Cau cảnh
Cây cau có thân thẳng, thanh mảnh trồng trước cửa nhà không chắn ánh sáng hay cản luồng gió mát lành vào nhà. Ngoài ra, loại cây này ít rụng lá nên không cần mất công dọn dẹp. Theo phong thủy, cau cảnh có tác dụng loại bỏ khí xấu. Trồng cau cảnh trước nhà giúp khai thông vượng khí, mang lại may mắn cho gia đình. Không những thế, cây cau còn tượng trưng cho sự cố gắng vươn lên trong cuộc sống, không gục ngã trước khó khăn.
Dừa cảnh
Về mặt khoa học, cây dừa cảnh có tác dụng thanh lọc không khí nhờ khả năng hấp thự xylene và toluene. Còn trong phong thủy, cây dừa cũng có tác dụng mang lại may mắn cho gia chủ, giúp công việc làm ăn diễn ra suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió, phát tài, phát lộc. Giống như cây cau cảnh, cây dừa cảnh ít rụng lá nên không phải mất công dọn dẹp hàng ngày.
Vạn niên thanh
Vạn niên thanh cũng là một loại cây có tác dụng làm sạch không khí. Trong phong thủy, cây vạn niên thanh được cho là có khả năng tạo sự bình yên cho không khí xung quanh ngôi nhà. Vì vậy, trồng cây này sẽ mang đến sự yên tâm, thoải mái cho các thành viên trong gia đình mỗi khi quay trở về nhà. Đặc biệt, trong những ngày Tết, người ta thường mua vạn niên thanh về bày trong nhà để cầu mong sự sung túc, hôn nhân hòa hợp như ý. Tặng loại cây này trong dịp lễ mừng thọ ngụ ý chúc sống lâu trăm tuổi.
Thiết mộc lan
Thiết mộc lan còn được gọi là cây phát tài. Loại cây này có tác dụng hấp thụ các luồng khí xấu, xua đuổi vận đen và đem đến may mắn, tài lộc cho gia chủ. Thiết mộc lan không chỉ có ý nghĩa tốt trong phong thủy mà còn có tác dụng thanh lọc không khí trong nhà.
Tre, trúc
Tre, trúc với thân thẳng, vươn lên cao đại diện cho cốt cách của người quân tử, tượng trưng cho sự rắn rỏi, ý chí kiên cường, bất khuất. Ngoài ra, những cây này còn mang ý nghĩa đất trời trường xuân. Trong đó, cây trúc gần âm với từ "chúc" trong chúc phúc. Theo người xưa, trồng trúc trước và sau nhà sẽ mang lại những điềm tốt lành cho gia đình.
Đại lộc
Cây đại lộc nên trồng trước nhà để tạo điểm nhấn cho không gian sống. Cái tên cũng đã nói lên ý nghĩa của loại cây này. Theo phong thủy, cây đại lộc là biểu tượng của tài lộc và thịnh vượng. Không những thế, loại cây này còn giúp sản sinh và điều hòa những dòng năng lượng tích cực xung quanh nhà.
Cây lan ý
Cây lan ý còn được gọi là cây bạch môn, vĩ hoa trắng, huệ hòa bình. Hoa của cây lan ý có hình trái tim còn tượng trưng cho niềm hạnh phúc của phụ nữ.
Loại cây này không chỉ điều hòa không khí mà còn có tác dụng hấp thụ các chất độc hại như benzen, formandehyl và các chất ô nhiễm khác. Lan ý cũng có tác dụng làm giảm tác hại của các tia bức xạ điện từ phát ra từ các thiết bị điện tử.
Không những thế, theo phong thủy, cây lan ý còn có khả năng hấp thu năng lượng xung khắc trong nhà. Vẻ đẹp dịu dàng, thướt tha của cây lan ý sẽ đem lại sự thư gian, yên bình cho căn nhà.
Ngũ gia bì
Cây ngũ gia bì còn được gọi bằng rất nhiều tên khác nhau như cây sâm non, cây sâm nam, cây chân chim bảy lá... Đây là một loại cây quý có tác dụng đuổi muỗi, làm sạch không khí. Ngoài ra, ngũ gia bì thể dùng để trị bệnh đau khớp.
Theo phong thủy, cây ngũ gia bì đại diện cho sự may mắn, trường thọ. Đặt cây này trong nhà sẽ giúp hút thêm tài lộc, xua đuổi vận xui cho gia chủ.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.
Theo Thanh Huyền/Khoevadep