3 quân sư tài ba nhưng yểu mệnh của Tôn Quyền, Tào Tháo, Lưu Bị

Google News

Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã giới thiệu cho độc giả không ít những nhân tài kiệt xuất. Có những người thành công nhưng cũng có những người đoản mệnh chết yểu, khiến hậu thế không khỏi tiếc nuối.

Chu Du

Chu Du (175 -210) tên tự là Công Cẩn, ông là danh tướng, quân sư và khai quốc công thần của Đông Ngô thời Tam quốc. Chu Du sinh ra trong một đại gia tộc có nhiều người làm quan ở huyện Thư, Lư Giang, An Huy ngày nay. Ông nội của ông là Chu Cảnh và chú là Chu Trung đều làm quan Thái úy (một trong 9 chức quan thời xưa). Cha của ông là Chu Dị từng làm quan huyện lệnh Lạc Dương. Có thể nói, gia tộc Chu Du là một trong những gia tộc hiển hách trong lịch sử Trung Hoa.

3 quan su tai ba nhung yeu menh cua Ton Quyen, Tao Thao, Luu Bi

Chu Du là người văn võ song toàn.

Khi đánh giá về nhân vật này, có ý kiến cho rằng, Chu Du trong lịch sử có thể được xem là một nhân tài vô cùng xuất chúng.

Tuy nhiên Tam quốc diễn nghĩa khi miêu tả trận chiến Xích Bích dường như đã đem công lao quy phần nhiều cho Gia Cát Lượng. Trong khi đó, chiến thắng trong trận đại chiến này thực tế không thể không kể đến vai trò chính của công thần Chu Du.

Cũng trong hồi thứ 52 của Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã đề cập tới cuộc đối thoại của Gia Cát Lượng cùng bộ tướng phe Lưu Hiền là Hình Đạo Vinh.

Bấy giờ, Khổng Minh nói: "Tào Tháo mang trăm vạn quân, bị ta dùng một mẹo nhỏ giết cho không còn mảnh giáp rút về, bọn ngươi địch với ta sao nổi? Nay ta đến chiêu an, sao không hàng đi cho mau?".

Hình Đạo Vinh nghe vậy liền cười lớn đáp trả: "Trận đánh ở Xích Bích là mưu của Chu Du, can gì đến ngươi mà ngươi dám đến đây khoác lác?".

Từ đó có thể thấy, không ít người đều nhìn ra công lao to lớn của Chu Du đối với chiến thắng trong trận đại chiến Xích Bích.

Theo ghi chép trong Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ, Chu Du từ lúc trẻ đã nổi tiếng là người có tướng mạo tuấn tú, thân hình cao lớn, tráng kiện. Không những thế, Chu Du còn có tài năng cả văn và võ. Chu Du từ lúc còn ít tuổi đã tinh thông âm luật, chơi đàn giỏi. Cho dù uống rượu đã ngà ngà say, nhưng chỉ cần người chơi đàn mắc một lỗi nhỏ ông vẫn phát hiện ra. Đồng thời ngay lập tức ông sẽ ngó về phía ấy và chỉ ra lỗi sai.

Không chỉ tinh thông âm nhạc, nho nhã khôi ngô, Chu Du còn có tài năng quân sự phi phàm. Vào những năm cuối Đông Hán, quần hùng khởi binh tranh giành. Phá lỗ tướng quân Tôn Kiên khởi binh thảo phạt quyền thần Đổng Trác của Thiếu Đế và chuyển nhà đến huyện Thư.

Con trai của Tôn Kiên là “tiểu bá vương” Tôn Sách cùng độ tuổi với Chu Du. Hai người họ gặp nhau, có cùng chí hướng nên rất thân thiết, tình cảm như anh em. Chu Du còn cho gia đình Tôn Sách ở dãy nhà phía nam hướng ra đường lớn của nhà mình. Hai nhà cùng giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Về sau này, Chu Du và Tôn Sách hợp binh chinh chiến, đánh đâu thắng đấy, không gì cản nổi, xưng bá ở Giang Đông.

Sau khi Tôn Sách qua đời, Tôn Quyền lên kế vị, Chu Du dường như được xem như một vị thần bảo vệ cơ nghiệp của tập đoàn chính trị này. Tuy nhiên, đáng tiếc cho Đông Ngô, Chu Du tài cao nhưng đoản mệnh.

 

3 quan su tai ba nhung yeu menh cua Ton Quyen, Tao Thao, Luu Bi-Hinh-2

Chu Du qua đời, khi mới 35 tuổi.

Năm 210, Chu Du trở bệnh trên đường trở về Giang Lăng, nhưng vẫn cố gắng đi đến Ba Khâu, kiểm tra khả năng chiến đấu của binh sĩ. Sau khi đại quân Đông Ngô xuất phát không lâu, Chu Du qua đời, khi mới 35 tuổi.

Sau này, khi xưng đế, Tôn Quyền có nhắc đến Chu Du: “Cô phi Chu Công Cẩn, bất đế hĩ” (không có Chu Du thì không thể trở thành hoàng đế như ngày hôm nay).

Quách Gia

Quách Gia thường được xem là một trong những mưu sĩ xuất sắc nhất thời Tam quốc và cả xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, không hề thua kém người đương thời là Gia Cát Lượng. Nếu không mất sớm thì có thể cùng Tào Tháo thống nhất thiên hạ.

 

3 quan su tai ba nhung yeu menh cua Ton Quyen, Tao Thao, Luu Bi-Hinh-3

Quách Gia là một đại mưu sĩ cốt cán thuộc tập đoàn chính trị Tào Ngụy.

Quách Gia (170-207) tự Phụng Hiếu, như nhiều nhân vật khác trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, cũng có những điểm hư cấu so với lịch sử, song mức độ hư cấu không nhiều. Đó quả thật là một vị quân sư có thể “ngồi trong màn trướng quyết việc thắng bại ngoài ngàn dặm”.

Quách Gia vốn người Dương Địch, Dĩnh Xuyên (nay là Ngu Huyện, Hà Nam). Tuổi trẻ ôm chí lớn, khổ học đợi rồng mây, Quách Gia ít giao du với người thế tục, bình tĩnh chờ thời cơ, để mắt tìm chân chủ. Hành tung ấy, xét ra cũng không khác Gia Cát Khổng Minh là mấy.

Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ chép: “Quách Gia thời trẻ chí hướng cao xa. Thời Hán mạt thiên hạ sắp loạn, Gia từ lúc 20 tuổi trốn dấu hình tích, bí mật kết giao với người tuấn kiệt, không tiếp xúc với tục nhân nên người thời ấy đa phần chẳng ai biết, chỉ có bậc thức giả mới biết tài của Gia. Năm 21 tuổi, Gia được triệu vào phủ Tư đồ”.

Về phương diện chính sự, năng lực của ông cũng không hẳn là cao minh. Nhưng xét về mưu lược, cả Tam quốc lúc bấy giờ không mấy người có thể bì kịp vị mưu sĩ họ Quách này.

Đặc biệt là trong trận Quan Độ, thập thắng thập bại luận (bàn về mười điều thắng, mười điều bại) mà Quách Gia đưa ra có thể coi là vô cùng chuẩn xác, cuối cùng đích thực đã đem lại thắng lợi cho Tào Tháo.

Chỉ tiếc rằng ông buông tay trần thế khi mới 37 tuổi. Sự ra đi của Quách Gia đã khiến Tào Tháo thua cuộc trong trận Xích Bích phải đau đớn mà than rằng:

"Nếu Quách Gia còn sống, ta đâu đến nỗi này!".

Qua đó có thể thấy, địa vị của Quách Gia trong lòng Tào Tháo còn quan trọng hơn tất cả số mưu sĩ mà vị quân chủ này có trong tay.

Bàng Thống

Bàng Thống (178-214), tự là Sĩ Nguyên, hiệu là Phượng Sồ là mưu sĩ của Lưu Bị thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là một trong những mưu sĩ bậc nhất của nhà Thục. Tài năng của ông được người đời ca tụng là ngang với cả Gia Cát Lượng. Ông là người góp công lớn trong việc giúp Lưu Bị chiếm đoạt Ích Châu của Lưu Chương.

 

3 quan su tai ba nhung yeu menh cua Ton Quyen, Tao Thao, Luu Bi-Hinh-4

Bàng Thống thường được người đời sau so sánh là tài năng ngang với Khổng Minh.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, Bàng Thống được La Quán Trung miêu tả là một người có tướng mạo xấu xí. Tư Mã Huy kể về Bàng Thống như sau: "Nếu được một trong hai người Ngọa Long (tức Khổng Minh) hoặc Phụng Sồ (tức Bàng Thống) thì có thể định hưng được thiên hạ". Trong trận Lạc Thành, do quá đề cao Gia Cát Lượng, La Quán Trung đã hư cấu sự việc khi viết rằng Khổng Minh đã viết thư cảnh báo cho Bàng Thống.

Nhưng do nghĩ rằng Khổng Minh ghen tị mình nên ông đã phớt lờ bức thư đó. Dẫn đến điển tích Bàng Thống vì muốn Lưu Bị "nhân nghĩa" có cớ chiếm Ích Châu nên đã hi sinh thân mình vờ như bị mai phục bởi quân Trương Nhiệm. Ông đã hy sinh ở gò Lạc Phượng, hưởng thọ 36 tuổi. Bàng Thống là một nhân tài hiếm có trong tay Lưu Bị, đáng tiếc là ông chưa kịp cống hiến gì nhiều đã phải hy sinh thân mình vì nghiệp lớn của chủ công.

Theo Quốc Tiệp/Người Đưa Tin