải sai lầm nào ta cũng có cơ hội sửa sai, làm lại. Đặc biệt trong hôn nhân gia đình, một khi bạn đã làm tổn thương đối phương, làm mất lòng tin và hi vọng ở họ thì chẳng bao giờ bạn có cơ hội lấy lại nữa.
Theo Pháp luật và Bạn đọc