Nguyên ĐBQH Bình Phước tử vong khi làm đẹp: Liệu có thể khởi tố?

Google News

(Kiến Thức) - Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái, việc gia đình bà Phạm Thị Mỹ Lệ không muốn giải phẫu pháp y khiến khó có thể xử lý hình sự. Tuy nhiên, vẫn có khả năng khởi tố vụ án nếu quá trình điều tra phát hiện sai phạm của cơ sở thẩm mỹ...

Trong những ngày qua, sự việc nguyên nữ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Thị Mỹ Lệ tử vong sau khi đi phun xăm tại cơ sở thẩm mỹ P.N khiến dư luận xôn xao.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan công an tỉnh Bình Phước đã khẩn trương vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, gia đình bà Mỹ Lệ lại không muốn khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân. 
Dư luận băn khoăn vậy liệu có thể khởi tố vụ án hay không và trách nhiệm của cơ sở thẩm mỹ thế nào? 
Để rộng đường dư luận, Kiến Thức đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp.
“Theo cơ quan công an tỉnh Bình Phước, nguyên nhân tử vong của bà phạm Thị Mỹ Lệ là do sốc phản vệ với thuốc kháng sinh. Việc gia đình bà Lệ không muốn giải phẫu pháp y khiến khó có thể xử lý hình sự. Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều tra phát hiện có sai phạm của cơ sở làm đẹp và các mẫu xét nghiệm mẫu vật từ cơ sở đó có độc tố, hoặc đủ yếu tố thì cơ quan điều tra hoàn toàn có thể khởi tố vụ án”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
Nguyen DBQH Binh Phuoc tu vong khi lam dep: Lieu co the khoi to?
 Bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Nguyên nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước tử vong khi đi làm đẹp. 
Theo phân tích của luật sư Nguyễn Hồng Thái về điều kiện khởi tố vụ án, trong vụ việc này còn nhiều yếu tố cần điều tra, xác minh. Tuy nhiên, xét từ những yếu tố ban đầu có thể thấy có dấu hiệu của “Tội vi phạm quy định về khám, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo Điều 315- Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác là hành vi khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc tuy có phép nhưng thực hiện không đúng các quy trình về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, do người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự vô ý gây nên những thiệt hại nhất định cho xã hôi và theo đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần có một trong 4 điều kiện (Tại Khoản 1 - Điều 315), đó là gây chết người – tức gây ra cái chết của nguyên ĐBQH Phạm Thị Mỹ Lệ.
Nói về trách nhiệm khác, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng có hai trường hợp.
- Trường hợp 1: người trực tiếp thực hiện sai phạm quy định như Điều 315. Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ được xác định là tội phạm thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý, gây ra có thể là quá tự tin hoặc cẩu thả.
Tương ứng khung hình phạt: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm trong các trường hợp đã quy định tại Khoản 1. Điều 31. Bộ luật Hình sự năm 2015
- Trường hợp 2: Nếu quá trình điều tra, xét nghiệm không có vấn đề gì bất thường, với việc gia đình bà Lệ không muốn khám nghiệm tử thi và không yêu cầu gì thêm thì có thể không xử lý hình sự; Tuy nhiên, phải có biện pháp răn đe đối với cá nhân, tổ chức có liên quan.
Trước đó, Kiến Thức đã đưa tin, vào tối ngày 30/6, bà Phạm Thị Mỹ Lệ đã đến cơ sở phun xăm P.N tại phường Long Thủy (Thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) để làm đẹp. Đến khoảng 22h, trên đường về nhà, bà Lệ thấy chóng mặt, mệt mỏi nên yêu cầu tài xế quay xe lại cơ sở trên để phản ánh. Tuy nhiên, sau đó, bà Lệ co giật, bất tỉnh và tử vong khi được đưa đi cấp cứu.
Khoản 1. Điều 315. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ:
“1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.”...

Hải Ninh