Trong những năm cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, thiên hạ loạn lạc, anh hùng hào kiệt nổi lên khắp nơi. Không chỉ có các mưu sĩ, quân sư, nhiều danh tướng, võ tướng cũng xuất hiện trong thời kỳ lịch sử này. Trong số đó, Quan Vũ là một trong những nhân vật tiêu biểu nhất.
Quan Vũ và Trương Phi đi theo Lưu Bị ngay từ những ngày đầu lập nghiệp.
Ngay từ đầu, Quan Vũ đã lựa chọn đi theo Lưu Bị, một người được coi là hậu duệ Hán thất và sau này trở thành vị quân chủ đầu tiên của nhà Thục Hán. Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi là huynh đệ kết nghĩa có mối quan hệ rất tốt. Quan Vũ và Trương Phi được đánh giá là những võ tướng có sức địch vạn người, hổ thần một thời. Cả hai luôn hết lòng phò tá và bảo vệ cho Lưu Bị trong quá trình xây dựng cơ nghiệp đầy chông gai.
Thế nhưng cách giải quyết hay ứng biến với các tình huống nguy hiểm mà Quan Vũ và Trương Phi gặp phải lại không giống nhau. Theo đó, Trương Phi mỗi lần gặp nguy hiểm đều có thể giải quyết và tìm được đường thoát thân. Trong khi đó, Quan Vũ từng hai lần bị quân địch bắt sống.
Điều kỳ lạ rằng với võ nghệ và khả năng chiến đấu của Quan Vũ thì làm sao có thể cam tâm bị quân địch bắt sống? Đứng trước 2 tình huống vị vây bắt, với người có tính cách kiêu ngạo như Quan Vũ, ông có thể đột kích phá vòng vây hoặc tự sát. Tuy nhiên, thay vì chọn một trong hai cách trên, Quan Vũ lại tình nguyện để quân địch bắt sống. Nguyên nhân vì sao?
Lần thứ nhất: Quan Vũ tạm đầu hàng Tào Tháo
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, vào năm 200, Tào Tháo mang quân đánh Lưu Bị ở Từ Châu. Đại quân của Tào Tháo khiến quân của Lưu Bị thua chạy tan tác. Lưu Bị thua trận nên phải chạy sang Hà Bắc để nương nhờ Viên Thiệu, Trương Phi thì trốn về Nhữ Nam. Trong khi đó, Quan Vũ bị các tướng của Tào Ngụy là Hạ Hầu Đôn, Từ Hoàng và Hứa Chử bao vây ở Thổ Sơn. Ban đầu, Quan Vũ thà chết chứ không chịu hàng. Sau đó, nhờ có Trương Liêu thuyết phục, Quan Vũ đưa ra "ước pháp tam chương" (giao hẹn 3 điều) với Tào Tháo. Vì lòng ái mộ nhân tài nên Tào Tháo đã chấp nhận.
Quan Vũ tạm đầu hàng Tào Tháo để bảo đảm an toàn cho gia quyến của Lưu Bị.
Sau trận chiến này, Tào Tháo không những giành thắng lợi mà còn bắt được thê thiếp của Lưu Bị và có được Quan Vũ đem về. Quan Vũ cũng tạm thời đầu hàng Tào Tháo và trở thành một trong những võ tướng tài giỏi nhất dưới trướng của vị quân chủ này.
Trong chính sử, Quan Vũ thực sự đã bị Tào Tháo bắt sống. Nếu tuần theo nguyên tắc "trung thần không phục hai chủ" thì chắc chắn Quan Vũ sẽ không chịu đầu hàng. Thế nhưng, lúc bấy giờ, Quan Vũ lại lựa chọn tạm thời đầu hàng, thay vì tự sát hoặc phá vỡ vòng vây. Sự lựa chọn này của Quan Vũ quả thực là một điều bí ẩn.
Sở dĩ Quan Vũ không thoát ra khỏi vong vây của đại quân Tào ở Hạ Bì có thể là do võ tướng này đảm nhận nhiệm vụ chặn hậu, giúp Lưu Bị trốn thoát thành công. Quan Vũ phải đảm bảo rằng Lưu Bị có thể trốn thoát thành công và sau đó mới tính đến việc rút lui. Đáng tiếc, chênh lệch lực lượng giữa hai bên quá lớn. Hơn nữa, Tào Tháo lại vượt trội về tài thao lược và mưu trí. Do vậy, Quan Vũ không còn đường lui, bị bắt. Để bảo đảm an toàn cho gia quyến của Lưu Bị, ông đành phải tạm đầu hàng Tào Tháo.
Sau khi bị Tào Tháo bắt và theo về Hứa Xương, Quan Vũ không chọn cách tự sát là vì muốn giữ lại tấm thân hữu dụng của mình để sau này giúp Lưu Bị phục hưng Hán thất. Vị tướng này quả quyết rằng sau khi biết được tung tích của Lưu Bị thì sẽ lập tức rời khỏi Tào Tháo và Tào doanh. Điều này Tào Tháo cũng sớm nhìn ra.
Lần thứ hai: Quan Vũ bị bắt sống ở Phàn Thành
Quan Vũ và con trai bị quân Đông Ngô bắt sống và sau đó chém đầu vào đầu năm 220.
Trong giai đoạn sau của trận Tương Dương – Phàn Thành, Lã Mông (tướng của Đông Ngô) tấn công bất ngờ để chiếm Kinh Châu. Sau khi biết chuyện, Quan Vũ vội vã chạy về Mạch Thành. Thế nhưng, khi chạy tới Lâm Thư, Quan Vũ lại bị tướng Đông Ngô là Chu Nhiên và Phan Chương chặn đường phục kích. Quan Vũ bị bắt sống tại đây. Đầu năm 220, Quan Vũ bị chém đầu, Kinh Châu hoàn toàn thất thủ.
Khác với lần trước, rõ ràng trong lần này, Quan Vũ muốn thoát khỏi vòng vây, tới Ích Châu để gặp Lưu Bị. Danh tướng này muốn dẫn đại quân từ Ích Châu phản công để giành lại Kinh Châu. Tuy nhiên, sự thật là Quan Vũ lúc này đã già và không còn dũng mãnh như xưa. Vì vậy, ông không thể thoát khỏi thế "thập diện mai phục" do Lã Mông bày ra và cuối cùng bị bắt sống.
Vì sao Quan Vũ không tự sát?
Sau khi bị quân Đông Ngô bắt sống, Quan Vũ có đủ thời gian để tự sát. Vì sao, danh tướng này lại không làm như vậy? Hóa ra là có 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, địa vị của Quan Vũ ở Thục Hán tương đối lớn. Ông là tướng trấn thủ Kinh Châu và còn là vị tướng vang danh trong Tam Quốc. Do đó, theo lẽ thường, nếu bị bắt sống, Quan Vũ cũng sẽ không bị xử tử. Tôn Quyền có thể dùng Quan Vũ để cùng thương lượng, tranh giành lợi ích với Lưu Bị.
Thứ hai, Quan Vũ hy vọng sẽ tìm được cơ hội để trốn thoát giống như lần đầu tiên bị bắt sống.
Nhưng điều mà Quan Vũ không ngờ tới là Tôn Quyền lại nhẫn tâm hạ lệnh chém đầu. Lúc sinh thời, Quan Vũ không khéo léo trong việc xử lý về quan hệ ngoại giao với Tôn Quyền. Điều này dần dà khiến vị quân chủ của Đông Ngô bí mật tấn công một cách tàn nhẫn khiến Quan Vũ không kịp trở tay và cuối cùng dẫn tới kết cục chết thảm.
Theo PV/ Thể thao và Văn hóa