Xử phạt vi phạm trong giáo dục: Lo ngại bị lạm dụng tạo áp lực cho giáo viên

Google News

(Kiến Thức) -Các chuyên gia giáo dục và ngay bản thân các giáo viên vẫn lo ngại việc xử phạt sẽ bị lạm dụng và làm khó các giáo viên. Bởi vậy đưa ra chế tài xử phạt cũng nên xem xét lực lượng thực thi sẽ ra sao để không gây áp lực với các giáo viên.

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến dư luận. Dự thảo có quy mô xử phạt rất rộng, ở tất cả các khía cạnh, các cấp học một cách toàn diện như xử phạt từ 2 đến 15 triệu về vi phạm dạy thêm, học thêm, trong đó ép học sinh học thêm bị xử phạt từ 8-10 triệu đồng; Xâm phạm thân thể giáo viên, học sinh bị phạt tới 30 triệu đồng…
Trên thực tế, thời gian qua đã xảy ra quá nhiều những chuyện lùm xùm đáng buồn trong ngành giáo dục như bạo hành trong các trường mầm non, phụ huynh đánh giáo viên, ép giáo viên quỳ, cô giáo chửi học sinh là “con lợn”, thầy giáo sàm sỡ học sinh, những vấn đề liên quan đến dạy thêm, học thêm, ép học sinh xúc miệng nước giẻ lau, bắt học sinh liếm ghế…Do vậy, nhiều người cho rằng, quy định xử phạt cũng như nhiều văn bản pháp luật khác nhằm để các chủ thể liên quan đến giáo dục thấy việc không được làm, nếu cố tình làm sẽ bị xử phạt nhằm điều chỉnh các hành vi trong hoạt động giáo dục để đi vào nề nếp, đảm bảo quyền lợi cho người dạy và người học.
Xu phat vi pham trong giao duc: Lo ngai bi lam dung tao ap luc cho giao vien
 Ảnh minh họa.
Ngay khi dự thảo được công bố rộng rãi, đã có không ít ý kiến trái chiều về các quy định trong dự thảo khi đánh trực tiếp vào túi tiền của giáo viên, phụ huynh nhằm để điều chỉnh hành vi của hoạt động giáo dục, nhất là giáo viên và học sinh.
Không ít ý kiến của các giáo viên, các chuyên gia giáo dục lại cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo sẽ làm các giáo viên thêm chán nản và ức chế và sẽ biến họ thành những “cỗ máy” trên bục giảng, giảng đường khi họ buộc phải tìm cách để giữ bản thân mình an toàn.
Có một cô giáo đã chia sẻ rằng, trên lớp học có những học sinh cá biệt, nghịch ngợm, phá phách, không chịu học bài gây tâm lý ức chế cho các học sinh trong lớp và bản thân cô giáo. Để dạy bảo những học sinh này, cô giáo đã phải la mắng, thậm chí có lúc học sinh quá hỗn buộc phải cho một roi vào tay nhưng chiếc roi, câu mắng ấy xuất phát từ tình yêu thương muốn các em thay đổi để học tập tốt, làm người tốt và các phụ huynh rất đồng cảm. Nhưng giờ la mắng học sinh có thể sẽ được coi là xúc phạm danh dự học sinh, đánh nhẹ học sinh có thể bị xem là xâm phạm thân thể học sinh và sẽ bị xử phạt rất nặng gấp nhiều lần số tiền lương nhận được.
Bởi vậy, nếu dự thảo trên có hiệu lực thì vì “miếng cơm manh áo” học sinh có hư, thì cô giáo cũng sẽ chọn cách im lặng, nhẫn nhịn đứng lớp để giữ an toàn và tránh bị xử phạt. Và như vậy, người thiệt thòi sẽ chính là những học sinh. Học sinh cá biệt sẽ ngày càng hư hỏng và các học sinh khác sẽ bị ảnh hưởng khi tâm lý giáo viên không tốt, luôn thường trực những nỗi bất an sẽ khiến chất lượng giáo dục kém đi.
Khác với tâm lý của các giáo viên, nhiều chuyên gia giáo dục khi đọc dự thảo xử phạt trên đều cho rằng, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục như trên là cần thiết bởi những hành vi vi phạm cần phải có chế tài xử phạt nếu chưa đến mức hình sự. Bởi khi xác định hành vi vi phạm mà không có chế tài xử phạt thì sẽ kém hiệu lực, không đủ sức răn đe. Bởi thực tế đã xảy ra nhiều vụ giáo viên mầm non bạo hành học sinh nhưng hành vi không đến mức xử lý hình sự trong khi lại không có chế tài xử phạt bản thân giáo viên đó gây tâm lý bất an cho các bậc phụ huynh. Và việc giáo viên bạo hành học sinh hay phụ huynh, học sinh xâm phạm thân thể giáo viên đều phải bị xử lý như nhau chứ không nên coi môi trường giáo dục là đặc biệt và tất nhiên không có vùng cấm trong xử lý những vi phạm.
Tuy nhiên cũng cần quy định rõ hành vi cụ thể nào được coi là xúc phạm nhân phẩm thân thể giáo viên, học sinh để xử phạt. Nếu giáo viên và người học vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, kiểm điểm, nếu tái phạm, hay mức độ nghiêm trọng thì mới xử phạt. Còn nếu xử phạt tràn lan với những hành vi không cố ý xúc phạm nhân phẩm, thân thể giáo viên và người học sẽ là một sự thất bại. Khi đó, không chỉ không răn đe được mà sẽ gây tâm lý bức xúc cho giáo viên và ngay cả các bậc phụ huynh. Bởi những nhà giáo thường rất nhạy cảm, môi trường giáo dục nên lấy giáo dục làm gốc còn việc xử phạt chỉ xử lý được “phần ngọn” mà không giải quyết được tận gốc vấn đề dù có ngăn ngừa được tiêu cực trong giáo dục.
Ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT khi trả lời báo chí về vấn đề này cho rằng, khi nghị định được ban hành thì sẽ phải tập huấn hướng dẫn để nói rõ mức độ, hành vi cụ thể như thế nào thì bị phạt. Ví như hành vi xúc phạm danh dự có thể là chửi bới, nói to, nhưng khi tập huấn phải chỉ rõ thế nào là xúc phạm danh dự nhân phẩm, thân thể. Ví dụ chửi bới là tác động tinh thần, đánh đập là tác động thân thể. Điều này không có nghĩa là tôi véo tai học sinh một cái hoặc vụt vào tay học trò thì phạt bao nhiêu triệu. Nhưng với những hành vi rõ ràng như dọa cho trẻ vào máy vặt lông gà hoặc thầy cô không bạo hành thân thể học trò nhưng bắt học sinh liếm ghế... như từng xảy ra thời gian vừa qua thì không thể không xử phạt.
Ông Nguyễn Huy Bằng cũng nói rằng, nghị định này rất quan trọng nhưng không phải là "cây gậy vạn năng" giải quyết mọi vấn đề, mà cần phối hợp sử dụng nhiều công cụ quản lý khác. Nghị định cần tuyên truyền sâu rộng để mọi người hiểu, làm đúng theo tinh thần “xử đúng thì tốt, nhưng không phải xử thì tốt hơn”.
Dù vậy, các chuyên gia giáo dục và ngay bản thân các giáo viên vẫn lo ngại việc xử phạt sẽ bị lạm dụng và làm khó các giáo viên. Bởi vậy đưa ra chế tài xử phạt cũng nên xem xét lực lượng thực thi sẽ ra sao để không gây áp lực với các giáo viên.
Thiên Nga