Bỏ 22 triệu mua iPhone X, nhận được mô hình tại Sài Gòn

Google News

Dù đã kiểm tra máy rất kỹ, người mua hàng vẫn bị kẻ gian tráo chiếc iPhone X thật bằng một mô hình không có giá trị sử dụng.

iPhone X lên kệ chưa lâu và phần lớn máy đã qua sử dụng vẫn trong tình trạng mới. Lợi dụng tâm lý thích săn hàng "lướt" của người dùng, kẻ lừa đảo đã đăng bán những chiếc iPhone X giá rẻ. Sau khi hẹn gặp người mua, bằng thủ đoạn tinh vi, kẻ gian đánh tráo chiếc điện thoại bằng mô hình nhựa hoặc những vật khác có sức nặng tương đương.
Chiếc iPhone X mô hình mà kẻ gian đã tráo cho anh Văn có giá chỉ 300.000 đồng. 
"Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng máy và chắc chắn hoạt động tốt, tôi yêu cầu lắp SIM và trả tiền thì người này giật lại chiếc máy và nói đưa tiền rồi muốn làm gì cũng được. Trong lúc cặm cụi đếm tiền khoảng 10 giây thì người này bỏ máy vào hộp giúp tôi. Thanh toán xong về đến nhà tôi mới tá hỏa khi thấy bên trong chỉ là máy mô hình", anh Hoàng Văn, nhân viên văn phòng tại quận 9, TP.HCM thuật lại câu chuyện bị lừa mua mô hình giá máy thật của mình.
Nói với Zing.vn, anh Văn cho biết mình thường sưu tập điện thoại độc và cổ. Lướt một vài diễn đàn mua bán online, anh dừng lại ở tin rao "Cần tiền bán gấp iPhone X xách tay chưa dùng" với giá 22 triệu đồng (thấp hơn giá thị trường 4 triệu đồng).
"Tôi biết sẽ không có chuyện hàng rẻ mà bổ. Tuy nhiên trong trường hợp cần tiền gấp người ta có thể hạ khoảng 2 triệu. Chiếc máy này rẻ hơn rất nhiều khiến tôi cũng nghi ngờ nhưng cũng quyết định đi xem thử vì máy được giới thiệu chưa kích hoạt nên cũng không lo vấn đề gì", anh Văn nói về mức giá quá hời của chiếc iPhone.
 Máy đi kèm bộ phụ kiện "lô" trị giá chỉ 200.000 đồng. Lý do thường được người bán đưa ra là máy xách tay nên không kèm hộp.
Sau đó, anh gọi cho người bán, cách trả lời của người này có chút bất thường. "Kẻ gian dò hỏi để kiểm tra cách nói chuyện và thái độ để xác định mục tiêu. Tôi cũng thấy khả nghi nhưng nghĩ mua bán thanh thiên bạch nhật cũng không lo lắm", anh Văn nói về cuộc gọi hẹn mua hàng.
Sau đó, kẻ gian hẹn anh ra một quán nước ở quận Bình Thạnh. Khi anh Văn đến, kẻ gian không ra ngay mà quan sát, di chuyển địa điểm, nhờ người thân ra dẫn vào. Quá trình này mất khoảng 30-45 phút. Mục đích của việc này là để kiểm tra tình hình trước khi hành động.
"Người này mang khẩu trang, thái độ tỏ ra rất vội vàng. Người đàn ông khoảng 30 tuổi, cao to nói máy được người thân xách tay về nên không có hộp, chỉ tặng hộp lô. Sau khi giao dịch lập tức đứng dậy chạy xe đi mất", anh Văn nói thêm.
Các bài đăng bán với giá rẻ hơn thị trường từ 3-5 triệu đồng trên một trang rao vặt. 
May mắn hơn anh Văn, Hữu Phát, sinh viên đại học tại TP.HCM khi hẹn mua iPhone X cũng đã kịp thời phát hiện hành vi tráo máy của kẻ gian. "Lúc phát hiện người này bỏ vật gì đó vào hộp em mới yêu cầu kiểm tra. Tuy nhiên người này đứng dậy bỏ đi và nói không bán máy nữa", Phát chia sẻ.
"Những ngày sau, tôi cũng dạo các chợ online với hy vọng tìm được kẻ lừa mình. Tuy nhiên những bài đăng iPhone X với giá 19-22 triệu đồng thường chỉ tồn tại 5 phút, liên tục gỡ và đăng với nhiều số điện thoại và địa chỉ khác nhau, nhưng khi tôi gọi, họ nhận ra số của tôi nên không nghe máy", anh Văn cho biết.
Mô hình iPhone được kẻ gian sử dụng cho việc tráo hàng dễ dàng mua được qua một số trang rao vặt nước ngoài với giá khoảng 300 nghìn đồng. Tại Việt Nam, chúng cũng được trưng bày tại các cửa hàng điện thoại thay cho hàng thật để hạn chế rủi ro, mất cắp.
Trước khi một mẫu iPhone chính thức ra mắt, hình ảnh của nó thường bị lộ trước từ nhà máy ở Trung Quốc. Các công nhân, kỹ sư tại nhà máy thường "tuồn" bản thiết kế iPhone ra bên ngoài để dựng thành mô hình có độ chính tầm 95%, sau đó bán cho các nhà làm phụ kiện (ốp lưng, bao da, miếng dán màn hình...) để họ kịp sản xuất và đón đầu ngày iPhone mới lên kệ. Khi đó, mỗi mô hình có giá khoảng vài triệu đồng.
Theo Xuân Tiến/Zing