Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature, dẫn đầu bởi Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia (CNRS) của Mỹ cho thấy những hình ảnh lạ thường mà robot Curiosity của NASA gửi về Trái Đất là lời gợi ý sống động nhất về sự sống.
"Đây là bằng chứng hữu hình đầu tiên cho thấy khí hậu cổ đại của Sao Hỏa có chu kỳ khô - ẩm đều đặn giống Trái Đất, cần thiết cho quá trình tiến hóa phân tử có thể dẫn đến sự sống" - TS William Rapin, nhà khoa học hành tinh từ CNRS cho biết.
Các cấu trúc dị thường được Curiosity tìm thấy trên Sao Hỏa đích thị là những vết nứt nẻ tương tự vết nứt ở các lòng hồ Trái Đất mùa nắng hạn - Ảnh: NASA
Điều đó có nghĩa đây không chỉ là nơi sự sống có thể trú ẩn, mà còn là một trong những nơi có thể bắt đầu sự sống trên Sao Hỏa - mục tiêu săn tìm sự sống ngoài hành tinh được NASA "chăm sóc" chu đáo nhất.
Theo NASA, hình dạng tổ ong đó là một mạng lưới chắp vá các vết nứt bùn cổ đại, được tìm thấy trên sườn núi Sharp cao 5 km bên trong Gale Crater, một miệng hố khổng lồ trên hành tinh đỏ.
Các "tổ ong" này có niên đại từ 3,8 đến 3,6 tỉ năm tuổi, tức nằm trong khoảng thời gian mà các nghiên cứu NASA trước đây chỉ ra rằng Sao Hỏa ngập tràn nước giống Trái Đất.
Khu vực có "tổ ong" nằm ngay phía trên một khu vực giàu đất sét - là lòng hồ cổ đại - và bên dưới một khu vực giàu sunfat bị bỏ lại khi nước đã khô đi.
Các "tổ ong" cũng có dấu hiệu của sunfat, chính là bằng chứng cho thấy nó đã ướt và khô đi nhiều lần. Tức cả một vùng rộng lớn này từng là khu vực đầm, hồ mở rộng trong giai đoạn ẩm, cạn đi và bị thu hẹp trong giai đoạn khô, y như những gì vẫn xảy ra ở địa cầu.
Khu vực này cũng là nơi từng xuất hiện dấu hiệu của các hợp chất hữu cơ, mà rất có thể do sự sống để lại. Điều các nhà khoa học còn thiếu là các bằng chứng để xác minh mối liên kết giữa hợp chất hữu cơ đó với sinh vật sống.
Chu kỳ khô - ẩm vừa được chứng minh là một trong những liên kết cần thiết đó.
Theo Anh Thư/Người Lao Động