Vì sao giới trẻ giết người ngày càng man rợ?

Google News

(Kiến Thức) - Hai vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Hà Nội và TP HCM khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, lo lắng về cái ác tiếp tục gia tăng trong xã hội.

Vụ án nữ sinh trường Đại học Sân khấu Điện ảnh khi đi tìm nhà trọ tại phố Nguyễn Phúc Lai (quận Đống Đa, Hà Nội) đã bị một nam thanh niên cầm gạch tấn công, rồi bóp cổ sau đó cưỡng hiếp dẫn đến cái chết thương tâm cho cô gái.
Điều đáng quan ngại, nữ sinh này với đối tượng không hề có quen biết, chỉ vì thấy nữ sinh xinh đẹp nên đối tượng đã nảy sinh dục vọng rồi thực hiện hành vi tàn ác. Giết người xong, đối tượng còn nằm ngủ bên nạn nhân cho đến chiều ngày hôm sau mới rời khỏi hiện trường.
Cũng trong cùng thời điểm đó, tại quận Gò Vấp (TP HCM) cũng xảy ra vụ án mạng với sự tàn ác đến ghê người của đối tượng Vũ Ngọc Hiếu (29 tuổi, quê Gia Lai) với chính người yêu của mình. Chỉ mâu thuẫn do ghen tuông, Hiếu đã giết người tình 27 tuổi sau đó phân xác thành nhiều phần rồi cho vào túi đem đi phi tang xác.
Hai vụ án mạng diễn ra ở hai địa điểm khác nhau nhưng hai nghi phạm đều có một điểm chung là đều thực hiện những hành vi giết người vô cùng tàn ác cho thấy họ không còn tính người.
 Căn nhà nơi nữ sinh Đại học Sân khấu Điện ảnh bị sát hại. Ảnh: Lao động.
Dư luận lo lắng về sự tàn ác này không phải từ số lượng người chết mà chính từ những phương thức, hành vi gây án vô cùng tàn bạo.
Hiếm có vụ án nào, sau khi sát hại nữ sinh đối tượng còn thản nhiên cưỡng bức cô gái và ngủ cùng thi thể cho đến tận ngày hôm sau.
Hiếm có hành vi nào tàn ác hơn, khi kẻ sát hại người tình lại có thể phân xác thành nhiều phần rồi thản nhiên mang đi khắp nơi để phi tang. Đó là những tội ác tày trời khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ.
Vì sao con người ngày càng tàn ác? – Câu hỏi trên không phải đến bây giờ dư luận mới đặt ra. Bởi trước đó, có quá nhiều những vụ thảm án, giết người hàng loạt xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước như thảm án Lê Văn Luyện, thảm án Bình Phước, Nghệ An… từ đồng bằng đến miền núi, từ thành phố đến nông thôn không nơi đâu không xảy ra những vụ án mạng thương tâm.
Mỗi vụ án xảy ra, con người ta lại tự hỏi: “Cái ác từ đâu mà ra”.
Nếu trước đây giết người thường do ẩu đả, thanh toán giang hồ, hận thù cao độ thì nay nhiều vụ lại do những mâu thuẫn vụn vặt, bột phát, không có dự mưu nhưng hành động cực kỳ dã man, tàn ác, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng; giết cả những người không trực tiếp mâu thuẫn trong đó có trẻ em, người già. Thủ phạm thản nhiên, ít ăn năn, run sợ, lương tâm không cắn rứt.
Cái ác từ đâu ra khi vợ chồng, cha con, bạn bè sống rất tình cảm chỉ vì mâu thuẫn bộc phát mà đâm chém lẫn nhau? Cái ác từ đâu ra khi chỉ từ những nguyên nhân nhỏ nhặt như va chạm xe cộ, mâu thuẫn trong lời nói, mâu thuẫn về tiền bạc, tình ái…người ta cũng sẵn sàng cướp đi mạng sống của chính đồng loại của mình? Cái ác từ đâu ra khi chỉ vì ảo giác do sử dụng chất kích thích hoặc để “lấy số”, thậm chí chỉ vì “ngứa tai, ngứa mắt” người ta cũng sẵn sàng đâm chém, cướp đi mạng sống của nhau một cách tàn ác.
Nhưng đến nay, dường như chưa ai có được câu trả lời, chưa cơ quan chức năng nào đưa ra được giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn cái ác khi các vụ án mạng vẫn liên tiếp xảy ra với mức độ nghiêm trọng, hành vi ác độc hơn, gây tâm lý bất an trong xã hội, trở thành nỗi ám ảnh, lo lắng của dư luận xã hội.
Trên thực tế đã chứng minh, giữa cái thiện và cái ác là ranh giới vô cùng mong manh. Những con người vốn được đánh giá hiền lành bỗng nhiên trở thành những người vô cùng tàn ác khi họ không kiềm chế nổi bản thân. Bởi tâm lý tội phạm của những kẻ giết người rất phức tạp. Cái ác lấn át cái thiện khiến cuộc sống vô cùng ngột ngạt, nhiều lo lắng.
Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ án giết người man rợn thương tâm nhưng gốc rễ của vấn đề xã hội này chính là giáo dục, là thực trạng tha hóa, xuống cấp về đạo đức trong xã hội, là sự thiếu thốn về tinh thần và vật chất, tiêu cực trong đời sống ngày càng gia tăng, vấn đề trong nhận thức của một bộ phận người ngày càng buông lỏng lối sống, mất niềm tin và phương hướng nên dễ dàng bị kích động…
Trong khi các cơ quan chức năng không chỉ ngành tư pháp chưa chỉ ra nguyên nhân, giải pháp chặn đứng và phòng ngừa tận gốc tội phạm.
Khi một số cơ quan truyền thông vẫn còn tình trạng khai thác thái quá các tình tiết trong nhiều vụ án nghiêm trọng dẫn đến phản tác dụng của sự tuyên truyền. Khi cha mẹ vẫn dạy con cái lấy cái ác để chống cái ác, thậm chí cha mẹ còn là hình ảnh để cái ác ngự trị trong tâm trí con cái mình. Khi nhà trường còn có tình trạng cô giáo bạo hành học sinh, phụ huynh hành hung cô giáo.
Thì tất cả những thứ đó sẽ là mầm mống sản sinh ra cái ác. Cái ác khi trỗi dậy trong bất cứ con người nào cũng dễ dàng phát sinh tội ác, khiến dư luận bức xúc, lòng người hoang mang.
Điều đáng buồn đến nay, chưa có gì bảo đảm sắp tới cuộc sống của chúng ta bình yên, tội phạm giết người không xảy ra trong nay mai!
Hải Ninh