Cừu Thập Châu sĩ nữ hoạ tượng
Con người dù ở thời điểm nào cũng luôn khát khao và không ngừng tìm kiếm về quá khứ, về những thứ xa xưa của tổ tiên. Ngoài những ghi chép lịch sử khô khan trên trang giấy thì tranh vẽ luôn là phương tiện sống động giúp hậu thế khám phá lịch sử.
Đặc biệt là một triều đại hưng thịnh như triều Minh thì tranh cổ lại càng là thứ người đời sau tìm kiếm với mong muốn hiểu về cuộc sống của người xưa.
Nổi tiếng là luôn biết cách lồng ghép cuộc sống vào từng tác phẩm, họa sĩ Cừu Anh thời nhà Minh đã phác hoạ lại cuộc sống thường nhật của những cung tần mỹ nữ thời kỳ phong kiến trong bức tranh "Cừu Thập Châu sĩ nữ hoạ tượng".
"Cừu Thập Châu sĩ nữ hoạ tượng" là một bức hoạ dạng cuộn. Mỗi khung cảnh là một hoạt động trong ngày của người phụ nữ trong cung đình. Dưới nét vẽ của hoạ sĩ Cừu Anh, cô gái hiện lên vô cùng sinh động từ thần thái đến cử chỉ ánh mắt, cơ hồ người xem cũng có thể cảm nhận được tâm trạng của người phụ nữ trong tranh.
Cuộc sống "đáng ngưỡng mộ"
Thế nhưng dưới góc nhìn của hậu thế đặc biệt là trong xã hội ồn ào tấp nập như hiện nay, cuộc sống với những hoạt động như trong tranh quả thực khiến cư dân mạng phải "ghen tị" mà để lại không ít những bình luận hài hước: "Cuộc sống thế này ai mà chả muốn", "Mình cũng muốn xuyên không"…
Vậy rốt cuộc bức tranh cổ này đã phác hoạ những hoạt động thường nhật nào của cung tần mỹ nữ thời phong kiến?
Khung cảnh trong cả cuộn tranh chỉ bao quanh khoảng sân trong nhà và người phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc ấy cả ngày chỉ gói gọn trong ba hoạt động: Ngồi, đứng và… nhìn.
Có lúc thì ngắm cảnh dưới ánh trăng, lúc thì ngắm cảnh trong hậu viện... chỉ khác nhau ở tư thế đứng hay ngồi mà thôi. Hoạt động duy nhất không phải là nhìn ngắm của họ là sửa soạn xiêm y trong khuê các ở bức tranh cuối.
Cuộc sống này khác xa thế giới của những người hiện đại ngày nay, đâu đâu cũng là hình ảnh con người bận bịu với công việc dù là đàn ông hay phụ nữ.
Đa phần cư dân mạng Trung Quốc đều cảm thấy hết sức thú vị: "Cuộc sống như này bảo sao cung tần mỹ nữ lại nghĩ ra nhiều chiêu trò đấu đá tranh sủng đến thế!", "Rảnh như này chả trách họ lại nghĩ ra nhiều cách để tranh sủng đến vậy"…
Với những người phụ nữ thời kỳ này, người chồng là tất cả những gì phụ nữ có. Chế độ đa thê bất công trải dài mấy ngàn năm lại càng khiến cho những người phụ nữ dễ trở nên ghen tuông hơn.
Đặc biệt là dưới nét vẽ của hoạ sĩ Cừu Anh, ánh mắt của người phụ nữ trong tranh mang theo một vẻ buồn u ám hết sức sầu bi. Có thể nói những đường nét mềm mại, thanh mảnh ấy khiến người ta cảm nhận được cuộc sống cô đơn bí bách trong cấm cung của những người phụ nữ dù là cao quý.
Theo Diệu Thúy / Toquoc