Ngôi làng được ba ngọn núi Cóc bảo vệ, nhưng vào một ngày những ngọn núi thiêng bị nổ mìn đánh đá đã dẫn tới những cái chết tức tưởi. Người ta cho rằng, họ đã xâm phạm đến lời nguyền nghìn năm trước.
Yểm vàng ở làng Cóc
Làng Cóc thuộc xã Tượng Văn, Nông Cống, Thanh Hóa. Cái tên làng Cóc đã có từ rất lâu đời nhưng chẳng ai hiểu rõ gốc tích tên làng. Nhưng kể từ sau cái chết của ba thanh niên trai trẻ thì mọi người mới ngộ ra lời nguyền nghìn năm trước và câu chuyện làng bị trấn yểm mới dần hé lộ.
Theo các cao niên thì làng Cóc được sự chở che và bảo vệ của ba vị "thần Cóc" nằm ở cả 3 vị trí khác nhau và hướng về phía trung tâm của làng. Trong đó, một thần Cóc được gọi là ông Cóc nằm ở chân núi, một thần Cóc khác được gọi là bà Cóc thì thân hình đậm hơn, ngâm mình dưới sông. Thần Cóc còn lại nằm ở cuối ngôi làng, nửa mình ngâm nước, nửa mình trên cạn. Người dân cho rằng, ba vị thần Cóc đã bảo vệ ngôi làng suốt những năm qua.
Thế nhưng, kể từ khi xuất hiện tin đồn từ một thầy bói phán rằng, đất này bị yểm vàng bởi một tên ác bá thời phong kiến và hiện tại, vàng nằm trong khu vực những ngọn núi được gọi là thần Cóc. Tin đồn lan khắp nơi, khiến dân săn đồ cổ kéo đến rầm rộ. Còn những kẻ tham lam thì vác cuốc xẻng đi đào tung ngôi làng. Nhưng kinh hoàng hơn, vào một buổi sáng cả làng phải chứng kiến cảnh ba vị thần Cóc bị mìn nổ tan tành. Và chẳng bao lâu, ngôi làng lại phải chứng kiến những cái chết kỳ lạ của 3 thanh niên trai trẻ.
|
Làng Cóc ẩn mình dưới chân Núi Chào. |
Cụ Nguyễn Thế Nguyên rầu rĩ, vì lòng tham của một số người mà cả làng chịu tội. Kẻ xấu đã đào đúng vị trí trấn yểm phạm vào lời nguyền nên 3 mạng người phải ra đi vì bị thần Cóc bắt. Nhưng có một điều lạ về ba cái chết kia, đó là những người trẻ tuổi, đều không phải có gốc tổ tiên trong làng và tất cả đều chết đuối ở ngay khúc sông vào làng do bị ngã từ trên cầu xuống. Từ đó, cây cầu có tên "cầu tử". Kỳ lạ hơn là tất cả đều chết ở tư thế ngồi như con cóc.
Trong số ba nạn nhân chết đuối tại làng Cóc, một người quê ở xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia đi mua lợn con về qua cầu thì gặp nạn. Anh Nguyễn Thế Đức, nhà gần cầu cho hay, hôm đó có hai người đàn ông chở một xe lợn con đi về ngang cây cầu. Một người xuống đẩy xe nhưng khi đến giữa cầu thì bất ngờ người ngồi trên xe bị ngã xuống sông. Nghe tiếng kêu cứu, mọi người chạy ra thì không tìm thấy người lái xe đâu, chỉ thấy người đẩy xe mặt trắng bệch run bần bật như vừa phải chứng kiến điều gì khủng khiếp lắm. Mọi người hỏi han nhưng anh ta không nói được lời nào.
|
Tảng đá hình con cóc ở làng Cóc. |
Làng có "trăn tu"
Cụ Nguyên còn cho biết thêm, trước đây trong làng có cây đa cổ thụ hàng nghìn năm tuổi. Gốc đa to vài người ôm chưa xuể. Dưới gốc đa là một tảng đá lớn bằng phẳng mà người ta vẫn quan niệm là giường của thần tiên. Dưới gốc đa, người trong làng vẫn thường nhìn thấy một con "trăn tu" nặng khoảng 30 - 40kg ẩn mình dưới gốc đa. Nhưng sau đó do khu vực này bị đánh đá "trăn tu" bỏ đi nơi khác, cây đa cổ thụ cũng bị quật gẫy sau một cơn bão.
Người ta cho rằng, "trăn tu" cũng là vị thần bảo vệ ngôi làng trước những điều xấu xa.
Theo chân anh Dũng, người từng nhìn thấy "trăn tu" đến vị trí cây đa, chúng tôi phải vượt qua một đoạn đường lầy lội, trơn trượt với những vách đá cheo leo. Anh Dũng cho biết, phiến đá lớn chỉ còn lại vếch tích nhỏ với vài mảng nhỏ vì bị những kẻ xấu đánh đá đem đi bán.
Theo lời anh Dũng, cách đây không lâu, có một tổ thợ đến khu vực này khai thác đá, trong lúc đang đứng dùng xà beng bắn đá, thì cây xà beng bật ngược lại văng vào người anh Nguyễn Thế Tới (37 tuổi, người làng bên) làm anh này ngất xỉu ngay tại chỗ.
Cũng từ đó không ai dám lên đây đánh đá nữa, nói rồi anh Dũng chỉ tay vào phiến đá. Anh bảo: "Ở đây, ngày trước có một ngôi chùa tên là Cô Hội, nhưng ngôi chùa không còn nữa. Chỉ có cây đa và tảng đá là vết tích cuối cùng. "Trăn tu dưới gốc đa cũng là chuyện có thật mà chúng tôi thường hay nhìn thấy vào ngày rằm và mùng 1 hàng tháng. Tuy nhiên, gần đây do không còn nơi trú ngụ nên "trăn tu" đã bỏ đi mất rồi", anh Dũng cho hay.
|
Cụ Nguyên kể lại chuyện làng bị trấn yểm. |
Không nên hoang mang
Để tìm lời giải về lời nguyền chết chóc ở làng Cóc, chúng tôi đã tìm đến gặp ông Hoàng Công Thi, Chủ tịch UBND xã Tượng Văn. Ông Thi cho biết: "Việc có người chết ở ngay khúc sông vào làng là có thật, ở làng này cũng có tảng đá hình cóc, có một tảng thì ở trên khô có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, đã bị đánh đá làm hỏng mất một phần, còn những tảng đá ở dưới nước rất khó xác định hình thù. Đây là một quan niệm tâm linh của bà con trong làng nên chúng tôi luôn tôn trọng".
Ông Thi cũng cho biết thêm, tảng đá hình con cóc là do người dân đánh đá về xây tường, chính quyền địa phương cũng đã nghe việc bà con đào bới khu vực quanh tảng đá này vì họ cho rằng có chuyện trấn yểm bằng vàng dưới chân núi. Tuy nhiên, việc trấn yểm chỉ là tin đồn, vì thực tế họ đã đào tung cả một vùng mà không tìm thấy vàng.
Ông Thi trấn an: "Bà con cũng không nên hoang mang bởi tin đồn. Những người chết đuối ở khúc sông là do tai nạn chứ không có chuyện phạm vào lời nguyền hay bị thần thánh nào trừng phạt. Tuy nhiên, ở đây có sự trùng hợp là sau khi tảng đá bị phá thì mới xảy ra sự việc nên một số kẻ xấu lợi dụng tâm linh để tuyên truyền với mục đích trục lợi từ cúng bái".
"Lời nguyền và việc mảnh đất làng Cóc ven sông Yên bị trấn yểm bằng vàng chỉ là truyền thuyết hoặc sự thêu dệt mà thôi. Vì theo thuật phong thủy, những mảnh đất thiêng mang long mạch phát vương mới bị Cao Biền trấn yểm".
Nhà nghiên cứu Hồ Nam
"Chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu những câu chuyện xảy ra tại làng Cóc và xác định những câu chuyện là có thật nhưng hoàn toàn không phải do thần thánh trừng phạt hay phạm vào tâm linh gì cả. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền tới bà con tránh những chuyện mang tính mê tín dị đoan và phải cảnh giác trước những kẻ xấu".
Ông Hoàng Công Thi (Chủ tịch UBND xã Tượng Văn)
Giáp Hoà