GS. TS. Trương Đình Dụ: “Sơn Tinh” ra tay có ngay... đập ngăn mặn lớn nhất ĐNA

Google News

Sự ra đời của công nghệ đập trụ đỡ và đập sà lan đã giúp tiết kiệm ngân sách hàng nghìn tỉ đồng. Cha đẻ của hai công nghệ đột phá này là GS.TS. Trương Đình Dụ, người được coi là "Sơn Tinh" của ngành thủy lợi. 

Cụm công trình ngăn sông: Đập trụ đỡ và đập sà lan do GS.TS. Trương Đình Dụ và các nhà khoa học của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh bởi những đóng góp đặc biệt xuất sắc về khoa học thủy lợi của đất nước. Cụm công trình đã mở ra một hướng đi mới, mở ra “một trường phái học thuật mới trong lĩnh vực công trình ngăn sông”.
GS. TS. Truong Dinh Du: “Son Tinh” ra tay co ngay... dap ngan man lon nhat DNA
 GS. TS. Trương Đình Dụ được mệnh danh là "Sơn Tinh" của ngành thủy lợi.
Cha đẻ của hai công nghệ này là GS.TS. Trương Đình Dụ, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
GS.TS. Trương Đình Dụ sinh năm Mậu Dần 1938, quê ở Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Lớn lên ở vùng quê nghèo khó, hầu như các bữa cơm đều phải độn thêm khoai, sắn, thấu hiểu cuộc sống cơ cực của người dân, nên chàng trai trẻ Trương Đình Dụ quyết tâm đi theo ngành thủy lợi.
Không cần bàn đáy
Trước đây, khi xây dựng các đập thủy lợi, các kiến trúc sư thường sử dụng bàn đáy, bởi nó có 3 tác dụng: chống xói mòn, chống thấm và là nơi chịu đựng chung cho cả công trình. “Nhưng tôi thay đổi hoàn toàn: làm cống không cần bàn đáy, còn chịu lực là các cột trụ, thi công không cần dẫn dòng và trải thảm đá chống thấm. Đây là sự thay đổi lớn so với cách làm cũ trước đây” GS.TS. Trương Đình Dụ cho hay.
Năm 1996, ông cùng đồng nghiệp Viện Khoa học thủy lợi làm thử nghiệm cống sông Cui (Long An).
Sông rộng 15 m, lòng sông sâu và nhiều bùn, khi triều lên làm ngập gần hết hàng dừa nước ven sông. Thấy ông và đồng nghiệp mò mẫm ở lòng sông, nhiều người không tin nước mênh mông có thể thi công được, nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện.
GS. TS. Truong Dinh Du: “Son Tinh” ra tay co ngay... dap ngan man lon nhat DNA-Hinh-2
 GS.TS. Trương Đình Dụ (bên phải) là cha đẻ của hai công nghệ nổi tiếng Đập trụ đỡ và đập sà lan.
Phương án của ông là thi công ngay giữa lòng sông, các trụ đỡ của đập được xây trong khung vây ván thép, các dầm đáy được lắp ghép trong dòng chảy, không cần chặn dòng và dẫn dòng sông theo cách cũ trước đây. Thảm đá chống xói được thả trực tiếp xuống dòng chảy. Nhờ đó, tiết kiệm quỹ đất, vốn đầu tư khoảng 30-40%, đặc biệt là không làm thay đổi cảnh quan môi trường. Cống sông Cui đã hoàn thành đúng thời hạn, sau gần 17 tháng thi công.
Đập được đánh giá là công trình ngăn mặn lớn nhất Đông Nam Á. Từ đó, về sau hàng loạt các công trình ngăn sông được xây dựng bằng công nghệ đập trụ đỡ như: công trình sông Dinh, Ninh Thuận; đập Hiền Lương, Quảng Ngãi, cống Cầu Xe, Hải Dương…
Thả cống di chuyển trên dòng sông
Công nghệ đập trụ đỡ có nhiều ưu thế so với công nghệ truyền thống, nhưng hạn chế là phải mở công trường thi công trên hiện trường trong khi việc giải phóng mặt bằng để triển khai máy móc thi công khó khăn.
Đối với công trình trên sông lớn thì thuận lợi, còn đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống kênh ngòi chằng chịt, hai bên bờ người dân sống rất đông đúc. Chính điều này khiến ông lại nảy ra ý tưởng xây dựng công nghệ đập sà lan.
Tuy nhiên, từ 1995-2003, GS.TS Trương Đình Dụ đi mời chào nhiều địa phương nhưng không được chấp thuận với nhiều người e ngại cái mới, sợ rủi ro cao. Năm 2003, may mắn đã mỉm cười khi tỉnh Bạc Liêu đồng ý thi công thí điểm ở 2 cống là cống Phước Long, huyện Phước Long dài 12 m và cống Thông Lưu huyện Hồng Dân, cách nhau 10km.
Khác với cách xây cống truyền thống là chờ mùa khô, nắng ráo mới xây dựng, công nghệ đập sà lan lại xây khi mùa mưa để nước sông đầy, thuận tiện cho việc thả cống di chuyển trên dòng sông. Hơn một năm thi công, hai công trình hoàn thành với số tiền là 2,3 tỉ/ cống, rẻ hơn vốn cấp ban đầu là 10 tỉ/cống.
Lý giải điều này, GS. TS. Trương Đình Dụ cho biết: ưu điểm nổi bật của đập xà lan là khối luợng xây lắp giảm tới 50% so với công nghệ truyền thống và do tận dụng được nền đất tự nhiên nên có thể giảm việc đầu tư xử lý nền tới 70%. Vì vậy, giá thành công trình chỉ bằng khoảng 50% so với công nghệ truyền thống với cùng điều kiện so sánh.
Hy sinh tất cả cho hướng đi đã chọn
Ngoài hai công nghệ trên, GS.TS. Trương Đình Dụ là tác giả của có nhiều công trình nghiên cứu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng phát minh sáng chế như Cửa van cánh cửa tự động, đập thuyền, đập bản dầm…
Nói về những thành công của mình, GS.TS. Trương Đình Dụ cho biết đầu tiên là phải chọn được cho mình một hướng đi. Khi chọn được hướng đi rồi thì phải có một quyết tâm rất cao, gạt ra những hấp dẫn khác để tập trung cho mục tiêu này.
Ngoài ra, điều đặc biệt quan trọng là sự mày mò, sáng tạo dám nghĩ dám làm để tìm ra cái mới và đặc biệt phải phải hy sinh tất cả cho hướng đi đã chọn.

Mời độc giả xem video:Phổ điểm thi tốt nghiệp giữ ổn định. Nguồn:  THDT.


Sơn Hà (TH)