Phát hiện miệng núi lửa bất thường trên Mặt Trăng

Google News

Một tên lửa không rõ nguồn gốc đã đâm vào Mặt trăng, để lại một miệng núi lửa bất thường.

Tàu quỹ đạo Mặt trăng Lunar Reconnaissance Orbiter của NASA gần đây phát hiện một tên lửa không rõ nguồn gốc đã đâm vào Mặt trăng, để lại một miệng núi lửa bất thường.
Phat hien mieng nui lua bat thuong tren Mat Trang
NASA đã phát hiện một miệng núi lửa kép được tạo ra khi một tên lửa bí ẩn đâm vào Mặt trăng. Ảnh: Getty Images 
Các nhà thiên văn học Mỹ ghi nhận thân tên lửa đã phóng hướng về Mặt trăng vào cuối năm ngoái và cuối cùng nó đã va vào vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất vào ngày 4/3, tạo ra sự hình thành một miệng núi lửa kép bất thường.
Theo thông cáo báo chí được NASA công bố ngày 29/6, miệng núi lửa kép cho thấy thân tên lửa "có khối lượng lớn ở mỗi đầu”. Nó bao gồm một miệng núi lửa ở phía đông có đường kính khoảng 18 mét, nằm trên đỉnh một miệng núi lửa ở phía tây có đường kính khoảng 16 mét.
Miệng núi lửa này rất bất thường, bởi không có vụ va chạm nào trước đó của thân tên lửa lên Mặt trăng tạo ra một miệng núi lửa kép. Bốn miệng núi lửa Apollo SIV-B lớn hơn so với vụ va chạm gần đây ở chiều rộng tối đa, từ 35 đến 40 mét.
NASA đã không đề cập đến loại tên lửa mà tàu quỹ đạo của họ đã phát hiện trong thông cáo báo chí nói trên. Nhưng hồi tháng 2, nhà thiên văn học người Mỹ Bill Gray từng đưa ra nhận định rằng đó là tầng đẩy của tên lửa tham gia sứ mệnh Mặt trăng Chang'e 5-T1 của Trung Quốc, được phóng vào tháng 10/2014. Ban đầu ông Gray đã xác định nhầm đây là một tầng của tên lửa Falcon 9 do SpaceX phóng.
Tàu thăm dò Chang’e-5 hạ cánh trên Mặt trăng vào tháng 12/2020, thu thập một số đá để thử nghiệm ở Trái đất. Sứ mạng này đã phát hiện các phân tử nước hiện diện với tỷ lệ lên tới 180 phần triệu ở một số khu vực của Mặt trăng.
Một số quốc gia đã đổ bộ hoặc lên kế hoạch cho các sứ mệnh lên Mặt trăng trong những tháng gần đây. Nga đã lên lịch cho sứ mệnh đổ bộ Mặt trăng Luna-25 vào tháng 9 tới- theo một thông báo hồi tháng trước của người đứng đầu Roscosmos, Dmitry Rogozin, trong khi Mỹ đang đặt mục tiêu thực hiện sứ mệnh Mặt trăng có người lái Artemis vào năm 2024.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc trong không gian có nguy cơ dẫn đến sự thống trị của hai nước trong lĩnh vực này. Mỹ đang cạnh tranh với Nga, Trung để xây dựng căn cứ Mặt trăng đầu tiên, với ước mơ khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản tiềm năng từ vệ tinh duy nhất của Trái đất và thậm chí có khả năng xây dựng các lò phản ứng hạt nhân trên đó.
Theo Thu Hằng/Báo Tin Tức