Streamer hàng đầu thế giới tuyên bố xóa TikTok

Google News

Tyler Blevins hay còn được biết đến với biệt danh "Ninja" là game thủ, streamer thành công nhất về mặt tài chính với game Fortnite đã tuyên bố bỏ TikTok vì lo ngại quyền riêng tư.

"Tôi đã xóa ứng dụng TikTok khỏi tất cả thiết bị của mình. Hy vọng rằng một công ty ít xâm phạm dữ liệu người dùng và không thuộc sở hữu của Trung Quốc có thể tái tạo dạng nền tảng video này một cách hợp pháp”, Ninja viết trên tài khoản Twitter của mình với 6 triệu người theo dõi.

Ninja là một trong những trường hợp thành công vụt lên từ Fortnite và stream. Năm 2017, anh còn là một streamer ít tên tuổi trên Twitch (nền tảng livestream của Amazon), với chỉ 28.000 người đăng ký.

Streamer hang dau the gioi tuyen bo xoa TikTok
 Ninja tuyên bố xóa ứng dụng TikTok khỏi tất cả thiết bị của mình . Ảnh: Epic Games

Tuy nhiên, đầu năm 2018, chỉ trong vòng một tháng lượng người theo dõi anh đã tăng đột biến, từ 2 triệu lên gần 4,8 triệu, nhiều hơn cả dân số Los Angeles, Mỹ. 

Ninja có những thành công vượt trội từ năm 2018 và trở thành streamer kiếm nhiều tiền nhất từ game Fortnite và nền tảng Twitch.

Tháng 8/2019, nam streamer này đã gây chấn động cộng đồng game khi tuyên bố bỏ Twitch để chuyển sang Mixer, nền tảng stream mới của Microsoft.

Tuy nhiên, ngày 22/6 vừa qua Microsoft đã tuyên bố đóng cửa nền tảng Mixer và giải phóng hợp đồng cho Ninja. Ninja cho biết anh có thể quay trở lại với YouTube.

Theo trang Business insider, Ninja đã không giải thích nguyên nhân nghĩ TikTok xâm phạm quyền riêng tư hơn các ứng dụng khác như Facebook và Twitter. Tuy nhiên, nhiều khả năng hành động này có thể bị ảnh hưởng bởi tuyên bố của chính phủ Mỹ vào đầu tuần này.

Streamer hang dau the gioi tuyen bo xoa TikTok-Hinh-2
Sau Huawei TikTok trở thành mối quan tâm tiếp theo của chính phủ Mỹ. Ảnh: Browsebytes.
 

Ngày 6/7, trong buổi phỏng vấn với biên tập viên Laura Ingraham của Fox News, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết chính phủ quốc gia này "đang xem xét nghiêm túc" cấm cửa những ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có nền tảng video TikTok.

Ông Pompeo cho biết chính phủ Mỹ lo ngại ứng dụng phổ biến này có khả năng thu thập và chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh khoa học máy tính và các công nghệ theo dõi ngày càng phát triển.

Theo 9to5mac, chính phủ Mỹ có thể sẽ sử dụng lý do TikTok đã xâm phạm bảo mật thông tin của trẻ em làm đòn bẩy để cấm nền tảng video này.

Trong tháng 5, TikTok đã ra sức chiêu mộ ông Kevin Mayer, Giám đốc điều hành phát trực tuyến của Disney vào hành ngũ lãnh đạo nhằm trấn an các nhà lập pháp và người tiêu dùng Mỹ, tránh suy nghĩ "TikTok được vận hành bởi người Trung Quốc".

Vào ngày 30/6, TikTok đã bị cấm ở Ấn Độ cùng với 58 ứng dụng khác của Trung Quốc sau sự leo thang căng thẳng chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc sau một cuộc giao tranh biên giới vào 2 tuần trước đó.

Song Tử/Theo Zing