Ước mơ của các bệnh nhi trong ngày đầu năm mới

Google News

(Kiến Thức) - Tâm hồn ngây dại của những đứa bé vẫn đang ở tuổi ăn tuổi lớn đâu có biết rằng mình đang phải đối mặt với tử thần, chỉ có những người cha, người mẹ mới thấu hiểu được nỗi khổ ấy.

Tâm sự của người lớn

Ngày đầu năm mới, trong cái gió rét cắt da cắt thịt, bệnh viện Nhi TƯ vẫn đông nghịt người ra vào. Đôi mắt trên khuôn mặt hằn đầy nếp nhăn của những người cha, người bà, người mẹ chứa biết bao nỗi lo âu cực nhọc khi con cháu họ đang phải hàng ngày hàng giờ đối mặt với tử thần. 
 Người nhà bệnh nhân trong giờ cấm thăm bệnh.

Bệnh viện vào khung giờ cấm thăm người bệnh, khắp các hành lang những hàng dài người nhà bệnh nhân đang ra khỏi phòng bệnh. Họ đứng, ngồi dưới sân trước, sân sau, những bậc thềm, bồn hoa, ghế đá hay bất cứ đâu có thể trú chân cho đến khi bị bảo vệ bệnh viện xua đuổi ra ngoài. Những khuôn mặt hằn vết chân chim, những đôi bàn chân đen đúa, đôi môi khô nẻ dù phải chống chịu với cái gió rét của ngày đông nhưng vẫn hàng ngày trực chờ theo đúng quy định của bệnh viện. 

Mỗi cháu bé chỉ được 1 người chăm sóc ở cùng phòng, còn lại những người thân khác chỉ được ở phòng vào khung giờ thăm bệnh. 

Trong khoảng thời gian không được thăm hỏi bệnh nhân đó, cô Nguyễn Thị Bình ở Bắc Ninh luôn cặp kè cái túi xách có chiếc vỏ chăn nhung mỏng mà cô nói: “Cầm theo để đến giờ 'cấm' thăm bệnh lại ra ghế đá quấn cho ấm, không thì để tối xuống hành lang tầng 1 qua giấc, mấy đêm rồi cô chống chịu với cái giá rét chỉ nhờ chiếc chăn mỏng này thôi đấy”.
Cô Nguyễn Thị Bình ở Bắc Ninh luôn cặp kè cái túi xách có chiếc vỏ
chăn nhung mỏng tranh thủ ngủ trong giờ cấm thăm bệnh.

Ngồi chờ đến giờ vào thăm bệnh, tôi được nghe rất nhiều chuyện của những người đi chăm con cháu. Chủ yếu là chi phí sinh hoạt hàng ngày, Trương Thị Hà ở Lục Ngạn, Bắc Giang phàn nàn phải thuê trọ 20 nghìn/ ngày nếu ngủ chung từ 5-6 người một giường, còn từ 50-70 nghìn/ngày với một phòng chỉ đủ không gian cho một chiếc giường nhỏ, đó là còn chưa kể tiền ăn uống hàng ngày. “Nông dân như chúng tôi làm cả năm mới được tấn thóc, nếu cháu phải điều trị dài ngày thì thực sự rất tốn kém”, chị Hà nói. 

Hay cả với người nhà được ở trong phòng bệnh với các cháu như anh Lý cũng chia sẻ: “Chỉ cần một ngày 3 bữa ăn, hai bố con 3 suất  cơm thôi ở cantin thôi đã lên tới 75 nghìn đồng rồi, còn chưa tính những chi phí thuốc thang, sinh hoạt khác”.

Đặc biệt tôi còn được nghe câu chuyện đáng buồn hơn là nhiều trường hợp các cháu chỉ khi ra đến bệnh viện Nhi TƯ mới được xác định chính xác bệnh. Anh Nguyễn Công Lý, bố của bé Nguyễn Ngọc Hải ở Hà Tĩnh chia sẻ “Hai bố con đi chữa bệnh ở ngoài này đã gần 1 tháng rồi. Cháu bị tim bẩm sinh nhưng do điều kiện bố mẹ là nông dân nên không thể đi khám định kỳ được cho cháu, sau khi bé có triệu chứng đau đầu, nôn ra máu đưa cháu đi khám ở tuyến xã, huyện cũng không phát hiện được bệnh…sau đó đi chụp chiếu ở ngoài này thì mới phát hiện ra bé bị tim bẩm sinh di căn lên não”.

Ước mơ của trẻ nhỏ

Tại bệnh viện Nhi TƯ có hàng trăm ca nhập viện hàng ngày, hầu hết là những căn bệnh nan y hoặc bẩm sinh như U não, u thận, viêm phổi, ung bướu…

Đa số những người đến đây, ai cũng có một tâm trạng xót thương cho những thân phận bé nhỏ bị căn bệnh nan y. Các bé vẫn còn quá nhỏ để hiểu về những khó khăn của cha mẹ và sự nguy hiểm của những căn bệnh quái ác này. Có nhiều bé dù mới chỉ hớn 3 tuổi nhưng đã nằm viện gần 2 năm. Dù bị đau đớn vì bệnh tật nhưng các bé vẫn hồn nhiên mong ước những món quà nhỏ bé khi năm mới đến.

Bé Nguyễn Ngọc Hải, 9 tuổi quê ở Hà Tĩnh đã mổ não 2 lần và đang điều trị bệnh tim bẩm sinh khi được hỏi về ước muốn sang năm mới bé nói: “Ước muốn lớn nhất của con sang năm mới là được nhà với mẹ, ông bà, được đi học để gặp bạn bè thầy cô và nhận được nhiều trò chơi, ở ngoài này buồn lắm, cháu nhớ nhà lắm. Con thích ô tô với robot lắm nhưng giờ nhà con chưa có điều kiện để mua cho con”.
 Bé Nguyễn Ngọc Hải, 9 tuổi ở Hà Tĩnh và bố.

Còn bé Hạnh, 3 tuổi ở Thái Nguyên líu la líu lô trong khi tay vẫn băng miếng gạc màu trắng: “Năm mới cháu thích búp bê và cả váy hồng xinh, à cháu thích cả khỏi bệnh để được đi múa hát ở lớp mẫu giáo nữa”.

Mẹ bé Hạnh nghẹn ngào: “nó còn bé quá, sao ông trời không cho tôi chịu bệnh thay nó, tôi mong các y bác sĩ sớm chữa lành bệnh cho cháu, để cháu có một tuổi thơ bình thường như những bạn khác”.

Trò chuyện với chúng tôi, Y tá Vũ Thị Huyền trăn trở: "Ngày tết cổ truyền sắp đến gần, phần đông các em nhỏ mắc bệnh từ nhiều vùng quê nghèo trên cả nước đến đây. Mình và đội ngũ y bác sĩ ở đây sẽ cố gắng hết sức để chữa lành bệnh sớm nhất cho các em, để các em sớm được về quê đoàn tụ với gia đình”.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


C.L