Long Nhật nức nở kể về điềm báo trước khi NSƯT Chánh Tín qua đời

Google News

“Cứ lần nào người tôi thương yêu mất, tôi đều nhận được điềm báo trước”, Long Nhật vừa khóc vừa kể.

NSƯT Nguyễn Chánh Tín – “đại tá Nguyễn Thành Luân” của 'Ván bài lật ngửa' đã qua đời tại nhà riêng vào rạng sáng ngày 4/1, hưởng thọ 68 tuổi. Sau khi nhận tin dữ này, rất nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ sự thương tiếc với một tài năng điện ảnh Việt.
Long Nhat nuc no ke ve diem bao truoc khi NSUT Chanh Tin qua doi
 
Ca sĩ Long Nhật, một người em thân thiết với NSƯT Nguyễn Chánh Tín mấy chục năm qua chia sẻ: “Tôi rất bàng hoàng khi nghe tin anh Nguyễn Chánh Tín mất. Tôi hết hồn, định bụng điện cho chị Bích Trâm nhưng lúc đó mình rối loạn, không tìm ra số. Số chị Bích Trâm nằm trong máy mà tôi cứ bấm số anh Tín.
Tôi gọi cho đạo diễn Nguyễn Phương Điền, hỏi số chị Bích Trâm. Vừa bấm số thì hiện lên tên chị Bích Trâm trong điện thoại. Bé Ly, con gái anh Chánh Tín nghe máy. Tôi khóc một hồi khi nói chuyện với con bé. Tôi đến phim trường Phượng Khấu mà không còn lòng dạ nào cả…”
Long Nhật kể thêm: “Trong sự nghiệp của tôi có 2 dự án lớn: “Tình nghèo có nhau” và “Tìm lại người xưa” thì cả 2 dự án đó đều có anh Chánh Tín tham gia. Anh khó lắm, không nhận đóng MV ca nhạc bao giờ nhưng vì đó là tôi nên anh nhận lời.
Hỏi anh cát-xê bao nhiêu, anh cười bảo: “Mày làm, anh đi Huế với mày chứ tiền bạc gì”. Tôi nói, anh đang khổ, đang hết tiền sao lại không lấy cát-xê. Anh trả lời tôi: “Hết thì hết nhiều chứ đâu phải mấy đồng bạc”. Và tôi đưa bao nhiêu, anh cầm bấy nhiêu chứ không suy nghĩ gì.
Cách đây vài ngày, anh em tôi còn đi sự kiện với nhau. Gặp tôi anh hỏi: “Có gì cho anh làm với”. Tôi bảo em sắp làm MV Xe đò kỷ niệm, anh đóng vai thầy hiệu trưởng nha. Tôi hỏi anh cát xê bao nhiêu, anh Tín bảo: “Cát xê cái đầu mày”!
Anh Tín bị bệnh tiểu đường nhưng thuốc thang đều đặn, sức khỏe không đến nỗi gì. Sáng giờ tôi khóc rất nhiều nhưng có được an ủi là anh Tín không đau ốm, nhập viện, mổ xẻ gì hết. Anh Tín sang chảnh cho đến giây phút cuối cùng. Kể cả lúc hoạn nạn nhất, vẫn ngồi trong nhà uống ly rượu”.
Long Nhật cũng cho biết, trước ngày Nguyễn Chánh Tín mất, như có điềm báo, anh làm gì cũng nóng ruột, làm gì cũng không được.
Anh vừa khóc vừa nói: “Lúc đó, tôi cứ nghĩ là do mình áp lực công việc, sáng nay thì nhận tin dữ. Cứ lần nào người tôi thương yêu mất, đều như có điềm báo trước.
Năm nay, tôi gặp quá nhiều chuyện buồn. Hồi nhỏ, anh Chánh Tín hay cho tôi tiền lắm. Lúc anh Chánh Tín già, nghèo, tôi hay nhét tiền lại. Anh bảo, đời có qua có lại ghê”.
Long Nhật biết Nguyễn Chánh Tín từ thời ông đóng “Người không trang điểm”, “Giữa hai làn nước”, “Hạnh phúc ở quanh đây”. Nam ca sĩ người Huế mê và thần tượng Chánh Tín từ phim “Ván bài lật ngửa”.
Anh kể: “Mỗi tập tôi xem đi xem lại tới 9,10 lần và ao ước 1 ngày nào đó được gặp anh bằng xương bằng thịt ngoài đời. Cơ hội ấy cuối cùng cũng đến.
Năm đó, Liên hoan các nhà văn hóa Lao Động toàn quốc được tổ chức tại Huế. Tất cả các đoàn đều về Huế biểu diễn. Anh Chánh Tín nằm trong đoàn Ca nhạc điện ảnh TPHCM gồm rất nhiều tên tuổi lớn.
Đêm khai mạc ở Cung An Định đông chưa từng thấy. Lần đầu tiên thấy Nguyễn Thành Luân của phim Ván bài lật ngửa bằng xương bằng thịt ra Huế nên mấy ngàn khán giả đổ xô đi xem. Giữa mấy ngàn người đó có tôi. Lúc đó tôi còn bé lắm, đang học lớp 10 trường Quốc học Huế và may mắn nằm trong đội văn nghệ danh dự của trường đi đón đoàn.
Tôi ôm bó hoa lớn hơn cả người leo lên sân khấu tặng Nguyễn Chánh Tín nhưng cầu thang nhỏ xíu lại trơn, người đông xô đẩy, chen lấn nên tôi leo hoài không được. Nguyễn Chánh Tín thấy tội quá, bế tôi lên sân khấu rồi vô phòng hóa trang. Tôi ngồi luôn vào lòng Chánh Tín, không chịu xuống nữa. Lúc đó, còn kêu chú xưng con. Sau này, khi tôi bước vào nghề mới đổi là anh em. Gần 1 tháng, đoàn ở Huế, tôi đi theo suốt, xem nhiều đến mức thuộc cả tuồng.
Sau liên hoan, đoàn đi diễn ở Đà Nẵng, Quảng Trị, tôi cũng lẽo đẽo đi theo. Bao nhiêu tiền ăn sáng của má cho, tôi để dành hết. Đoàn ở khách sạn nào tôi ở khách sạn đó rồi chạy qua phòng anh Chánh Tín chơi. Ba và anh Hai tôi sợ quá chạy ra Quảng Trị bắt về. Anh Chánh Tín bảo đi về học đi, hè có dịp vào Sài Gòn thì gặp rồi để lại số điện thoại bàn. 
Sau này, tôi về đoàn Hải Đăng Nha Trang. Khi đã là ca sĩ chính của đoàn Hải Đăng, tôi nói với đoàn tăng cường anh Chánh Tín ra diễn cho đông khán giả. Và thế là anh em đi diễn với nhau từ Nam ra Bắc.
Khi tôi quyết định về Sài Gòn lập nghiệp, còn ở nhà trọ, chưa có công việc nhưng tôi đi tới các sân khấu đăng hình quảng cáo show có anh Chánh Tín để hỏi địa chỉ tới thăm nhà.
Và từ đó, anh Chánh Tín đi quay ở đâu tôi cũng đi theo. Tôi được các anh chị cho vai đóng phim rất sớm nhưng tôi thấy khó, sợ không làm được nên từ chối, chỉ nhận đi hát và dẫn chương trình.
Anh Chánh Tín mắng tôi khờ, người ta học bao lâu trong trường ra, cực khổ kiếm vai không được. Mình được cho vai lại không nhận. 
Được là đứa em trong nghề với anh Chánh Tín là hạnh phúc của tôi. Khi anh Chánh Tín khó khăn nhất, mất nhà mất cửa, anh em chúng tôi vẫn gắn bó, tới lui với nhau.
Tôi nhớ Tết năm anh Chánh Tín phá sản, trong túi tôi có 5 triệu, tôi rủ anh Vương Bảo Tuấn góp thêm 5 triệu để lì xì cho anh Chánh Tín. Anh Chánh Tín nói câu thương lắm: “Lúc anh giàu sang, rực rỡ, các em ở đâu đó vậy mà khi anh hoạn nạn các em đều tới giúp. Đó là ân tình anh không bao giờ quên”./.
Theo Kiều Trinh/Khỏe & Đẹp