|
Cách đây tròn 72 năm, phát xít Đức đột ngột tấn công Liên Xô.
|
Các tướng lĩnh Đức Quốc xã đã mưu toan tiến hành cuộc chiến chớp nhoáng đánh đến tận thủ đô Moscow trong vòng mấy tháng tấn công tổng lực. Trong tháng đầu tiên, có vẻ như toàn bộ kế hoạch đầy tham vọng ngông cuồng đó sắp trở thành hiện thực. Bất kể sự kháng cự kiên cường của Hồng quân, đến mùa thu năm 1941, quân Đức đã ngấp nghé ở cửa ngõ Moscow. Các sử gia đặt câu hỏi: Liệu khi ấy, Liên Xô có sẵn sàng cho cuộc chiến sinh tử với nước Đức phát xít?
Đương nhiên, Liên Xô đã có chuẩn bị và chuẩn bị khá kỹ lưỡng khả năng chiến tranh với Đức Quốc xã. Nhưng Stalin còn e ngại rằng nếu Liên Xô tập trung lực lượng lớn trên biên giới thì sẽ là động thái khiêu khích Đức.
|
Hitler chắc mẩm "đuổi Stalin ra phía sau dãy Ural" ngay trong mùa thu 1941.
|
Nhà nghiên cứu Natalya Lebedeva của Viện Lịch sử Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) nhận định: “Thế nhưng, quân Đức vẫn tấn công mà chẳng cần có sự khiêu khích. E ngại như vậy là hoàn toàn không đúng. Stalin đã cố gắng xoa dịu Hitler, với hy vọng rằng sẽ ngăn được cuộc tấn công của Đức. Và cuối cùng, sau khi lực lượng Hitler tấn công, Liên Xô còn chưa kịp điều quân đến biên giới và kết quả là kẻ thù tiến đến sát thủ đô Moscow”.
Moscow gọi cuộc tấn công của Đức Quốc xã vào Liên Xô là “sự bội ước”. Nhưng liệu có thể coi đây là hành động bất ngờ? Bởi tình báo quân sự Liên Xô đã chỉ ra những bằng chứng cho thấy Hitler đang chuẩn bị cuộc tấn công Liên Xô. Nhưng những cảnh báo đó đã không được các nhà lãnh đạo Liên Xô chú ý.
Sử gia Vladimir Simindey đứng đầu chương trình nghiên cứu của Quỹ "Ký ức lịch sử" nêu ý kiến: “Quả thực, bất chấp các thông tin tình báo về sự tập trung quân Đức trên biên giới, điện Kremlin vẫn cho rằng sẽ không xảy ra cuộc tấn công vào 22/6/1941. Có thể đây cũng là kết quả hoạt động của chiến lược sai nhiễu thông tin của người Đức”.
|
Đại nguyên soái Stalin biết trước, nhưng không muốn điều quân đến biên giới vì ngại khiêu khích Hitler.
|
Hiện nay, từ phương Tây khởi phát làn sóng xuyên tạc lịch sử, đổ vấy trách nhiệm và muốn biến Stalin thành thủ phạm chính của Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo họ, Stalin từng vạch sẵn kế hoạch tấn công nước Đức, nhưng Hitler đã đi trước một bước.
Nhà nghiên cứu lịch sử Vladimir Simindey nói: “Stalin có phần trách nhiệm trong sự thiếu sẵn sàng của đất nước để nhanh chóng giáng trả quân xâm lược Đức. Tôi nghĩ rằng bản thân ông cũng thấu hiểu điều này. Còn cho rằng Stalin gây chiến là hoàn toàn dối trá. Trái lại, Stalin đã hết sức cố gắng để tránh bất kỳ động thái nào có thể dẫn tới bùng nổ chiến tranh”.
Giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến, những tuần lễ đầu tiên và tháng đầu tiên, là khoảng thời gian khó khăn nhất và bi thảm nhất đối với Liên Xô. Nhưng đến mùa thu 1941, sai lầm của Bộ Tư lệnh Đức đã trở nên rõ ràng. Theo như những tuyên bố ở Berlin, Hitler chắc mẩm "đuổi Stalin ra phía sau dãy Ural" ngay trong mùa thu 1941, bắt đầu chinh phạt Iran, Iraq, Ai Cập, khu vực kênh đào Suez và sau đó tiến đến Ấn Độ. Tuy nhiên, kế hoạch mộng tưởng đó đã tan thành mây khói.
|
Trận đại chiến Stalinrad đã đảo ngược cục diện Chiến tranh thế giới thứ 2.
|
Trận đánh mùa đông 41-42 ở ngoại vi Moscow, tiếp theo là cuộc đại chiến ở Stalingrad và vòng cung Kursk đã đảo ngược cục diện Chiến tranh thế giới thứ II. Chủ nghĩa anh hùng của Hồng quân Liên Xô, tài thao lược của các tướng lĩnh lãnh đạo quân sự Liên Xô đã dẫn đến thực tế là mùa xuân năm 1945, quân đội Liên Xô đã giải phóng thủ đô Berlin của Đức Quốc xã, khiến trùm phát xít Adolf Hitler phải tự tử. Hồng quân Liên Xô đã có công lớn trong việc đánh gục Đức Quốc xã và đưa những tên tội phạm chiến tranh ra trước vành móng ngựa ở Tòa án Nuremberg, ngay trên đất Đức.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Văn Bình (theo VOR)