Dừng đấu giá 12 đạo sắc phong rao bán ở Trung Quốc

Google News

Ngày 19/4/2023, Đại diện Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải thông báo đã yêu cầu tạm dừng đấu giá 12 đạo sắc phong có khả năng có nguồn gốc của Việt Nam.

Hãng đấu giá Dương Minh Thượng Hải đã hủy phiên đấu giá 12 đạo sắc phong có khả năng có nguồn gốc của Việt NÂm dự kiến diễn ra ra vào ngày 22/4. Hiện thông tin liên quan về phiên đấu giá các đạo sắc phong, chủ yếu của vua thời Nguyễn không còn trên website của công ty này.
Đây là kết quả nỗ lực phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trước đó, vào ngày 17/4, đại diện Cục Văn hóa Di sản cho biết đã nhận được văn bản từ tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương xác nhận hiện vật được rao bán tại Trung Quốc là các sắc phong bị đánh cắp. Trước đó, Cục đề nghị các địa phương xác minh tính xác thực của sắc phong, xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích, bảo tàng và địa điểm liên quan.
Đến ngày 18/4, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị phối hợp, hỗ trợ triển khai các bước tiếp theo. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải đã làm việc với các cơ quan chức năng liên quan, đề nghị dừng cuộc đấu giá và cung cấp thông tin về các sắc phong.
Vào ngày 19/4, đại diện Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải thông báo yêu cầu dừng đấu giá 12 đạo sắc phong có khả năng có nguồn gốc của Việt Nam và sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xác minh thông tin.
Dung dau gia 12 dao sac phong rao ban o Trung Quoc
Sắc phong thần được hãng đấu giá giới thiệu của vua Thiệu Trị, ban năm 1844. Ảnh: Yangming Auction 
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với Bộ VH-TT-DL và các cơ quan, địa phương liên quan để theo sát vụ việc và có các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam và Trung Quốc cùng là thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa. Công ước này là một công cụ pháp lý quan trọng để cộng đồng quốc tế nói chung và các nước thành viên có thể hạn chế, tiến tới ngăn chặn việc buôn bán trái phép tài sản văn hóa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì làm việc với UNESCO và các tổ chức, cơ quan liên quan của Trung Quốc thông qua đàm phán ngoại giao bằng việc thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 để có thể hồi hương các hiện vật sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam được nhập khẩu bất hợp pháp vào Trung Quốc.

Mời độc giả xem video: Viện nghiên cứu Hán Nôm đang tìm kiếm 25 cuốn sách cổ biến mất khỏi kho lưu trữ. Nguồn: THĐT1.


Tâm Anh (TH)