Trong kho tàng văn học Việt Nam, có rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ ẩn dụ nhiều triết lý sâu xa về cuộc đời con người.
Trong đó có câu thành ngữ "Rắn già rắn lột, người già người tụt vào săng". Vậy câu thành ngữ này có nghĩa là gì?
Giải nghĩa
Theo "Từ điền Thành ngữ - Tục ngữ Việt Nam", câu "Rắn già rắn lột, người già người tụt vào săng" có hai vế. Ý nghĩa của từng vế cấu thành câu thành ngữ này được giải thích như sau:
Vế đầu: Rắn già rắn lột.
Ở đây chỉ đặc điểm sinh học của loài rắn.
Cơ thể loài rắn phát triển không ngừng. Mỗi khi phát triển thêm, cơ thể rắn sẽ lột xác, lột da nhằm loại bỏ lớp da cũ kỹ, cũng như loại bỏ những ký sinh trùng sinh sống trên da để làm mới mình.
Từ "già" trong rắn già để chỉ rằng lớp da bên ngoài của rắn đã cũ kỹ, cần đến lúc phải thay mới để cơ thể có cơ hội lớn hơn nữa.
Theo các nhà sinh vật học, loài rắn sẽ lột da cho đến khi chết, với chu kỳ diễn ra khá thường xuyên, khoảng 2 đến 4 lần mỗi năm. Loài rắn nhỏ, đang kỳ phát triển sẽ lột da với tần suất thường xuyên hơn, thường là 2 tuần lột da một lần.
Vế thứ hai: Người già người tụt vào săng.
Có thể nói, vế thứ hai của câu thành ngữ này hoàn toàn trái ngược với vế đầu.
Nếu như loài rắn lột xác, lột da để tiếp tục sinh trưởng, phát triển kích thước cơ thể hơn nữa thì người già lại "tụt vào săng".
Từ "săng" ở đây nghĩa là "quan tài". Người già, theo thời gian, sức khỏe sẽ ngày càng yếu, quá trình lão hóa diễn ra ngày càng nhanh.
Con người về cơ bản không thể tránh được "sinh, lão, bệnh, tử". Đến một độ tuổi nhất định, cơ thể sẽ ngày càng ốm yếu rồi tàn lụi, không ai có thể sống mãi được. Đó là quy luật bất biến của tự nhiên.
Ý nghĩa của câu thành ngữ này là như thế.
Tham khảo: Từ điển Thành ngữ - Tục ngữ Việt Nam
Theo Trang Ly/Người đưa tin