8 ngôi mộ hoàng đế Trung Quốc bị cướp trắng

Google News

Năm 1928, làng Kim Thôn trải qua một đợt mưa lớn bất thường, nước mưa đã gây ra sụt lún trên diện rộng, làm lộ ra hệ thống cổ mộ ngàn năm tuổi.

Nhắc tới Kim Thôn là nhắc tới nỗi đau không thể nguôi ngoai của ngành khảo cổ Trung Quốc. Ngôi làng tọa lạc tại thị trấn Bình Đông, thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam là một di tích khảo cổ nổi tiếng của Trung Quốc.

Vị trí địa lý đặc biệt nằm trong phạm vi thành cổ của nhà Hán và nhà Ngụy, thuộc điểm cực Bắc của kinh đô nhà Đông Hán, Tào Ngụy, Tây Tấn và Bắc Ngụy đã quyết định giá trị lịch sử, văn hóa to lớn nơi đây.

8 ngoi mo hoang de Trung Quoc bi cuop trang

Trong ghi chép của sách sử, Kim Thôn là nơi đặt một trong ba lăng mộ lớn chôn cất các hoàng đế của nhà Đông Chu (1122 TCN–249 TCN). Làng Kim Thôn từng sở hữu kho báu khảo cổ đồ sộ có giá trị cực lớn nên được ví như một "ngôi làng kho báu".

Các chuyên gia tin rằng có ít nhất 12 vị hoàng đế Đông Chu, bao gồm Chu Uy Liệt Vương, Chu Cảnh Vương, Chu Điệu Vương và Chu Kính Vương được chôn cất tại Kim Thôn. Tuy nhiên, sau này chỉ tìm được 8 ngôi mộ.

Trên thực tế, các lăng mộ của các hoàng đế và vua chúa thời nhà Chu đều có một đặc điểm đó là "bất thụ bất phong" (không một dấu vết).

Điều này có nghĩa sau khi xây dựng lăng mộ, người ta không thêm bất kỳ dấu hiệu nào (trồng cây, xây gò…) để đánh dấu vị trí cho nó. Đặc điểm này quyết định rằng những lăng mộ thời nhà Chu đều rất khó tìm. Theo Sohu, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa khai quật được thêm ngôi mộ nguyên vẹn nào của các hoàng đế triều đại này ngoài có 8 ngôi mộ đặt tại Kim Thôn.

Cổ mộ Kim Thôn bị cướp phá

Ghi chép trong cuốn sách "Ngàn năm đọc một tòa thành" (千年阅一城) do Cơ quan Quản lý Di tích Văn hóa Thành phố Lạc Dương xuất bản năm 2005 đã thuật lại những sự kiện đau buồn tại ngôi làng Kim Thôn.

Cuối mùa hè năm 1928, làng Kim Thôn trải qua một đợt mưa lớn bất thường, nước mưa đã gây ra sụt lún trên diện rộng. Cách ngôi làng khoảng 1,5km về phía đông, mặt đất sụt lún đã bất ngờ tiết lộ hệ thống cổ mộ với 8 ngôi mộ ngàn năm tuổi.

Tin tức về việc phát hiện ra hệ thống mộ cổ đã lan ra nhanh chóng, người dân quanh thành phố Lạc Dương đổ xô đến, vì hiếu kỳ và cũng vì lòng tham. Những người dân thường không hiểu hết giá trị văn hóa lịch sử to lớn của cổ vật mà chỉ đơn thuần nghĩ xem món đồ có thể bán lời lãi bao nhiêu. Từ đây, ngôi mộ chính thức gặp xui xẻo!

8 ngoi mo hoang de Trung Quoc bi cuop trang-Hinh-2

Giữa lúc ngôi mộ bị cướp phá, William White (1873- 1960) một nhà truyền giáo người Canada đã sống ở Trung Quốc được 18 năm vô tình có được tin tức về Kim Thôn. Sử dụng danh nghĩa truyền giáo nhưng thực tế, người đàn ông này thường đi khắp mọi nơi thu thập và giao dịch các cổ vật, di tích văn hóa của người Trung Quốc.

Khi phát hiện ra hệ thống cổ mộ Kim Thôn, William đã cùng Langdon Warner (1881- 1955) một nhà khảo cổ người Mỹ tới đây tìm hiểu.

Trong vòng 4 năm từ năm 1928 đến năm 1932, người này đã khai quật 8 ngôi mộ hoàng đế Đông Chu, lấy đi hàng nghìn cổ vật quý giá. Những cổ vật này được đóng gói chở đến Lạc Dương bằng xe ngựa, rồi bí mật chuyển ra khỏi lãnh thổ Trung Hoa.

Sau này, hàng nghìn cổ vật, di tích văn hóa khác cũng bay biến đi tứ xứ, trong đó có 238 cổ vật may mắn được nhà khảo cổ người Nhật, Umehara Sueji (1893-1983), ghi chép lại cho hậu thế.

Tuy 238 cổ vật này chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng khổng lồ mà người xưa để lại, nhưng nó cũng đã phần nào chứng minh được tinh hoa văn hóa và nghệ thuật của con người Trung Quốc thời bấy giờ.

8 ngoi mo hoang de Trung Quoc bi cuop trang-Hinh-3

Tới khi chính thức được khai quật vào đầu những năm 1960, các nhà khảo cổ Trung Quốc mới ngỡ ngàng nhận ra 8 ngôi mộ của vua Chu đều đã bị cướp phá từ lâu, chỉ còn lại khung mộ trống rỗng đổ nát. Những cổ vật duy nhất thu thập được tại thời điểm đó chỉ là đỉnh Kim Thôn, thước nạm vàng và ấm Mệnh Qua.

Chính vì bị khai quật bừa bãi, không theo đúng quy trình khảo cổ học, không để lại hồ sơ, số lượng và trình tự khai quật, 8 ngôi mộ của hoàng đế nhà Chu đã không thể giữ được giá trị ban đầu. Đây chính là tổn thất to lớn không thể phục hồi đối với ngành khảo cổ Trung Quốc, phủ bóng đen lên cả một thời kỳ lịch sử của quốc gia này.

Theo Gia đình và Xã hội