Hàng nghìn trẻ em bị xâm hại: Con số này đã đủ thức tỉnh lương tri?

Google News

(Kiến Thức) - Hàng nghìn trẻ em bị xâm hại mỗi năm, câu hỏi bao giờ mới chấm dứt tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải?

Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&LĐ công bố một số liệu đau lòng về tình trạng trẻ em bị xâm hại, xâm hại tình dục và bạo hành: “ Chỉ 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục à 572 vụ với 562 em bị xâm hại và khoảng 2000 trẻ em bị bạo hành mỗi năm”.
Hay số liệu do Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí công bố: “Trong 6 tháng đầu năm 2018, chúng ta đã khởi tố hơn 701 vụ, truy tố 753 vụ, 805 bị can, đưa ra xét xử gần 648 vụ và 690 bị can”.
Đáng quan ngại nhất là số liệu do Chánh án TANTC Nguyễn Hòa Bình thông tin: “5 năm, từ 2013 đến 2017, tòa án đã giải quyết hơn 8100 các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, bao gồm 5 tội danh khác nhau”.
Đó là những số liệu cho thấy, tình trạng trẻ em bị xâm hại đang gia tăng ngày càng nghiêm trọng, nguy hiểm, hết sức gây bức xúc trong xã hội.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Con số 2000 trường hợp/năm trẻ em bị xâm hại 1.300 đến 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục hàng năm. Đấy chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm”.
 Ảnh minh họa.
Nghiêm trọng hơn, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình như bố đẻ, bố dượng, anh, em họ... chiếm đến 21,3%, bị xâm hại do thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%.
Hay như Bộ trưởng Bộ Công an – Tô Lâm cho biết: “Xâm hại tình dục trẻ em diễn biến rất phức tạp, không chỉ trẻ em gái, trẻ em trai cũng bị xâm hại. Có cả những đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội...”.
Dư luận đặt ra câu hỏi như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu ra khi chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Chúng ta có 17 cơ quan phụ trách chứ không chỉ riêng Bộ LĐ,TB&XH, nhưng dường như các gia đình mà tôi gặp họ rất đơn độc”.
Điều dư luận quan tâm nhất chính là giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung 6 giải pháp được Bộ LĐ,TB&XH đưa ra như tăng cường quản lý Nhà nước, đặc biệt trong luật phải quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Lao động, UBND các cấp và sửa đổi luật pháp liên quan; tăng cường tuyền thông trong mỗi gia đình, để thời gian tới sẽ thay đổi trong quản lý gia đình, tăng cường trách nhiệm của người bố, người mẹ, hay các anh, chị trong gia đình, cùng nhà trường, xã hội. Phối hợp trong thực thi pháp luật, bảo vệ quyền của các em trong quá trình tố tụng. Tập trung xử lý, giải quyết các vụ việc nghiêm minh và nhanh chóng nhất; Đẩy nhanh việc thực hiện các dịch vụ công, nhất là dịch vụ 111 hiện phản ứng nhanh, kết nối với Chủ tịch UBND xã, Đoàn thanh niên xã và tập trung đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, trong số các giải pháp được Bộ trưởng đưa ra, chưa có giải pháp nào mạnh vì đây là loại tội phạm khá đặc biệt, khá đặc thù, khó phát hiện. Đặc biệt bằng chứng rất cần có thời gian, mà thời gian ở đây không phải theo ngày, theo giờ mà theo tháng, theo năm. “Chúng ta tiếp cận, xử lý tố cáo, xét xử phải làm nhanh, mạnh mẽ thì mới có được bằng chứng để kết tội.”
Đại biểu Tuấn dẫn giải ví dụ vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu xử 18 tháng tù treo, mặc dù sơ thẩm là 3 năm tù, sau đó tòa giám đốc thẩm lại xử 3 năm tù và cho biết: “Rõ ràng, sự quan tâm của chính quyền, cơ quan tố tụng chưa bảo đảm, vấn đề xã hội và gia đình cũng chưa hợp lý trong việc bảo vệ sự an toàn cho các em. Vậy thì, chúng ta sợ điều gì?”.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) – người thường xuyên tiếp cận với những nạn nhân liên quan đến tội xâm hại tình dục, trong đó có tội dâm ô cho rằng: “Trong luật không quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô và các hành vi quan hệ tình dục khác như thế nào. Vì vậy, trong quá trình điều tra đã có nhiều vướng mắc trong việc củng cố chứng cứ pháp lý để chuyển qua Viện Kiểm sát”.
Còn đại biểu Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhìn nhận: “Đối với cơ quan tư pháp, có việc khó là chứng minh, nhưng cũng có những vụ không tích cực, ở đây đại biểu có nêu mấy vụ, ví dụ như vụ ở Cà Mau, phải có Thủ tướng Chính phủ có ý kiến rồi dư luận lên án mới vào cuộc được sau khi cháu bé tự tử. Đối với vụ Nguyễn Khắc Thủy thì phải có Chủ tịch nước có ý kiến và dư luận lên án. Có phải là sau dư luận lên án thì cơ quan điều tra tích cực mới vào cuộc và xử lý được. Vậy, những vụ mà dư luận không lên án, lãnh đạo cấp cao không vào cuộc thì sao?”.
Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em là không thể chấp nhận, bằng mọi cách phải phòng ngừa, ngăn chặn và nghiêm trị. Trong khi các đại biểu tâm tư, các ngành chức năng đang đau đầu tìm giải pháp hữu hiệu để ngặn chặn, thì hàng ngày vẫn có những trẻ em là nạn nhân của tình trạng bạo hành, xâm hại.
Bao giờ nỗi đau xâm hại, bạo hành trẻ em mới chấm dứt vẫn là một câu hỏi lớn mà chưa có lời giải đáp?
Thiên Nga