Tiếng chuông cảnh tỉnh giới khoa học
Theo ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn - Vũ trụ Việt Nam, khi thiên thạch có chiều dài hơn 10m và nặng 10.000 tấn rơi xuống nước Nga vào ngày 15/2 nhiều người lầm rằng đấy là thiên thạch có kích thước to như một cái sân bóng mang tên 2012 DA14 được phát hiện vào năm 2012. Tuy nhiên, so với thiên thạch 2012 DA 14, thiên thạch rơi xuống nước Nga nhỏ hơn rất nhiều. Vì thế, chúng đã không gây ra những hậu quả quá nghiêm trọng.
Chúng ta phải biết rằng, nếu một thiên thạch cỡ 1km khi rơi xuống Trái Đất thì sức tàn phá rất khủng khiếp. Trong lịch sử đã ghi nhận những thiên thạch lớn có đường kính khoảng 10km lao xuống Trái Đất. Đây chính là nguyên nhân gây ra tuyệt chủng của loài khủng long 65 triệu năm trước.
Lịch sử cũng ghi nhận năm 1908, một mảnh thiên thạch nổ tung trên bầu trời đã thiêu rụi cả một khu rừng rộng lớn thuộc vùng Tunguska (Nga). Điều này đã cho thấy, mặc dù làm bị thương nhiều người và phá vỡ nhiều tài sản, song thiên thạch rơi ở Nga chỉ là một thiên thạch nhỏ.
Mặc dù là thiên thạch nhỏ nhưng sự kiện thiên thạch rơi xuống nước Nga là tiếng chuông cảnh tỉnh giới khoa học không thể chủ quan đối với những "vật thể lạ" có kích thước nhỏ. Hiện hệ thống mạng lưới đài thiên văn hiện nay mới chỉ tập trung và thật sự cũng mới chỉ quan sát được những thiên thạch cỡ lớn cỡ vài chục mét trở lên. Hiện các kính thiên văn hiện đại nhất trên thế giới chưa phát hiện được mối nguy hại nào từ các "vị khách lạ" có kích thước lớn lao vào Trái Đất trong năm 2013. Tuy nhiên, đối với những "vị khách" có kích thước nhỏ thì chưa thể biết được.
|
Thiên thạch rơi xuống nước Nga chỉ là thiên thạch có kích thước và khối lượng thuộc loại nhỏ. |
Làm thế nào để chặn thiên thạch rơi?
Chính việc chúng ta chưa bao quát được các thiên thạch có kích thước nhỏ đã khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn của Trái Đất trong năm 2013. Tuy nhiên, người dân không nên quá hoang mang.
Thực tế, với bài học thiên thạch rơi xuống nước Nga chắc chắn trong năm 2013 này, giới thiên văn sẽ để mắt hơn nữa tới những vật thể lạ có kích thước nhỏ trong không gian.
Hơn thế, số lượng thiên thạch lao được đến Trái Đất cũng không phải là nhiều. Thiên thạch rơi ở Nga là một trường hợp khá hy hữu bởi thông thường những thiên thạch có kích thước cỡ 10m trở lên khi lao vào Trái Đất với vận tốc khoảng 30 - 50km/s chúng sẽ bốc cháy hết và nổ tung thành vô vàn mảnh nhỏ trước khi rơi xuống Trái Đất. Trong vòng 100 năm chỉ có vài thiên thạch cỡ 10m trở lên lao xuống Trái Đất. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng lao xuống Trái Đất thì phần lớn chúng lại rơi xuống những khu vực rừng núi, sa mạc, đại dương... Trong vài thế kỷ qua chưa có thiên thạch lớn tương tự rơi xuống khu vực có dân cư đông đúc.
Hơn thế, cũng từ vụ thiên thạch rơi ở Nga, hiện nay, người ta đã đưa ra phương án xây dựng hệ thống phòng thủ đối với những "vị khách" đến từ không gian. Theo đó, phương án tối ưu nhất là gắn các đầu đạn có sức công phá lớn vào những tên lửa tầm xa. Khi phát hiện có "khách lạ" ghé thăm, những đầu đạn có sức công phá lớn này sẽ phá vỡ khối thiên thạch thành nhiều mảnh nhỏ. Những mảnh nhỏ này sẽ bốc cháy hết trong khi lao vào bầu khí quyển. Trong trường hợp những mảnh nhỏ này rơi xuống đất thì sức tàn phá sẽ được giảm thiểu một cách tối đa nhất.
- Theo tính toán, một thiên thạch có kích thước khoảng 1km phải mất 500.000 năm mới xuất hiện. Thiên thạch có kích thước vài km phải mất đến 10 triệu năm.
- Nhiều người cho rằng, số lượng thiên thạch lao xuống Trái Đất trong thời gian qua nhiều hơn so với quá khứ. Tuy nhiên, không có sự khác biệt giữa hiện tại và quá khứ. Chẳng qua vào thời nay khoa học thiên văn đã phát triển giúp chúng ta ghi nhận được nhiều vụ việc hơn.
|
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Sơn Hà (ghi)