Trao nhầm con ở Ba Vì: Tình mẫu tử không thể thay đổi một sớm một chiều

Google News

(Kiến Thức) - Dù chị Hương không phải là mẹ đẻ của cháu M., nhưng giữa họ vẫn có sự yêu thương, gần gũi bởi tình cảm mẫu tử 6 năm rất sâu nặng, không thể thay đổi một sớm một chiều.

Dư luận những ngày qua đang đặc biệt quan tâm đến sự việc Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con cho gia đình anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, ở thôn Vân Trai, Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) và gia đình chị Vũ Thị Hương (35 tuổi, thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) suốt 6 năm. Đến thời điểm này, cả hai bé trai vẫn chưa thể quay trở về đoàn tụ với bố mẹ đẻ của mình.
 Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, nơi xảy ra sự việc trao nhầm con.
Dưới góc độ pháp lý liên quan đến sự việc, trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, hiện cả hai gia đình đã xác định được đâu là con đẻ của mình nhưng chưa tiến hành trao trả con là hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm.
Đặc biệt trường hợp gia đình của chị Vũ Thị Hương, chị Hương là người đã chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Đoàn N.M., (con đẻ anh Sơn) suốt 6 năm qua với niềm tin cháu là con đẻ của mình. Dù chị Hương không phải là mẹ đẻ của cháu M., nhưng giữa họ vẫn có sự yêu thương, gần gũi bởi tình cảm mẫu tử 6 năm rất sâu nặng, không thể thay đổi một sớm một chiều.
 Chị Hương và cháu Đoàn N.M.
Luật sư Thanh cho biết, trong trường hợp nếu cả hai bên gia đình không thống nhất được theo quy định của luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật tố tụng dân sự, thì Tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền phán quyết, xác định hai cháu bé cho cha mẹ hoặc cha mẹ cho hai cháu bé. Đến khi đó, cả hai gia đình sẽ phải tuân thủ theo sự phán quyết của Tòa án nhân dân.
Cũng theo Luật sư Thanh, nếu khi cơ quan chức năng có kết luận của sự việc mà xác định hai nữ hộ sinh cố tình đánh tráo hai cháu bé, hai nữ hộ sinh có thể bị xử lý hình sự về tội “Đánh tráo trẻ em” theo Điều 120 Bộ luật Hình sự 1999 (là văn bản luật có hiệu lực tại thời điểm xảy ra vụ việc). Ngược lại, nếu là do vô ý thì không vi phạm pháp luật hình sự.
“Bệnh viện sẽ phải bồi thường thiệt hại trao nhầm con cho hai gia đình, và có thể bồi thường cho chị Hương do bị chồng nghi ngờ không chung thủy. Mức bồi thường tổn thất về tinh thần sẽ do các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”, Luật sư Thanh nói.
Theo đơn kiến nghị của anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, ở Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) về việc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) gửi Bộ Y tế, lúc 7h10 ngày 1/11/2012, vợ anh là chị Phùng Thị Thu Hiền (29 tuổi) sinh một bé trai ở Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì. Khi được giao con, vợ chồng anh nghi ngờ nhầm tã lót của cháu nên có hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ. Tuy nhiên bác sĩ khẳng định đây là tã lót của cháu chứ không nhầm.
 Anh Sơn và cháu Phùng T.H.
Từ thời điểm đó đến nay, gia đình anh Sơn vẫn nuôi cháu Phùng T.H. vì tin vào khẳng định của bệnh viện. Tuy nhiên khi cháu càng lớn lại có nhiều điểm nét không giống bố mẹ đẻ. Một lần bố của anh Sơn vô tình xem ảnh trên điện thoại qua Facebook, nhìn thấy ảnh cháu Đoàn N. M (người con chị Vũ Thị Hương (35 tuổi, thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) đang nuôi dưỡng ở cách nhà anh Sơn không xa) giống ông quá, nên đã bảo anh Sơn tìm hiểu.
Sau đó, gia đình anh Sơn cũng như một số người thân quen đã cùng vào cuộc tìm hiểu, có những tiếp xúc với gia đình chị Vũ Thị Hương. Thông qua nói chuyện, cả hai bên gia đình biết được cùng thời điểm sáng ngày 1/11/2012 vợ anh Sơn và chị Vũ Thị Hương đều hạ sinh một cháu trai.
Nghi ngờ xảy ra việc trao nhầm con, anh Sơn đã đến Bệnh viện đa khoa huyện Ba vì để phản ánh. Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì ngay sau đó rà soát lại hồ sơ bệnh án và xác định, vào thời điểm vợ anh Sơn sinh, đúng là có 2 người sinh gần nhau (người còn lại là chị Hương – PV). Trong đó vợ anh Sơn sinh lúc 7h10 ngày 1/11/2012, còn chị Hương sinh lúc 6h50 ngày 1/11/2012.
Mạnh Hưng