Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử: Nghệ sĩ không lạm dụng tình cảm của công chúng để trục lợi

Google News

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Sau nhiều tháng lấy ý kiến đóng góp của nghệ sĩ, công chúng, lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 3196 /QĐ-BVHTTDL ngày 13/12 về Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Dù Bộ quy tắc không có giá trị pháp lý, nhưng đây là bộ khung, đặt ra tiêu chuẩn để nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật điều chỉnh hành vi ứng xử sao cho chuẩn mực.
Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật gồm 3 chương, 11 điều, nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trong hoạt động nghề nghiệp, đối với đồng nghiệp, công chúng, khán giả, khi tham gia các hoạt động xã hội, báo chí, truyền thông và không gian mạng. Bộ Quy tắc hướng tới khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Ban hanh Bo Quy tac ung xu: Nghe si khong lam dung tinh cam cua cong chung de truc loi
Quy tắc ứng xử đưa ra khung hành vi khuyến cáo dành cho người hoạt động nghệ thuật.
Trong phần Quy tắc ứng xử đối với công chúng, khán giả, có nêu rõ nội dung: cần tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của công chúng, khán giả để hoàn thiện bản thân và nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật; Ứng xử chân thành, đúng mực, thân thiện và xây dựng hình ảnh đẹp của người hoạt động nghệ thuật với công chúng, khán giả; không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức.
Ban hanh Bo Quy tac ung xu: Nghe si khong lam dung tinh cam cua cong chung de truc loi-Hinh-2
Khuyến khích nghệ sĩ ứng xử chuẩn mực
Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng cũng nêu một số nội dung như: Cá nhân sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có lợi ích cho xã hội và đất nước; bình luận, nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan.
Không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tính ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục. Không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây phương hại đến an ninh, trật tự, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Ở nội dung nghệ sĩ hoạt động từ thiện, Bộ Quy tắc ứng xử cũng đưa ra nhiều quy tắc ứng xử như phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động xã hội. Thực hiện, phối hợp thực hiện hiệu quả các phong trào, hoạt động từ thiện, nhân đạo, chăm lo người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội theo quy định pháp luật.
Dùng uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng, chú trọng các hoạt động liên quan đến giáo dục sức khoẻ cộng đồng, lối sống thân thiện và bảo vệ môi trường.
“Công khai, minh bạch kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân”, Bộ Quy tắc ứng xử nêu.

 

Theo Nguyên Khánh/Tiền Phong