Cuộc đời sóng gió của vợ chồng đại văn hào Fitzgerald

Google News

Francis Scott Fitzgerald là một trong những tài năng văn chương kiệt xuất của nước Mỹ nửa đầu thế kỷ 20.

Mùa hè năm 1918, khi đại chiến thế giới thứ nhất vừa chấm dứt, Francis Scott Fitzgerald lúc đấy là một trung úy trẻ mới 22 tuổi, được chuyển về một căn cứ quân sự ở thành phố Montgomery thuộc miền Nam nước Mỹ.
Trước kia, gia đình của Scott vốn rất khá giả nhưng sau đó sa sút do người cha làm ăn thất bại. Hồi còn là một sinh viên ở đại học Princeton, Scott có thiên phú về văn chương và có ý định nhờ vào văn chương để lập thân nhưng hoàn cảnh lúc bấy giờ chưa cho phép anh làm việc đó.
Một buổi tối tháng 7, trong một dạ vũ, Scott bỗng chú ý đến một thiếu nữ có cung cách khác hẳn các cô gái khác. Cô gái hút thuốc lá, có điệu bộ rất nhí nhảnh, thu hút và khiêu vũ rất tuyệt vời. Đó là Zelda Sayre, con gái rượu của ông Anthony Dickinson Sayre, một vị quan tòa rất được mọi người ở Montgomery kính trọng.
Năm ấy, Zelda chưa đến 18 tuổi, xinh đẹp rực rỡ như một bông hoa nên vừa trông thấy, Scott đã bị hút hồn. Scott mời cô khiêu vũ. Ngay từ những bước đầu tiên của điệu valse, định mệnh đã buộc chặt hai con người trẻ tuổi ấy vào nhau.
Cuoc doi song gio cua vo chong dai van hao Fitzgerald
Vợ chồng văn hào Francis Scott Fitzgerald. 
Lúc hiệp ước đình chiến được ký kết, Scott xin ra khỏi quân đội và đến New York làm việc cho một công ty quảng cáo. Zelda vẫn ở lại Montgomery cách New York hơn 1.000km. Trước khi đi New York, Scott đã cầu hôn Zelda. Gia đình cô gái ngần ngừ, thấy chàng rể tương lai của họ chỉ là một anh chàng lông bông chưa có tài sản, chưa có địa vị gì vững chắc. Bởi thế Scott cố hết sức để kiếm ra tiền. Từ New York, Scott thường xuyên viết thư động viên Zelda yên tâm: “Thế nào rồi anh cũng sẽ thành công, cũng sẽ kiếm được thật nhiều tiền để đảm bảo cho em một cuộc sống giàu sang đầy hạnh phúc”.
Nhưng sự thành công không đến ngay như Scott mơ ước. Các bản thảo của một trong những tài năng văn chương kiệt xuất của nước Mỹ, nhà xuất bản nào cũng từ chối. Nhiều tháng như thế trôi qua và Zelda bắt đầu nghĩ đến việc giao du với những chàng trai khác con nhà giàu, mà Zelda biết, nếu đưa về nhà giới thiệu thì ông bố sẽ gật đầu ngay. Cô rất thất vọng về Scott, cho Scott biết là muốn hủy bỏ lời hứa hôn. Thế nhưng vận may đã đến đúng lúc. Cuốn truyện đầu tay của Francis Scott Fitzgerald - This Side of Paradise, vừa được một nhà xuất bản nhận mua. Rồi Scott tiếp tục viết thêm nhiều truyện ngắn cho các tuần báo và tạp chí. Với những đôla nhuận bút đầu tiên, Scott mua một cây quạt kết bằng lông chim quý gửi về Montgomery tặng người yêu.
Cuối cùng, vào ngày 3/4/1920, lễ cưới của cặp đôi được cử hành tại thánh đường Saint Patrick ở New York. Bạn bè của chàng rể và mấy người chị của cô dâu đều đến dự, chỉ có cha mẹ của cô dâu là không đến.
Lúc này, con đường đi vào sự nghiệp văn chương của Scott Fitzgerald ngày càng mở rộng ra. Những truyện ngắn của Scott Fitzgerald bán rất chạy, độc giả náo nức tìm đọc và hãng phim Metro Goldwyn Mayer pictures xin mua bản quyền để làm phim.
Để ăn mừng sự kiện bất ngờ này, Scott mua tặng Zelda một chiếc đồng hồ đeo tay bằng bạch kim có nạm kim cương. Từ đấy, đối với Zelda và Scott, mỗi ngày đều là một lễ hội không dứt với những cuộc vui kéo dài thâu đêm suốt sáng.
Cuoc doi song gio cua vo chong dai van hao Fitzgerald-Hinh-2
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ trải qua nhiều bi kịch. 
Năm 1921, Zelda hạ sinh con gái đầu lòng nhưng hai vợ chồng vẫn mải mê với thú ăn chơi, tiêu khiển như trước. Bao nhiêu tiền Scott Fitzgerald kiếm được vơi nhanh, nợ nần chồng chất, ông phải viết không ngừng để cứu vãn tình hình tài chính của gia đình. Tuy vậy, không phải lúc nào cũng gặp vận may, vở kịch A big bag của Scott khi đưa ra trình diễn ở khu kịch nghệ Broadway chỉ có rất ít khán giả. Cho là thành phố New York không còn ưa chuộng mình nữa, Scott và Zelda quyết định sang châu Âu.
Đến Paris, họ được giới văn nghệ sĩ ở đó mừng rỡ tiếp đón một cách thân tình. Những lúc không đi chơi với bạn bè thì Scott viết văn, còn Zelda thì không có việc gì để làm và bắt đầu có mối quan hệ với người đàn ông khác. Giữa đôi vợ chồng trẻ những cơn sóng gió bắt đầu nổi lên.
Để tìm quên, Scott vùi đầu trong tập bản thảo còn dở dang của The Great Gatsby, viết miệt mài suốt đêm không ngủ. Zelda cũng chán ngấy cảnh sống nhờ vào cái bóng che chở của Scott nên nhiều lúc cáu bẳn và ghen tuông. Không khí giữa đôi vợ chồng càng ngày càng căng thẳng nên sau đấy cả hai rời Pháp trở về Mỹ.
Lần này, Scott tìm đến Hollywood, chọn nghề viết kịch bản phim để thử vận may. Năm 1925, tiểu thuyết The Great Gatsby được xuất bản nhưng bán không chạy lắm. Scott thất vọng và cay đắng, uống rượu từ sáng đến tối. Về phần mình, Zelda đang tìm cách thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Scott. Lúc bấy giờ Zelda đã 27 tuổi, và có ý định trở thành nữ vũ công múa ba lê, theo học hết những lớp dạy múa ở Mỹ đến những lớp dạy múa ở Paris, vì chỉ ít lâu sau khi thất bại ở Hollywood, Scott lại cùng Zelda sang Paris sinh sống.
Lúc cả hai đang ở trên đất Pháp thì xảy ra cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929. Thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ và đôi giai nhân tài tử Scott và Zelda cũng sụp đổ theo. Zelda bị rối loạn tinh thần, trở nên điên dại, phải vào điều trị trong một bệnh viện tâm thần ở Thụy Sĩ đến hơn một năm trời.
Sau đó, cả hai lại trở về Mỹ. Nhiều lần Zelda phải vào nằm trong các bệnh viện tâm thần, còn Scott thì viết ngày viết đêm để có tiền trang trải thuốc men và viện phí nên sức khỏe sa sút dần.
Tuy nhiên đến phút cuối cùng, Scott vẫn trung thành và hết lòng với vợ. Ông luôn viết thư cho Zelda và tuần nào cũng vào bệnh viện thăm hỏi sức khỏe của bà. Tháng 4/1940, Scott còn đưa Zelda đi du lịch Cuba.
Ngày 21/12/1940, Scott Fitzgerald mất ở Hollywood. Tám năm sau, đến lượt Zelda mất trong một vụ hỏa hoạn ở bệnh viện tâm thần mà bà đang nằm điều trị. Trong nghĩa trang Rockville ở bang Maryland, Zelda được nằm bên cạnh Scott Fitzgerald. Trên tấm bia trước mộ của hai người có khắc một câu cuối cùng trích trong tác phẩm The Great Gatsby: “Cuộc đời của chúng ta là như thế, bởi vì chúng ta là những con thuyền phải chống chọi với cơn thủy triều lúc nào cũng lôi cuốn chúng ta trở về quá khứ”.
Theo Lao Động