Lý do Apple cấm đối tác nhắc tên trước công chúng

Google News

Apple cấm đối tác nhắc tên trước công chúng hoặc truyền thông. Nhân viên cũ của Apple nói rằng yêu cầu bảo mật thông tin của Táo khuyết gồm rất nhiều mục.

Ly do Apple cam doi tac nhac ten truoc cong chung


Ngày 8/1, Hyundai xác nhận đang đàm phán bước đầu với Apple về kế hoạch sản xuất xe hơi tự lái. Đây là tuyên bố của họ: “Apple và Hyundai đang thảo luận nhưng vẫn còn trong giai đoạn đầu, chưa có kế hoạch nào được quyết định”.

Ngay sau đó, hãng xe Hàn Quốc đưa ra tuyên bố khác, xóa hết những thông tin đề cập đến Apple: “Chúng tôi được đề nghị hợp tác từ các công ty khác nhau liên quan đến phát triển xe điện tự lái, chưa có quyết định nào được đưa ra vì đàm phán đang trong giai đoạn đầu”.

Động thái của Hyundai dường như đến từ chính sách giữ bí mật của Apple đối với nhà cung ứng và đối tác tiềm năng. Các công ty giao dịch với Apple phải tuân thủ quy định bảo mật thông tin nghiêm ngặt, ngay cả khi họ là công ty đại chúng và Apple là khách hàng lớn.

Ly do Apple cam doi tac nhac ten truoc cong chung-Hinh-2

Nhiều đối tác không dám nhắc công khai tên gọi Apple. Ảnh: Getty Images.

“Chưa từng nhắc tên Apple trong công ty”

Dù các thỏa thuận bí mật là điều phổ biến trong lĩnh vực công nghệ, các nhân viên tại Apple cho rằng công ty này coi trọng bí mật hơn cả đối thủ cạnh tranh. Nguồn tin giấu tên cho biết Apple cấm đối tác nhắc tên trước công chúng hoặc truyền thông. Nhân viên cũ của Apple nói rằng yêu cầu bảo mật thông tin của Táo khuyết gồm rất nhiều mục.

Theo bản hợp đồng được công khai bởi GT Advanced Technologies khi làm thủ tục phá sản, Apple từng dọa phạt các nhà cung ứng 50 triệu USD cho mỗi vụ rò rỉ thông tin.

Một số công ty vẫn có thể thảo luận hạn chế về việc kinh doanh với Apple, nếu Apple đã công khai mối quan hệ và được chấp thuận. Một ví dụ là Corning, đơn vị cung cấp kính cường lực cho iPhone, được Apple trả ít nhất 450 triệu USD vào năm 2017 và nêu tên trong thông cáo báo chí.

Tuy nhiên Wendell Weeks, CEO Corning cho biết ông không thoải mái khi nói về mối quan hệ với Apple, đến khi họ được nhắc tên trong lễ ra mắt iPhone 12.

“Phải nói rằng tôi thấy không đúng khi nói ra tên Apple. Tôi không nghĩ rằng mình từng làm điều đó. Chúng tôi sử dụng tên mã khi nhắc đến Apple, và chưa từng nói ‘Apple’ trong công ty”, CEO Corning chia sẻ vào tháng 10/2020. “Nếu nhìn rõ một chút, bạn sẽ thấy mặt tôi hơi ửng đỏ và lo lắng khi đọc to tên họ”.

Ly do Apple cam doi tac nhac ten truoc cong chung-Hinh-3

Sự bí mật tại Apple gắn với đồng sáng lập Steve Jobs. Ảnh: Time.

Bí mật là điều quan trọng nhất với Apple

Quy tắc giữ kín thông tin của Apple là một trong những khía cạnh quan trọng của công ty. Một số nhân viên tại Thung lũng Silicon chỉ gọi Apple là “Fruit Company” (công ty trái cây). Năm 2011, Apple còn bán một chiếc áo tại cửa hàng lưu niệm với dòng chữ “I visited the Apple campus. But that’s all I’m allowed to say” (tạm dịch: Tôi đã ghé trụ sở Apple. Nhưng đó là tất cả những gì được phép nói).

Quy định giữ bí mật tại Apple có thể gắn với đồng sáng lập Steve Jobs. Ông được xem là bậc thầy marketing, luôn tạo bất ngờ trong các lễ ra mắt sản phẩm để giữ sức hút.

Hiện tại, Apple vẫn dựa vào “sự ngạc nhiên và thích thú” trong buổi ra mắt sản phẩm, vốn là chiến lược marketing quan trọng. Cuối năm ngoái, Táo khuyết đã tổ chức 3 buổi livestream để ra mắt Apple Watch, iPhone và máy tính Mac. Cả 3 buổi lễ thu hút hàng triệu lượt xem, những người bật YouTube để theo dõi chia sẻ từ các lãnh đạo về sản phẩm mới.

Đối với Apple, thông tin chi tiết về sản phẩm chưa ra mắt là “một trong những tài sản lớn nhất”. Trong tài liệu về hành vi kinh doanh tháng 10/2020, Apple nói rằng nhân viên “cần chọn lọc kỹ” khi tiết lộ thông tin kinh doanh của Apple cho đối tác hoặc nhà cung ứng. Trong khi đó, nhà cung ứng cũng cần tuân theo quy tắc bảo mật của Apple.

Ly do Apple cam doi tac nhac ten truoc cong chung-Hinh-4

Chiếc áo lưu niệm của Apple với dòng chữ "đó là những gì tôi được phép nói". Ảnh: Fortune.

“Khi có việc cần chia sẻ với nhà cung ứng, đối tác hoặc bên thứ 3, đừng bao giờ ‘tự nguyện’ nói nhiều hơn những thứ cần thiết để giải quyết công việc. Bất cứ thông tin chia sẻ bên ngoài Apple phải tuân theo thỏa thuận không tiết lộ và bảo mật”, chính sách của Apple ghi rõ.

Không chỉ đối tác mà nhân viên Apple cũng được yêu cầu giữ bí mật về sản phẩm chưa ra mắt, thậm chí là trong nội bộ công ty.

"Ngay cả trong công ty, mọi nhân viên bị buộc ký vào các thỏa thuận không tiết lộ thông tin trong các 'buổi họp tiết lộ', chủ yếu nhấn mạnh kỳ vọng của Apple về khả năng giữ bí mật của nhân viên", Matt MacInnis, nhân viên cũ của Apple chia sẻ trên Recode năm 2017.

Tim Cook, khi vẫn còn giữ chức Giám đốc vận hành (COO), từng so sánh bí mật của Apple như ma thuật. "Đó là một phần của sự kỳ diệu tại Apple. Tôi không muốn cho người khác biết ma thuật của chúng tôi vì không muốn nó bị sao chép", ông chia sẻ.

“Khách hàng số một”

Dù phải chấp thuận quy tắc bảo mật thông tin nghiêm ngặt, các nhà cung ứng vẫn muốn giành cơ hội bán hàng cho Apple.

Cirrus Logic, nhà sản xuất chip âm thanh, trong hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) tháng 8/2020 cho biết Apple chiếm 81% tổng doanh số bán hàng trong năm tài chính trước đó, tương đương 1,28 tỷ USD.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Cirrus hiếm khi nhắc đến tên Apple, thậm chí hoàn toàn tránh điều đó trong nhiều năm. Một slide thuyết trình của công ty hồi 2017 chèn nhiều logo của khách hàng, nhưng không có biểu tượng Apple. Thay vào đó, Cirrus để một hình vuông màu nâu với dòng chữ “Khách hàng số một”. Gần đây, các nhà đầu tư chỉ nói Cirrus đang cung cấp chip cho 7 hãng smartphone hàng đầu.

Ly do Apple cam doi tac nhac ten truoc cong chung-Hinh-5

Dù có quy định bảo mật thông tin nghiêm ngặt, không ít công ty vẫn muốn bán hàng cho Apple. Ảnh: 9to5mac.

Các công ty đại chúng khác cũng sử dụng từ né tránh khi phải nói đến hoạt động kinh doanh với Apple. Trong báo cáo kinh doanh tháng 6/2020, Hock Tan, CEO Boardcom tiết lộ iPhone 12 sẽ ra mắt trễ hơn bình thường.

Tuy nhiên, ông không nhắc đến tên Apple mà chỉ nói đến “khách hàng làm smartphone lớn của chúng tôi tại Bắc Mỹ”, ngay cả khi thỏa thuận trước đó với Apple đủ lớn để trình lên SEC.

Thủ tục phá sản của một nhà cung ứng vào năm 2014 cho thấy quy định bảo mật chặt chẽ của Apple. Năm 2013, GT Advanced Technologies đã ký thỏa thuận cung ứng bóng sapphire thô để làm màn hình cho iPhone. Tuy nhiên, GT không thể sản xuất sapphire tại cơ sở của Apple ở Arizona, khiến công ty phá sản và Apple là chủ nợ lớn.

Trong thủ tục phá sản, GT đã trình bản hợp đồng bảo mật, ghi rằng công ty này phải trả Apple 50 triệu USD cho mỗi vụ rò rỉ thông tin. Thỏa thuận đề cập đến 3 hợp đồng bảo mật mà công ty này đã đồng ý với Apple. GT cho biết các điều khoản bảo mật này cũng cần được giữ kín.

Một hợp đồng khác ghi rằng mỗi lần đối tác công khai về Apple đều phải được chấp thuận bằng văn bản. Sau khi hợp đồng 50 triệu USD được tiết lộ, Apple đã giải quyết với GT bằng một thỏa thuận khác, ghi rằng GT cần giữ bí mật về việc “mô tả mối quan hệ của họ với Apple”.

Như thường lệ, Apple từ chối bình luận về những thông tin này.

Theo Zing