Đuổi HS nói xấu giáo viên: Quá nặng phản tác dụng giáo dục!

Google News

(Kiến Thức) - Việc trường THPT Nguyễn Trãi đuổi học sinh nói xấu giáo trên Facebook được dư luận đánh giá là nặng nề, phản tác dụng giáo dục. Bởi đây là hình thức kỷ luật quá nặng, không có sự bao dung của nhà trường.
 

Ngày 31/10, lãnh đạo trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) xác nhận đã ra quyết định đuổi học 1 năm đối với 3 học sinh lớp 10A5 vì sử dụng mạng xã hội xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của giáo viên, gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của Nhà trường.
Ngoài ra, còn có 5 học sinh khác cũng bị kỷ luật. Trong đó, bốn em nam bị đuổi học 1 tuần, một nữ sinh bị cảnh cáo trước toàn trường.
Vụ việc đuổi học sinh nói xấu giáo viên trên Facebook xuất phát từ một nữ sinh lớp 10 sử dụng điện thoại trong giờ học, bị giáo viên bộ môn thu, giao cho cô chủ nhiệm. Sau đó, tại phòng trực giám thị, điện thoại của nữ sinh không bị khóa, cô chủ nhiệm thấy trên màn hình hiện cuộc trò chuyện ở nhóm Facebook có tên “Động Cô Bích” - tên cô chủ nhiệm, nội dung nói xấu thầy cô, nhà trường. Việc này tiếp diễn vào tối cùng ngày. Sau đó nhà trường đã tiến hành kỷ luật các em học sinh trên.
Duoi HS noi xau giao vien: Qua nang phan tac dung giao duc!
Trường THPT Nguyễn Trãi. Ảnh: Nguyễn Dương/Saostar. 
Sự việc trên nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều ý kiến tranh luận cho rằng, hình thức xử phạt như trên là quá nặng bởi học sinh lớp 10 đang trong độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” chưa đủ suy nghĩ chín chắn nên có những hành động bồng bột. Do vậy, thay bằng hình thức đuổi học nên có biện pháp uốn nắn các em về mặt đạo đức bởi các em cần được thông cảm và giáo dục là để uốn nắn các em thành người.
Ngẫm về sự việc trên, dù hành vi của các em học sinh là sai trái nhưng việc cô giáo chủ nhiệm tự ý mở điện thoại, xem tin nhắn dù có một học sinh khác làm chứng cũng là hành vi không đúng đắn bởi điện thoại là vật dụng cá nhân, thầy cô giáo không có quyền xâm phạm sự riêng tư của các em học sinh. Hành vi tự ý xem điện thoại cá nhân của học sinh khi các em không có mặt là hành vi không chấp nhận được bởi rất mất lịch sự, thậm chí vi phạm pháp luật về quyền riêng tư.
Nhìn nhận từ thực tế, việc học sinh lập nhóm nói xấu thầy cô giáo là hành vi sai trái, vi phạm nội quy của nhà trường cũng như các quy định tại điều lệ trường THPT. Và tất nhiên, với khuyết điểm, vi phạm như trên học sinh cần phải bị kỷ luật để thay đổi. Tuy nhiên, hình phạt sẽ là phương pháp giáo dục hiệu quả khi vừa có tính nghiêm khắc, vừa chứa đựng tính nhân văn để giúp các em học sinh nhận ra những sai lầm để thay đổi và khi chịu mức phạt các em vẫn nhận thấy có sự bao dung của nhà trường, thầy cô giáo.
Hơn nữa, khi xử phạt buộc thôi học các em học sinh vì nói xấu, lăng mạ thầy cô trên mạng xã hội, nhà trường cũng cần phải tìm hiểu nguyên nhân của việc học sinh xúc phạm giáo viên. Bởi trong môi trường giáo dục, ngay cả giáo viên cũng chưa chắc đã có những ứng xử chuẩn mực, không ngẫu nhiên mà học sinh lại nói xấu thầy cô giáo.
Thời đại công nghệ phát triển, mạng xã hội facebook, chuyện các em học sinh lập nhóm riêng tư lẫn công khai để bày tỏ thái độ với thầy cô giáo là chuyện diễn ra nhan nhản. Chỉ cần giáo viên khi giảng dạy có những ứng xử khiến học sinh không hài lòng như thiếu công bằng trong cách cho điểm, mắng chửi học sinh…đều dẫn đến việc tạo ức chế cho các em và việc các em trao đổi nhận xét về thầy cô trên mạng xã hội và cả ngoài đời thực cũng là điều dễ hiểu.
Bởi thực tế, đã chứng minh không ít trường hợp thầy cô cư xử quá đà, đánh chửi, áp đặt với học sinh, đề ra nguyên tắc quá cứng nhắc, thiếu linh hoạt dẫn đến sự đối đầu từ phía học sinh như vụ việc thầy giáo tát học sinh thủng màng nhĩ, cô giáo phạt học sinh ăn ớt, cô giáo ép học sinh xúc miệng bằng nước giẻ lau…Khi giáo viên có những hành vi phản giáo dục mà không bị nhà trường, ngành giáo dục xử lý sẽ rất dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực của các em học sinh.
Tuy việc các em sử dụng câu chữ nặng nề, chửi bởi xúc phạm thầy cô giáo là không thể chấp nhận được bởi nó làm ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự thầy cô giáo trong trường khiến các thầy cô bức xúc. Tình cảm thầy trò bị xen lấn bởi những “vết rạn” khó lòng gạn bỏ nếu thầy cô không có đủ sự bao dung, nhân ái.
Dẫu vậy, việc áp dụng hình thức đuổi học học sinh trong trường hợp này rõ ràng là hình thức kỷ luật quá nặng, không có sự bao dung của nhà trường.
Bởi khi áp dụng hình thức đuổi học là khi nhà trường đã không còn biện pháp giáo dục giúp các em nhận ra sự sai trái để có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Trên thực tế, dù các quy định, điều lệ rất nghiêm ngặt nhưng tất cả những hình phạt đối với trẻ vị thành niên trong nhà trường gây nguy cơ tước đi cơ hội thay đổi; giảm lòng tự trọng đều không được khuyến khích.
Môi trường giáo dục, nhà trường có hai nhiệm vụ quan trọng là dạy chữ và dạy người. Dạy chữ là trang bị kiến thức cho các em học sinh. Trong khi đó dạy người vừa giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống để hình thành phát triển nhân cách cho học sinh. Trên thực tế, nhiều trường thiên về dạy chữ mà xem nhẹ việc dạy người.
Bởi vậy, nhà trường cần chú trọng giáo dục hành vi, chuẩn mực đạo đức cho các em học sinh thay vì xem nhẹ rồi xử phạt nặng tay khi học sinh vi phạm đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên cũng cần nhìn nhận lại bản thân, có ý thức để trở thành tấm gương về đạo đức, nghề nghiệp, chuẩn mực trong ứng xử với học sinh. Hình phạt trong giáo dục là cần thiết để mang tính răn dạy nhưng tránh xử phạt bằng hình thức phản cảm, tránh tâm lý áp đặt sẽ phản tác dụng trong giáo dục.
Thiên Nga