An Dương Vương có nỏ thần nhưng ai mới là người chế ra nó?

Google News

Nhiều người cho rằng câu chuyện về nỏ thần được thần Kim Quy ban tặng cho An Dương Vương chỉ là hư cấu.

Cao Lỗ (? – 179 trước Công nguyên) còn gọi là Cao Nỗ, Cao Thông, Đô Lỗ, Thạch Thần, hay Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, quê quán tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với bối cảnh dựng nước thời Hùng Vương- An Dương Vương.

Tương truyền, ông là người chế ra nỏ liên châu (bắn được nhiều mũi tên một phát) mà còn được gọi là nỏ thần. Ông là người khuyên Thục An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô và là người được An Dương Vương giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa.

An Duong Vuong co no than nhung ai moi la nguoi che ra no?

Khi Triệu Đà lập xảo kế thông gia cho con trai là Trọng Thủy lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu chính Cao Lỗ là người phản đối, khuyên vua không nên nhận. Tuy nhiên, chẳng những An Dương Vương không nghe mà còn nghe lời dèm pha của Lạc hầu. Cao Lỗ dần dần bị vua xa lánh, ông bỏ đi tìm nơi ở ẩn.

Sau khi Trọng Thủy biết được bí mật phòng thủ của An Dương Vương và về mách cho vua cha, Triệu Đà mang quân sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương thua chạy. Quân Triệu đuổi theo. Cao Lỗ biết tin, ra đón đường chặn đánh quân Triệu cho vua chạy thoát nhưng do Mỵ Châu tin lời của Trọng Thủy, rải lông ngỗng theo sau để Trọng Thủy lần theo nên cả hai đã chết.

Theo dân gian, khi bị thương nặng ở cổ, tướng quân Cao Lỗ đã buộc lại và thúc ngựa tới Ái Mộ (xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm ngày nay) nghỉ một lát rồi chạy tiếp về vùng Bình Than, Lục Đầu, được ít lâu sau ông qua đời.

Ghi nhớ công ơn của tướng Cao Lỗ, người dân Đại Than (nay là xã Cao Đức), huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã lấy ngày sinh và ngày mất của ông là ngày 10/3 và ngày 4/4 âm lịch hàng năm làm ngày khai mạc lễ hội tại đền Cao Lỗ vương. Dòng họ Cao ở thôn Đại Than chính là con cháu của ông.

Năm 1959, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng vạn mũi tên đồng Cổ Loa. Qua phân loại cho thấy, mũi tên đồng Cổ Loa gồm nhiều loại dài, ngắn khác nhau nhưng đều có chung đặc điểm: đầu hình tháp 3 cạnh sắc tạo độ sát thương lớn và phần chuôi dài có tác dụng giảm lực ma sát, giữ thế cân bằng cho đường bay ổn định, đảm bảo độ chính xác tới đích bắn. Đáng chú ý, chỉ có khoảng một phần tư số mũi tên đã được tu chỉnh để sử dụng, ba phần tư còn lại là mũi tên mới ra khuôn, còn nguyên dấu vết của kỹ thuật đúc. Bởi vậy, đây có thể là kho cất giữ mũi tên vừa đúc xong, đang trong quá trình gia công để sử dụng. Do biến cố lịch sử, toàn bộ số mũi tên này được chôn giấu trong lòng đất Cổ Loa.

Chủ nhân của mũi tên ba cạnh được xác định là của người Việt sống vào thời An Dương Vương. Cuộc khai quật của các nhà khoa học diễn ra trong thành nội của thành Cổ Loa còn tìm được lò đúc, khuôn đúc mũi tên đồng.

Với hệ thống lò đúc, khuôn đúc và số lượng lớn mũi tên đã phát hiện cho thấy đây vừa là một xưởng đúc lớn, vừa được tổ chức quản lý chặt chẽ của tổ chức xã hội cao nhất đương thời.

Theo Trần Thu Thủy/ Khoevadep