Bất ngờ sốc về tiến độ nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Nếu vaccine COVID-19 sản xuất đạt yêu cầu thì cuối năm nay Việt Nam có thể thử nghiệm trên người. Điều này đồng nghĩa với việc sang tới năm sau - năm 2021, chúng ta có thể có được vaccine trong nước sản xuất.

Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo ngày 22/7 nhằm xây dựng khung pháp lý cho việc nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký vaccine COVID-19 trong tình huống khẩn cấp. Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất trong nước đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine COVID-19, bước đầu đã có những kết quả khả quan.  
Theo đó vaccine do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế nghiên cứu, được phát triển trên công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi nên đã đánh giá được tính an toàn trên động vật. Viện đã gửi mẫu vaccine sang Mỹ để đánh giá độc tính trên động vật thí nghiệm. Sắp tới sẽ sản xuất lô vaccine để có thể tiến hành thử nghiệm trên người (thử nghiệm lâm sàng) vào cuối năm. 
Bat ngo soc ve tien do nghien cuu vaccine phong COVID-19 tai Viet Nam
 Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất tham gia thử nghiệm nghiên cứu vaccine COVID-19
Ngoài ra vaccine COVID-19 của Vabiotech thử nghiệm trên chuột có kết quả hết sức khả quan, đáp ứng miễn dịch tốt. Như vậy, tháng 7/2021 Việt Nam có thể có vaccine COVID-19 do trong nước sản xuất. Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo về khung pháp lý cho việc nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký và sử dụng vaccine COVID-19 nhằm rút ngắn thời gian có vaccine phòng bệnh. 
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế) cho biết, cụ thể Bộ Y tế đề xuất rút ngắn thời gian các quy trình nghiên cứu sản xuất, kiểm định, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành, theo dõi sử dụng Vaccine. Chẳng hạn thời gian đăng ký nghiên cứu thử nghiệm thuốc trên lâm sàng trước đây mất khoảng 2 tháng thì nay rút ngắn chỉ khoảng 10 ngày. Hay thời gian phê duyệt nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng trước đây mất 3 tháng thì nay chỉ trong vòng một tháng sẽ hoàn thiện việc thẩm định hồ sơ và phê duyệt các hồ sơ liên quan, thẩm định về mặt khoa học, đạo đức… 
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Thời gian là điều hết sức quan trọng trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Chúng ta càng nhanh có vaccine càng tốt nên có một số quy định, một số công đoạn cần rút ngắn. Chính phủ, Bộ Y tế sẽ sẵn sàng hỗ trợ và đầu tư với những nghiên cứu đã có kết quả khả thi”.
Ngoài ra, GS Long cũng khẳng định rút gọn ở đây là rút gọn về thủ tục mang tính hành chính, về mặt khoa học, thời gian không được phép rút gọn. Các nhà sản xuất vẫn phải đảm bảo Vaccine toàn và hiệu quả. 
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chuẩn bị những đề án mang tính đầu tư cũng như quỹ vắc xin để làm sao người dân Việt Nam được tiếp cận, sử dụng vắc xin sớm nhất dù là trong nước tự sản xuất hay tiếp cận từ nước ngoài.
Bat ngo soc ve tien do nghien cuu vaccine phong COVID-19 tai Viet Nam-Hinh-2
 Các nhà nghiên cứu của Vabiotech đang tiến hành lấy mẫu máu chuột để đánh giá kháng thể đáp ứng miễn dịch sau tiêm

Quyền Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, Việt Nam là một trong 42 quốc gia có thể tự sản xuất vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, Việt Nam là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý về vaccine đạt hai chuẩn của WHO. Vì thế, thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sớm đưa vaccine COVID-19 vào sản xuất.

Việt Nam có 4 nhà sản xuất trong nước đang nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19 và bước đầu cho kết quả khả quan.

Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) cho hay đơn vị này đang sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi với quy trình sản xuất tương tự vaccine cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm.

Để nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19, IVAC sử dụng chủng NDV-LaSota-S làm vector biểu hiện protein S của SARS-CoV-2. Đây là chủng có độc lực thấp được sử dụng trong nhiều loại vaccine. Chủng virus này được đánh giá thích ứng và phát triển tốt trên trứng gà có phôi.

Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sử dụng công nghệ vector Baculovirus trong phát triển vaccine COVID-19. Đơn vị này đã tiêm thử nghiệm trên chuột thí nghiệm, cho kết quả đáp ứng miễn dịch trung hòa của vaccine thấy rõ. Đặc biệt, vaccine có đáp ứng miễn dịch ở liều nhắc lại. Đây là điều quan trọng và cần thiết đối với vaccine.

Đơn vị thứ 3 là Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), đang sử dụng công nghệ tái tổ hợp sử dụng vector virus sởi. POLYVAC đang chờ phê duyệt dự án nghiên cứu chính thức của Bộ Khoa học Công nghệ, tổ chức đấu thầu sinh phẩm.

Đơn vị thứ 4 là Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen. Công ty này đã nghiên cứu thành công một ứng cử viên vaccine subunit dựa trên protein S của virus SARS-CoV-2. Ứng cử viên này được phát triển bằng công nghệ tái tổ hợp. Vaccine sẽ bao gồm protein S của hai chủng virus Vũ Hán và chủng đột biến D614G.

“Tôi kỳ vọng Việt Nam có thể làm chủ vaccine COVID-19, đảm bảo tính chủ động trong cung ứng cho người dân, đồng thời, có cơ chế để tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới một cách nhanh nhất", GS Nguyễn Thanh Long nói.

Hải Nam