Phó bí thư TP.HCM: 'Chúng ta có 15 ngày để chuyển biến tình hình'

Google News

Ông Phan Văn Mãi nói trong 15 ngày tới thành phố có sự thay đổi căn bản trong việc xét nghiệm. Mục tiêu cơ bản là tầm soát hết F0 để tách họ ra khỏi cộng đồng.

Tận dụng triệt để 15 ngày giãn cách là thông điệp được Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh tại cuộc họp triển khai phát động thi đua cao điểm trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và kế hoạch điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 chiều 9/7.

Sau hơn 12h áp dụng Chỉ thị 16, Phó bí thư đề nghị các địa phương cần tập trung chỉ đạo, triển khai Chỉ thị 16 tới tận cơ sở, tổ dân phố, từng hộ gia đình và người dân. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phân công rõ công việc sao không bị chồng chéo, đạt được kết quả.

"Một trong những hạn chế khi thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 10 là sự hiểu chưa đầy đủ và thực hiện chưa nghiêm nên kết quả chưa đồng bộ, chưa như mong muốn", ông Mãi nhận định và lưu ý các địa phương phát huy hệ thống tuyên truyền tại cơ sở.

Thay đổi căn bản trong xét nghiệm

Phó bí thư nhấn mạnh thành phố chỉ còn 15 ngày để tập trung cao độ, toàn lực nhằm đạt mục tiêu "kiểm soát, vãn hồi được tình hình".

Trong quá trình triển khai Chỉ thị 16, ông Mãi nhận định giai đoạn đầu sẽ còn chuệch choạc trong giao thông đi lại, cung ứng hàng hóa, an ninh trật tự. Ông yêu cầu địa phương không để xảy ra xung đột mới nhằm triển khai Chỉ thị 16 thật nghiêm.

Về công tác xét nghiệm trong 15 ngày tới, Phó bí thư cho biết thành phố có sự thay đổi căn bản. Mục tiêu xét nghiệm trong 15 ngày tới là cơ bản tầm soát hết F0 để tách F0 ra khỏi cộng đồng nhằm kiểm soát địa bàn, xây dựng vùng an toàn, thu hẹp và hướng tới xóa vùng nguy cơ cao.

Pho bi thu TP.HCM: 'Chung ta co 15 ngay de chuyen bien tinh hinh'

Phó bí thư Phan Văn Mãi và Phó chủ tịch Ngô Minh Châu chủ trì buổi họp. Ảnh: HMC.

Để đạt mục tiêu này, công tác xét nghiệm phải trọng tâm, trọng điểm, phân theo từng khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, có nguy cơ và bình thường mới.

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh công tác lấy mẫu phải gắn liền với năng lực xét nghiệm. Ví dụ, địa phương nào chỉ có thể xét nghiệm 5.000 mẫu/ngày thì chỉ tổ chức lấy khoảng 5.000 mẫu/ngày.

"Không thể lấy mẫu mà không biết năng lực xét nghiệm là bao nhiêu", ông Mãi nói.

Khu vực đã lấy mẫu cần nhanh chóng xét nghiệm, trả kết quả để lập và kiểm soát vùng có nguy cơ, từng bước mở rộng vùng an toàn. Phó bí thư lưu ý không để xảy ra tình trạng không xét nghiệm kịp dẫn đến tồn đọng mẫu hoặc hư mẫu xét nghiệm.

Ông Mãi nhắc lại nguyên tắc của Chỉ thị 16 là ở nhà, chỉ ra ngoài khi cần thiết. Do đó, địa phương cần cử đội lấy mẫu đến từng hộ gia đình.

"Trong thời gian này, ai tổ chức lấy mẫu tập trung, vi phạm Chỉ thị 16 là rất đáng tiếc. Chỉ thị 16 yêu cầu không tập trung quá 2 người, tổ chức lấy mẫu gom 5-7 người là sai rồi. Do đó, phải tổ chức đội lẫy mẫu đến từng nhà. Người dân lấy mẫu xong ở nhà chờ kết quả. Khi có F0 thì thu dung", ông Mãi quán triệt.

15 ngày chuyển biến tình hình

Phó bí thư cho biết thành phố đã xin ý kiến Bộ Y tế để cách ly F1 tại nhà. Ông giải thích trong 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16, không có chuyện nhà này đi sang nhà khác; trong nhà phải cách ly người với người và 2-3 ngày phải xét nghiệm một lần. Ông cho biết trong chiều 9/7, Bộ Y tế sẽ trả lời vấn đề này.

Phó bí thư cũng đề nghị cần tuyên truyền với người dân nếu không có biểu hiện ho, sốt thì không cần đến bệnh viện xét nghiệm. Nếu có triệu chứng, người dân thông báo cho ngành y tế địa phương để cử đội xét nghiệm lưu động đến lấy mẫu tại nhà. Ông giải thích như vậy sẽ giảm được áp lực cho bệnh viện.

"Việc này có 2 ý nghĩa, vừa lấy được mẫu, vừa khiến người dân cảm thấy được chăm lo tận nhà", Phó bí thư nói và đề nghị quận, huyện, TP tổ chức để đáp ứng nhu cầu này.

Pho bi thu TP.HCM: 'Chung ta co 15 ngay de chuyen bien tinh hinh'-Hinh-2

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị tận dụng triệt để 15 ngày giãn cách. Ảnh: HMC.

Lãnh đạo Thành ủy cho biết hôm nay thành phố thành lập Sở chỉ huy chiến dịch hoạt động 24/24h và có bộ phận thường trực, tổng đài 1022 để tiếp nhận ý kiến của người dân, Ban chỉ đạo quận, huyện, TP.

"Bất kỳ thông tin gì vượt khả năng, bộ phận thường trực sẽ tiếp nhận, gửi đến người phụ trách và phản hồi lại", ông Mãi cho hay.

Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm, xác định địa điểm, số lượng, lực lượng thực hiện. Trung tâm điều phối xét nghiệm của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố sẽ căn cứ kết quả dịch tễ mỗi ngày để định hướng.

Phó bí thư đề nghị chậm nhất ngày 11/7, các địa phương phải bắt đầu triển khai các yêu cầu kể trên. "Không để thời gian trôi qua không làm được gì", ông nhấn mạnh.

Pho bi thu TP.HCM: 'Chung ta co 15 ngay de chuyen bien tinh hinh'-Hinh-3

TP.HCM tổ chức đội lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cho người dân. Ảnh: Chí Hùng.

Lãnh đạo Thành ủy cũng lưu ý việc lấy mẫu phải đi liền với nhập liệu để khi có kết quả xét nghiệm, phòng thí nghiệm có thể kịp thời trả kết quả xét nghiệm cho cơ sở.

Phó bí thư nhấn mạnh phương châm "cộng đồng giám sát, người dân thực hiện" để sớm mở rộng địa bàn an toàn, dần thu hẹp vùng nguy cơ.

"Chúng ta có 15 ngày chuyển biến tình hình. Mục tiêu là kiểm soát dịch bệnh. Chúng ta đã hy sinh thì cố gắng để sự hy sinh này xứng đáng, có kết quả bù đắp sự hy sinh này. Động viên bà con quyết tâm thực hiện, quyết tâm chiến thắng trong cuộc chiến này, có thể đây là cuộc chiến cuối cùng", ông Mãi chia sẻ.

Trước đó, ngày 8/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã ký Công văn số 2279 về áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7.

Từ ngày 27/4 đến trưa 9/7, TP.HCM ghi nhận 9.895 ca mắc Covid-19, đang là ổ dịch lớn nhất trên cả nước.

Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19

Đó là phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị 16 được TP.HCM phát động từ 9/7. Theo đó, bản đồ nguy cơ Covid-19 sẽ thể hiện 4 mức độ: Màu xanh - mức bình thường mới; màu vàng - mức nguy cơ; màu cam - mức nguy cơ cao; màu đỏ - mức nguy cơ rất cao.

Dựa trên bàn đồ này, UBND TP.HCM sẽ đánh giá kết quả thi đua kéo giảm số ca F0 phát sinh trong cộng đồng hàng ngày tại từng địa phương. Qua đó, thành phố sẽ có hình thức khen thưởng đơn vị, cá nhân.

Phó bí thư Phan Văn Mãi nhấn mạnh việc thi đua không phải hình thức mà để bổ trợ cho hoạt động chống dịch. "Tổ dân phố, tổ nhân dân thi đua với nhau; khu phố, ấp thi đua với nhau; xã, phường, thị trấn thi đua với nhau để làm sao xây dựng địa bàn mình thành nơi an toàn", ông nói. 

Theo Thu Hằng/Zing