Vì sao các bức tượng Hy Lạp cổ thường khỏa thân?

Google News

Một điều nhiều người nhận thấy là, các bức tượng cổ Hy lạp đang được trưng bày tại các bảo tàng trên khắp thế giới hầu như luôn trong trạng thái khỏa thân. Và lí do cho điều này khá đặc biệt.

Vi sao cac buc tuong Hy Lap co thuong khoa than?

Bức tượng Discobolos nổi tiếng khắc họa một người đàn ông ném đĩa trong trạng thái khỏa thân. Ảnh: Daily Mail

Cách đây khoảng 2.500 năm, một cuộc cách mạng trong lĩnh vực văn hóa đã xảy ra ở Hy Lạp cổ đại. Chế độ dân chủ chào đời ở Athens. Các kiệt tác bi kịch và hài kịch đầu tiên được viết nên ở đây và các bức tượng cũng được chạm khắc giống đời thực hơn trước đó.

Và điều lạ thường hơn là, hầu hết các bức tượng nói trên đều được khắc tạc trong trạng thái khỏa thân, từ những chiến binh chết trong trận chiến Trojan, đến các vận động viên đang ném đĩa hay các nữ thần đang bước vào bồn tắm.

Ngày nay, chúng ta coi các bức tượng Hy Lạp khỏa thân là điều tất yếu. Nhưng vào thời điểm ra đời các bức tượng này, người Athens đã phá vỡ một điều vô cùng cấm kỵ.

Các sản phẩm nghệ thuật của những nền văn minh trước đó tất nhiên cũng khắc họa các hình người khỏa thân, chẳng hạn như một phiến đá chạm trổ có niên đại từ năm 730 trước Công nguyên ở Nimrud thuộc vương quốc Assyria cổ xưa (Iraq ngày nay). Dẫu vậy, trên phiến đá Nimrud, hình người không mảnh vải che thân là các kẻ thù của Assyria, trông xanh xao và bị trói vào cọc. Một số người khỏa thân khác thì bị chặt đầu, trong khi những người Assyria chiến thắng đều mặc quần áo.

Có một sự khác biệt then chốt trong các nền văn minh tồn tại trước nền văn minh của người Hy Lạp. Đối với họ, tình trạng khỏa thân là biểu hiện của sự yếu đuối, sự thua trận hay cơ thể người bị sỉ nhục. Ngược lại, người Hy Lạp là những người đầu tiên coi sự khỏa thân là biểu hiện của trạng thái anh hùng.

"Đối với người Hy Lạp, tình trạng khỏa thân không phải là sự sỉ nhục mà tượng trưng cho đạo đức đối với các công dân nam ưu tú trong xã hội. Khi một chàng thanh niên cởi bỏ quần áo để thi đấu trong các hội thi Olympic thời cổ đại, anh ta không được coi là đơn thuần trần truồng trước các đối thủ, mà đang khoác lên mình đồng phục của sự ngay thẳng, công bằng", Neil MacGregor, giám đốc Bảo tàng Anh giải thích.

Tất nhiên, không phải lúc nào người Hy Lạp cổ cũng chuộng sự khỏa thân, nhưng trong các phòng tập thể dục, họ có thói quen trút bỏ xiêm y. Trong thực tế, từ "gym" chỉ phòng tập thể dục, có nguồn gốc từ "gymnos", nghĩa là "khỏa thân" trong tiếng Hy Lạp.

Vi sao cac buc tuong Hy Lap co thuong khoa than?-Hinh-2

Tượng thần vệ nữ Aphrodite. Ảnh: Daily Mail

Một chiếc bình cổ, năm 530 trước Công nguyên của Athen khắc họa 4 vận động viên - một người nhảy xa, 2 người ném lao và một người ném đĩa - đều trong trạng thái khỏa thân. Và bức Discobolos, vốn được nhiều coi là tác phẩm điêu khắc thuộc loại nổi tiếng nhất của Hy Lạp, cũng miêu tả một người ném đĩa trong trạng thái không mảnh vải che thân. Tất cả các vận động viên che phủ cơ thể họ không phải bằng quần áo hay vải vóc, mà là dầu ôliu trộn lẫn với bụi đất, một dạng kem chống nắng sơ khai nhằm bảo vệ họ trước mặt trời Địa Trung Hải chói chang khi luyện tập bên ngoài.

Các chuyên gia hiện vẫn chưa biết rõ tại sao những vận động viên thi đấu trong các kỳ Olympic thuở ban đầu lại khỏa thân. Tuy nhiên, một số người cho rằng, nó bắt nguồn từ một sự kiện hy hữu, khi một vận động viên chiến thắng cuộc thi chạy 200m sau khi để mất quần và các đối thủ đã nhanh chóng bắt chước anh ta.

Một giả thuyết khác lại nhận định, tình trạng khỏa thân phản ánh một nghi thức cổ xưa nhằm đánh dấu việc bước vào giai đoạn trưởng thành, khi bạn rõ bỏ lớp áo choàng của trẻ con lúc 20 tuổi và chạy khỏa thân hòa mình vào đám đông công dân trưởng thành.

Ở Athens cũng từng có một lễ hội khỏa thân thường niên nhằm vinh danh Athena, nữ thần bảo trợ của thành phố. Trong lễ hội này, những chàng trai Athens sẽ chạy thẳng một mạch từ một phòng tập thể dục ở rìa thành phố tới Parthenon - đền thờ nữ thần Athena ở Acropolis. Những người đàn ông mập mạp hơn và chậm chạp hơn sẽ bị đám đông khán giả vỗ vào người khi họ chạy loạng choạng qua.

Dù nguồn gốc của tình trạng khỏa thân như thế nào, hứng khởi thường rất cao trong các phòng tập thể dục, nơi những quý ông lớn tuổi hơn thường thèm khát cơ thể vận động viên của những nam giới trẻ tuổi hơn.

Người Hy Lạp cổ cũng có lệ khỏa thân trong những bữa tiệc đêm. Trong các sự kiện này, các công dân sẽ uống hàng cốc rượu vang, trước khi nhảy múa và quan hệ tình dục với gái mại dâm hay những chàng trai trẻ.

Theo các chuyên gia, người Hy Lạp cổ không e ngại mô phỏng những phụ nữ nô lệ khỏa thân. Tuy nhiên, họ thường không khắc họa những phụ nữ tự do trong trạng thái hoàn toàn trần trụi. Vào khoảng thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, thần vệ nữ Aphrodite thường được tạc tượng khỏa thân, nhưng với nửa cơ thể ẩn giấu theo cách đầy cám dỗ, chẳng hạn như trong tư thế khuất lấp cặp tuyết lê và vùng nhạy cảm. Những bức tượng phụ nữ khêu gợi khác cũng thường được chạm khắc đang mặc quần áo mỏng, bó sát hoặc ướt dính vào cơ thể.

Dù cởi mở chưa từng thấy so với trước đó về sự khỏa thân và tình dục, nhưng người Hy Lạp không thích mất kiểm soát đối với "chuyện ấy" hay trong trạng thái kích thích rõ ràng trước công chúng - cái họ coi là biểu hiện của sự yếu đuối. Đó là lí do tại sao các bức tượng kinh điển thường được khắc tạc với cơ quan sinh dục khiêm tốn, kể cả đối với lực sĩ Hercules. 

Theo Tuấn Anh/Vietnamnet