Vĩnh biệt “Hùm xám Đông Nam Bộ” Trung tướng Lê Nam Phong

Google News

Sau một thời gian lâm bệnh, dù được các bác sĩ tận tình điều trị, nhưng Trung tướng Lê Nam Phong đã từ trần vào trưa 26/3, thượng thọ 95 tuổi.

Vinh biet “Hum xam Dong Nam Bo” Trung tuong Le Nam Phong
Tướng Lê Nam Phong vừa từ trần trưa 26/3.
Trung tướng Lê Nam Phong, vị tướng gắn liền với nhiều biệt danh như Nam “lửa”, Nam “bình toong”, Nam “hỏa lực”, “hùm xám Đông Nam Bộ”... Ông từng 44 năm có mặt trên các chiến trường trong 3 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc; tham gia gần hết các chiến dịch lớn của Quân đội ta.
Những biệt danh gắn liền lịch sử
Trung tướng Lê Nam Phong nguyên là Tư lệnh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, thời chống Mỹ, Tư lệnh Quân đoàn I bảo vệ biên giới phía Bắc, Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 719 - Bộ Quốc phòng giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, Giám đốc Trường Sĩ quan Lục quân 2.
Ông tên thật là Lê Hoàng Thống sinh năm 1928 tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân nghèo. Xuất thân là con nhà võ, tháng 3/1944, khi 16 tuổi ông tham gia làm liên lạc cho tổ chức Việt Minh bí mật trong vùng. Ông vào Đảng tháng 2/1948, chính thức ngày 4/9/1948.
Trung tướng Lê Nam Phong là một chiến tướng lẫy lừng gắn liền với nhiều biệt danh và mỗi tên của ông đều gắn với bao chiến công của Quân đội. Ông từng 44 năm có mặt trên tất cả các chiến trường trong nước và nước bạn trong 3 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc; tham dự gần hết các chiến dịch lớn của Quân đội ta.
Sinh thời, Trung tướng Lê Nam Phong từng cho biết: “Đến bây giờ chắc tôi là vị tướng có nhiều biệt danh nhất. Các biệt danh đều là dấu ấn con người của tôi trong từng chiến trận, mặt trận. Hồi đánh trận Điện Biên Phủ, tôi quyết tâm… xuống tóc, chết tên là “Đại đội trưởng đầu trọc”. Sau này là hàng loạt tên khác như: Năm “Lửa” vì tính khí nóng nảy; Năm “Bình toong” vì mỗi lần trước khi vào trận chiến đấu là mở bình toong nhấp một ngụm rượu; Năm “Hỏa lực” vì chỉ huy đánh trận nào là sử dụng hỏa lực rất mạnh”.
Năm 1954, ông là Đại đội trưởng Đại đội 225, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Đây là Đại đội dùng bộc phá cảm tử đánh đồi A1 tại Điện Biên Phủ và tham gia bắt sống tướng De Castries. Năm 1975, ông là Tư lệnh Sư đoàn 7 - sư đoàn chủ công đập nát “cánh cửa thép Xuân Lộc” để đại quân tiến vào Sài Gòn, làm nên huyền thoại Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Vinh biet “Hum xam Dong Nam Bo” Trung tuong Le Nam Phong-Hinh-2
Vị tướng tài ba lẫy lừng 44 năm binh lửa.
Năm 1979, ông là Tư lệnh Quân đoàn 1 bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1980, ông là Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 719 của Bộ Quốc phòng Việt Nam sát cánh cùng quân đội và nhân dân Campuchia đánh tan bè lũ Pôn Pốt - Iêngxari giải phóng Phnôm Pênh, cứu dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng.
Năm 1984, ông về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, Bộ Quốc phòng.
Người thầy với đạo làm tướng
Ngày 15/10/1987, Bộ Quốc phòng quyết định bổ nhiệm Tướng Lê Nam Phong làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, ông được cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 gọi bằng cái tên thân thương “bố Năm”.
“Tôi khoái nhất là tên “bố Năm” do cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 tặng”, Trung tướng Phong từng chia sẻ.
Từ một vị tướng ở chiến trường, ông trở thành một nhà giáo chuyên nghiệp của Quân đội. Ông có những đóng góp thiết thực trong công tác đào tạo lực lượng sĩ quan vừa hồng vừa chuyên, kết hợp khoa học quân sự với chiến đấu, tác chiến, góp phần xây dựng thế hệ quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Về với đời thường, dù khó khăn nhưng Tướng Lê Nam Phong luôn dành sự quan tâm, chia sẻ với những đồng đội còn nghèo. Gia đình ông đã dành tiền mở quỹ khuyến học, gửi vào ngân hàng lấy lãi làm học bổng cho các cháu nhỏ khó khăn nơi quê nhà. Nhiều lần giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn như Trung đoàn trưởng dũng cảm thời đánh Mỹ Lê Bầu, Anh hùng Lê Xuân Cới - Dũng sĩ đường 13, cùng cựu chiến binh Sư đoàn 7 đi tìm mộ liệt sĩ, giúp đỡ thân nhân đưa hài cốt liệt sĩ về quê cha đất tổ; cùng Hội Cựu chiến binh vận động chính quyền các tỉnh miền Đông chung tay xây dựng các tượng đài liệt sĩ…
Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn về huyền thoại của một vị tướng có nhiều chiến công lẫy lừng gắn với lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Theo Đức Nghĩa/Báo Pháp luật Việt Nam